Từ những bước đi ban đầu
Ngày 27-5-2014, Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHB Việt Nam) được thành lập. Không lâu sau đó, hai sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đánh dấu sự tham gia chính thức hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam.
Kể từ đó tới nay, Việt Nam đã cử hàng chục lượt sĩ quan tới hai phái bộ GGHB ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Mặc dù phải làm việc trong môi trường đa phương đầy khó khăn, nhưng các sĩ quan Việt Nam đều đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được LHQ, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao cả về trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc, ý thức kỷ luật…
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5-2015, Tổng thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon đã dùng từ "tuyệt vời" khi nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ của các sĩ quan QĐND Việt Nam. Ông nói:
"Tôi xin cúi đầu, nghiêng mình trước những sĩ quan Việt Nam đã đi một chặng đường dài tới tận Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi để giúp đỡ những người khốn khổ".
Ở chiều ngược lại, thực tế thời gian qua cho thấy LHQ và cộng đồng quốc tế luôn chào đón và cần sự xuất hiện của lực lượng GGHB Việt Nam tại các khu vực bất ổn của thế giới. Bởi Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hiện nay, GGHB tiếp tục là vấn đề được LHQ và nhiều quốc gia quan tâm. Do đó, các sĩ quan Việt Nam làm nhiệm vụ tại hai phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi cũng có những thuận lợi và động lực quan trọng, đó là sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế, sự hỗ trợ của các quốc gia, nhất là LHQ.
Những thành quả đạt được sau gần 5 năm cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, cũng như sự đánh giá tích cực của quốc tế một lần nữa cho thấy, việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ là quyết định quan trọng, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.
Thông qua việc cử lực lượng tham gia các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và tái thiết, như: Quân y, công binh, rà phá bom mìn, sĩ quan liên lạc, quan sát viên quân sự, huấn luyện, hậu cần... góp phần chứng minh rằng, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, mở ra kênh hợp tác mới giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.
Thử thách nặng nề hơn
Với việc chuẩn bị đưa Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 tham gia hoạt động GGHB ở Phái bộ Nam Sudan, Việt Nam sẽ nâng quy mô tham gia hoạt động GGHB LHQ từ cấp cá nhân lên cấp đơn vị. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện năng lực trong việc tham gia các hoạt động mang tầm quốc tế.
BVDC cấp 2 số 1 của Việt Nam được thành lập ngày 25-11-2014 theo Quyết định số 4930/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Cục GGHB Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175 và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực phối hợp triển khai chuẩn bị về mọi mặt của BVDC cấp 2 số 1.
Thông qua kênh hợp tác quốc tế về quốc phòng, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ từ các quốc gia, như: Anh, Australia, New Zealand trong đào tạo tiếng Anh, tổ chức các đợt huấn luyện chuyên sâu, huấn luyện bổ sung… cho BVDC cấp 2 số 1 theo yêu cầu của LHQ.
Tháng 2-2018, đoàn kiểm tra của LHQ đánh giá: 100% cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bệnh viện có đủ tiêu chí và năng lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ GGHB tại Nam Sudan.
Gần đây nhất, ngày 26-9 vừa qua, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý và Phó tổng thư ký LHQ Atul Khare đã ký kết bản ghi nhớ về việc Việt Nam cử BVDC cấp 2 số 1 tới Nam Sudan.
Dự kiến, ngày 1-10 tới, Bộ Quốc phòng sẽ tổ chức Lễ xuất quân BVDC cấp 2 số 1 lên đường tới Nam Sudan.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ, Việt Nam cử BVDC cấp 2 tham gia hoạt động GGHB LHQ sau một thời gian dài chuẩn bị và từng bước tổ chức thực hiện, khi đã hội đủ các điều kiện, bảo đảm ra quân là thắng lợi.
Điều đó cho thấy sự tính toán rất kỹ lưỡng, đồng thời cũng cho thấy chúng ta đã thực hiện đúng cam kết với LHQ nói riêng và quốc tế nói chung.
Bên cạnh đó, việc chính thức đưa BVDC cấp 2 đầu tiên tới một phái bộ GGHB ở nước ngoài cũng chứng tỏ sự tham gia ngày càng sâu rộng hơn của Việt Nam nói chung và QĐND Việt Nam nói riêng vào một lĩnh vực quan trọng của LHQ, qua đó góp phần thực hiện chủ trương của Đảng:
"Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động GGHB LHQ, diễn tập về an ninh phi truyền thống và các hoạt động khác".
Triển khai một đơn vị, cụ thể là BVDC cấp 2 tới một phái bộ GGHB ở nước ngoài chắc chắn sẽ là nhiệm vụ nặng nề và phức tạp hơn nhiều so với cử các cá nhân.
Song với sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, có thể tin tưởng rằng, càng trong khó khăn, các chiến sĩ đội mũ nồi xanh LHQ đến từ Việt Nam sẽ càng chứng tỏ họ xứng đáng với hình tượng và tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời bình.