Trong mắt nhiều người, sở hữu mức lương hưu 7.400 NDT/tháng (tương đương 25 triệu đồng), ông Tiêu Hàn (70 tuổi, Trung Quốc) có thể sống một mình thoải mái cho tới cuối đời. Vợ ông mất đã được 5 năm do bệnh tật. Về hưu mấy năm, ông đã cố gắng hết sức để chăm sóc vợ nhưng họ không thể hưởng thụ tuổi già cùng nhau lâu dài hơn. Đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời ông.
Ở trong căn nhà lớn một mình, ông thường thấy cô đơn, mong con cháu về thăm nhà thường xuyên. Nhưng đây là điều không thực tế. Các con đều đã có gia đình riêng, các cháu cũng dần khôn lớn. Cũng do tính cách của ông thường nghiêm khắc, cứng rắn nên không mấy thân thiết với con cháu trong nhà.
Trước khi về hưu, ông Tiêu Hàn từng làm cán bộ, quen biết nhiều người. Khi con trai ông bắt đầu khởi nghiệp, muốn nhờ bố giới thiệu một vài mối quan hệ để tìm hiểu các loại giấy tờ, thủ tục liên quan. Tuy vậy, ông không muốn mang điều tiếng cho bản thân nên từ chối ngay. Sau đó, con trai chuyển sang thành phố khác lập nghiệp với bạn bè.
Tới khi ông Hàn có cháu, gia đình con trai mới chuyển về sống gần bố mẹ. Tuy vậy, chủ yếu vợ ông sang thăm các con và phụ giúp trông cháu, chứ quan hệ bố con vẫn rất lạnh nhạt.
Ông Hàn biết trong lòng con có sự oán trách, nhưng ông chưa bao giờ thấy mình làm sai. Điều duy nhất khiến ông hối hận là không sớm phát hiện những thay đổi trên cơ thể bà ấy, để đến khi bệnh tình trở nặng, không thể cứu vãn được nữa thì mới hay.
Cuối cùng, ông Tiêu Hàn quyết định về quê, sống gần anh trai đã 72 tuổi của mình. Ông nảy ra quyết định này khi biết, cháu trai ở quê vừa sinh một đứa chắt. Ở tuổi già, ông cũng muốn được hưởng cảm giác bồng chắt sớm nên khăn gói lên đường ngay.
Với mức lương hưu 7.400 NDT/tháng, ông Tiêu thừa sức lo cho cuộc sống cá nhân ở quê. Sau đó, ông còn tổ chức nhóm chăm sóc người già, tụ họp mọi người lại với nhau để cùng chăm sóc, trò chuyện và giao lưu. Nhờ vậy, ông nhanh chóng hòa nhập với mọi người. Làng xóm chất phác cũng đối xử với ông rất nồng hậu, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau.
Ông Tiêu Hàn cảm nhận được tình làng nghĩa xóm thuần hậu ở quê. Ảnh minh họa: Internet
Thời gian đầu, có người đến hỏi vay tiền của ông với lý do đi khám bệnh. Ông Tiêu cũng lo lắng về trường hợp có vay mà không trả, biến bản thân trở thành "kho thóc di động". Tuy nhiên, sau này, dù mọi người không hề dư dả, họ vẫn đều đặn trả tiền cho ông định kỳ. Khi trong nhà chưa có tiền mặt, họ mang đồ đến biếu tận tay ông để xin khất vài ngày.
Đợi tới khi mùa màng thu hoạch, kiếm được tiền, họ lại trả bù cả những phần đã khất. Sự thật thà, thuần hậu của hàng xóm láng giềng khiến cuộc sống ở quê của ông Tiêu ngày càng an nhàn hơn.
Tuy vậy, sau những lúc tụ tập với mấy ông bạn già, bế bồng cười đùa với cháu chắt nhỏ tuổi, ông Tiêu vẫn cảm thấy trống vắng. Cảm giác này ngày càng rõ rệt hơn khi chiều tối, ông về nhà một mình.
Sau những lúc tụ tập với mấy ông bạn già, bế bồng cười đùa với cháu chắt nhỏ tuổi, ông Tiêu vẫn cảm thấy trống vắng. Ảnh minh họa: Internet
Một ngày nọ, ông Tiêu đang tham gia buổi sinh hoạt của làng thì nhận được điện thoại. Hóa ra, con trai ông bị đột quỵ trong khi đang làm việc vào đêm hôm trước. Trải qua mấy tiếng cấp cứu, may mắn cuộc phẫu thuật đã thành công. Đến lúc này, con dâu mới gọi điện báo tin để ông cụ được biết.
Ông Tiêu hốt hoảng, gặng hỏi tình trạng sức khỏe của con liên tục. May mắn là, sau phẫu thuật, con trai ông chỉ chịu di chứng nhẹ, nếu tích cực tập luyện phục hồi và chăm sóc sức khỏe thì sinh hoạt hầu như không quá ảnh hưởng.
Dù vậy, ông Tiêu vẫn thấy lòng như lửa đốt. Ngay lập tức, ông thu dọn đồ đạc, bắt xe trở lại thành phố. Nghĩ đi nghĩ lại, ông nhận ra rằng, người khác có tốt đến mấy cũng không gắn bó bằng con cái ruột thịt của mình. Chỉ khi biết con cái mạnh khỏe, ở gần bên, dù không trực tiếp gặp mặt, ông vẫn an tâm hơn.
Ông nhận ra rằng, quyết định ngu ngốc nhất cuộc đời chính là để phí hoài thời gian. Trước khi, quá bận rộn công việc, ông đã lơ là sức khỏe của vợ mình. Bây giờ, vì lảng tránh mối quan hệ lạnh nhạt với con trai, ông tiếp tục phạm sai lầm này lần nữa.
Khi mọi việc còn chưa quá muộn, ông Tiêu quyết tâm phải thay đổi.
Từ đó, ông Tiêu quyết định ở lại thành phố. Mối quan hệ giữa ông và con trai cũng có dấu hiệu dịu đi. Thỉnh thoảng, ông mang canh hầm xương sang cho con trai tẩm bổ, hoặc gia đình con trai sẽ ghé qua thăm bố. Điều đó làm ông cảm thấy rất nhẹ lòng hơn.
Có thể thấy, một giọt máu đào hơn ao nước lã. Dù trải qua điều gì đi nữa, tình cảm của cha mẹ dành cho con cái không bao giờ thay đổi. Mối quan hệ ruột thịt cũng là mối quan hệ bền chắc nhất. Gia đình thuận hòa, tuổi già mới an yên.