"Lùi một bước, tiến ba bước": Từ bao giờ Nga lại "sợ" Thổ Nhĩ Kỳ?

Trương Mạnh Kiên |

Nga đang dần chấp nhận thực tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là đối tác không thể thiếu trong giải quyết các vấn đề khu vực, dù đó được coi là vùng bất khả xâm phạm.

Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ

Vào đêm ngày 9-10/11, sau 45 ngày giao tranh ác liệt, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhờ sự trung gian của Nga.

Lịch sử giao tranh giữa hai quốc gia tại khu vực này đã kéo dài nhiều năm, nhưng điều khiến căng thẳng quân sự mới nhất trở thành tâm điểm không phải là động lực gia tăng của quân đội Azerbaijan mà là mức hỗ trợ quân sự-kỹ thuật và chính trị chưa từng có được Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Azerbaijan trong cuộc đối đầu với Armenia.

Điều này trái ngược hẳn với cuộc chiến ban đầu (1991–1994), khi Ankara về cơ bản không cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc công nghệ nào cho Baku.

Cần phải nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có động thái cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc công nghệ tương tự cho Gruzia trong cuộc chiến năm 2008 hoặc cho Ukraine vào năm 2014, bất chấp thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang phát triển mối quan hệ quân sự, hợp tác công nghệ, kinh tế và chính trị với Gruzia trong gần 30 năm, cũng như quan hệ của nước này với Ukraine được nâng lên tầm chiến lược vào năm 2011.

Do đó, cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh lần thứ hai và sự can dự hậu trường của Thổ Nhĩ Kỳ lần này đã gây được tiếng vang trong không gian Liên Xô cũ.

Đáng chú ý, trong hai ngày 16–17/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ với mục đích phát triển và củng cố quan hệ quân sự và kinh tế song phương.

Hai bên đã ký một thỏa thuận khung quân sự và một biên bản ghi nhớ, mang lại cơ hội phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật sâu hơn trong các lĩnh vực như chia sẻ thông tin tình báo, an ninh Biển Đen và các phương tiện bay không người lái.

Kết quả của chuyến thăm này và các tuyên bố kèm theo của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Ngoại trưởng Mevlüt Çavuşoğlu liên quan đến các vấn đề về Crimea và Donbas đã đánh tiếng đến Nga.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang từng bước phát triển quan hệ với Nga ở cả cấp độ song phương và khu vực; và Moscow cũng tìm cách đáp lại dựa trên lợi ích của chính mình.

Động lực chuyển biến

Lùi một bước, tiến ba bước: Từ bao giờ Nga lại sợ Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Nga đã dần chấp nhận sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trước "ngưỡng cửa".

Sự việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga vào ngày 24/11/2015, dọc theo biên giới với Syria, đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong quan hệ song phương kéo dài nửa năm và chỉ lắng xuống khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp lại đề nghị hỗ trợ chính trị cho ông Erdoğan trong nỗ lực đảo chính năm đó.

Đến tháng 12/2016, động lực của cuộc đối thoại giữa Ankara và Moscow được chuyển đổi nhiều hơn sang cái gọi là Tiến trình Astana, với các giải pháp chính trị giải quyết cuộc chiến ở Syria.

Việc Nga công nhận và thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ (cùng với Iran) là đối tác và tác nhân hợp pháp ở Syria (bất chấp việc cả hai ủng hộ hai phe đối lập trong cuộc chiến) cho thấy tiềm năng của Moscow và Ankara trong việc theo đuổi hợp tác và đối thoại để giải quyết các vấn đề khu vực.

Sau đó, vào ngày 27/10/2018, với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Istanbul có sự tham gia của Đức, Pháp và Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố vị thế như một bên bình đẳng với châu Âu và Nga trong ảnh hưởng đối với cuộc xung đột Syria.

Thỏa thuận Sochi tiếp theo giữa Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 22/10/2019) về lệnh ngừng bắn ở đông bắc Syria đã tái khẳng định giá trị của các cuộc đàm phán song phương và củng cố lòng tin đối với cả hai bên.

Giờ đây, khi Ankara theo đuổi mức độ quan hệ sâu rộng hơn với các đối tác chiến lược trong không gian hậu Xô Viết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy sự cần thiết phải phát triển một nền tảng hợp tác chung mới.

Trong thời gian bùng nổ giao tranh gần đây ở Nagorno-Karabakh, các cuộc thảo luận đã phát triển đến mục tiêu thay đổi tiến trình hòa bình tồn tại 30 năm qua do nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), với Pháp, Nga và Mỹ đồng chủ trì.

Lùi một bước, tiến ba bước: Từ bao giờ Nga lại sợ Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 3.

Lực lượng Nga tham gia gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh.

Cụ thể, Azerbaijan đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng chủ tịch mới. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị thay đổi các cuộc họp theo định dạng Astana (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran) để thảo luận về tình hình ở Nagorno-Karabakh bên cạnh việc tạo ra một tiến trình đàm phán tứ giác mới sẽ quy tụ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Armenia và Azerbaijan.

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ hai kết thúc và việc thắt chặt quan hệ cấp chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Gruzia và Ukraine trên thực tế đã khuyến khích đối thoại tập trung hơn nữa trong khu vực giữa Ankara và Moscow về các vấn đề an ninh và ổn định ở Đông Âu và khu vực Nam Caucasus.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sự can dự sâu hơn này cuối cùng đã giúp nước này tiến vào một khu vực mà lâu nay họ coi là nơi có lợi ích quốc gia quan trọng.

Trong khi đó, có hai yếu tố chính củng cố động lực chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ của Nga. Thứ nhất, như ông Putin nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập bất chấp thực tế rằng họ là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thứ hai, Nga đã không thể xây dựng mối quan hệ thực dụng tương tự với hai nước cộng hòa hậu Xô Viết khác ở khu vực Biển Đen là Gruzia và Ukraine, nơi có các chính quyền đi theo định hướng phương Tây.

Do đó, Moscow quan tâm nhiều hơn đến việc khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ cùng tham gia các giải pháp do Nga đưa ra cho các vấn đề khu vực.

Chính bởi vậy, việc Ankara tham gia các cuộc đàm phán về Nagorno-Karabakh phù hợp với lợi ích rộng lớn hơn của Moscow; chẳng hạn, sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ gây áp lực buộc Armenia phải đi vào quỹ đạo của Nga trong thời gian dài. Với mô hình đó, Nga hy vọng có thể áp dụng lại ở những nơi khác trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại