Hải quân Mỹ "ngã ngửa" trước kế hoạch vĩ đại của TT Trump: Không gì cứu vãn nổi!

Bình Nguyên |

Dự định đưa Hải quân Mỹ "mạnh mẽ trở lại" với quy mô tới 355 chiến hạm của TT Trump đã sụp đổ hoàn toàn. Lời hứa bay mất, kế hoạch phá sản hay chí ít cũng là "đầu voi đuôi chuột".

Còn nhớ vào năm 2016 khi tranh cử chức Tổng thống Mỹ, ứng viên Donald Trump đã sử dụng một khẩu hiệu rất hoành tráng, đó là "Make American Great Again - Đưa nước Mỹ mạnh mẽ trở lại".

Để chiếm được "trái tim" của những binh sĩ Mỹ, ông Trump khi đó đã vẽ ra một kế hoạch đầy tham vọng đó là biến Hải quân Mỹ "mạnh mẽ trở lại" với quy mô tàu chiến tăng lên tới 355 chiếc.

Sau khi ông Trump đắc cử, ngày 17/5/2017, Hải quân Mỹ công bố Sách Trắng mang tên Hải quân trong tương lai, xác định nước Mỹ cần xây dựng lực lượng hải quân quy mô lớn mạnh với ít nhất 355 tàu chiến.

Tuy nhiên, đến thời điểm này dường như kế hoạch của Tổng thống Trump và các đồng sự đã phá sản hoàn toàn và thậm chí ông đang phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Nhà Trắng do bị ứng viên Tổng thống Mỹ Biden vượt mặt..

Bất lực, bó tay: Tham vọng sụp đổ

4 năm trong nhiệm kỳ vừa qua, dù Tổng thống Trump đã rất cố gắng thực hiện lời hứa của mình với Hải quân Mỹ tuy nhiên có lẽ ông đã bất lực.

Dù đã vận dụng mọi "tuyệt chiêu" để tăng số lượng tàu chiến có khả năng hoạt động, nhưng thực tế, tại thời điểm này Hải quân Mỹ dù vẫn đứng đầu thế giới nhưng cũng chỉ có 295 tàu, kém xa so với 355 chiếc theo "lời hứa" lúc ông mới đắc cử.

Một trong những nguyên nhân chính khiến kế hoạch 355 tàu chiến bị phá sản là do thiếu tiền, cho dù ngân sách quốc phòng Mỹ có tăng.

Riêng trong năm 2020 này, Chính phủ Mỹ dưới quyền của Tổng thống Trump được duyệt kế hoạch chi tới 721,5 tỷ USD, tăng đột phá so với mức 695 tỷ USD của năm 2019.

Hải quân Mỹ ngã ngửa trước kế hoạch vĩ đại của TT Trump: Không gì cứu vãn nổi! - Ảnh 2.

Ngân sách quốc phòng Mỹ qua các đời Tổng thống Mỹ (1970-2019).

Ngoài ra, Quân đội Mỹ nói chung và Hải quân Mỹ nói riêng rất lúng túng trong việc xây dựng chiến lược mới, trong khi đó, các lớp tàu chiến mới "bầm dập" do những thay đổi định hướng liên xoành xoạch, nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm và thậm chí có dự án bị Hải quân từ chối tiếp nhận và đặt mua tàu mới.

"Tuyệt chiêu" tăng số lượng tàu của Hải quân Mỹ bị lộ tẩy

Như đã nói ở trên, do số lượng tàu chiến mới đưa vào biên chế quá ít ỏi so với kế hoạch đầy tham vọng, trong khi Hải quân Mỹ phải đối phó với nhiều nguy cơ cực lớn ở những điểm nóng mà đối thủ đều là những "thứ dữ" như Nga, Iran, Trung Quốc, Triều Tiên... đã buộc giới tướng lĩnh phải "chơi chiêu" nhằm tăng nhanh số tàu thường trực sẵn sàng chiến đấu.

Một trong những "tuyệt chiêu" được Hải quân Mỹ áp dụng là kéo dài niên hạn của những chiến hạm hiện có, không cho chúng được nghỉ hưu theo kế hoạch. Và đây được coi là giải pháp "giật gấu vá vai" nhưng tương đối hiệu quả để cho dù không thể đạt được con số 355 tàu theo kế hoạch nhưng chí ít quy mô của Hải quân Mỹ không bị thu hẹp.

Hải quân Mỹ ngã ngửa trước kế hoạch vĩ đại của TT Trump: Không gì cứu vãn nổi! - Ảnh 3.

Các tuần dương hạm Ticonderoga cũ đang được lưu trữ tại căn cứ hải quân Philadelphia.

Không những thế, các nhà thầu quốc phòng cũng đang gặp khó khăn rất lớn do thiếu công nhân kỹ thuật tay nghề cao khiến tiến độ đóng mới các chiến hạm bị chậm chế và họ đành vui vẻ với việc kéo dài vòng đời cho những "bà lão" để chúng có thể tiếp tục đi biển dù "đầu đã bạc, răng đã long gần hết".

Ngay từ năm 2017, Nghị sĩ Rob Wittman, người đứng đầu một tiểu ban của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đã nhận định rằng để đạt được quy mô 355 tàu, tăng mạnh tới gần 60 tàu so với hiện tại thì Hải quân Mỹ sẽ phải nỗ lực trong vài thập kỷ, thậm chí mất từ 25 tới 30 năm.

Rõ ràng, ngay từ khi lập kế hoạch, lời hứa của Tổng thống Donald Trump đã có gì đó sai sai, bởi lẽ ông hội đủ cả "tam tai":

Thứ nhất, thiên thời không hợp. Mặc dù trong những năm cầm quyền, chính phủ của Tổng thống Trump đã giành được nhiều thành tựu kinh tế khả quan, nhưng đại dịch COVID-19 đã phá tan tất cả. Sinh mạng chính trị của ông hiện giờ "như chỉ mành treo chuông".

Thứ hai, địa không lợi. Washington liên tục yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng, đặt ra những điều kiện oái oăm đã khiến các đồng minh thân cận mếch lòng, và có những lúc nước Mỹ phải đơn độc đương đầu với các đối thủ hùng mạnh như Nga, Trung Quốc.

Thứ ba, nhân không hòa. Quốc hội Mỹ liên tục cản trở yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump khiến các kế hoạch đầy tham vọng của ông bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn. Ngân sách quốc phòng Mỹ không thể đáp ứng nổi nhu cầu đóng mới, "không có thực thì sao vực được đạo".

Điển hình về việc  nhân không hòa là vào ngày 24/11/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer vì được cho là không hoàn thành nhiệm vụ. Ông đồng thời cũng chỉ định Đặc phái viên Mỹ tại Na Uy Kenneth Braithwaite – một cựu đô đốc Hải quân, đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Hải quân thay thế ông Richard Spencer.

Trong khi đó, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao tại các nhà máy đóng tàu khiến nhiều dự án đóng mới tàu chiến bị chậm trễ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24-11 thông báo trên trang cá nhân Twitter rằng ông sẽ chỉ định Đặc phái viên Mỹ tại Na Uy Kenneth Braithwaite – một cựu đô đốc Hải quân, đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Hải quân thay thế ông Richard Spencer – người vừa bị sa thải. Ông Trump bày tỏ tin tưởng “Kenneth Braithwaite sẽ thực hiện công việc một cách xuất sắc”.

Tóm lại, đến thời điểm này có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng lời hứa của ông Trump với Hải quân Mỹ đã sụp đổ tan tành, không gì cứu vãn nổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại