Đòn đánh xuất quỷ nhập thần
Buổi sáng tinh mơ còn nhiều sương mù ngày 28/3/1971, 50 thành viên một lực lượng tiến công được huấn luyện đặc biệt của Quân đội Bắc Việt (từ của cựu binh Mỹ để chỉ lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam được đưa vào miền Nam Việt Nam chiến đấu – người dịch ), cơ thể đắp đầy bụi than và dầu nhờn khiến người ta không thể nhìn ra họ trong bóng tối, lặng lẽ tiếp cận Căn cứ hỗ trợ hỏa lực Mary Ann – một trại lục quân Mỹ ở tỉnh Quảng Tín (một địa danh hành chính cũ của chế độ “Việt Nam Cộng hòa” – người dịch ) thuộc khu vực phía bắc của “Nam Việt Nam”.
Tiền đồn ở vùng sâu vùng xa này có khoảng 30 tòa nhà, trong đó có boong-ke và nơi để ngủ, được bảo vệ bởi 231 lính Mỹ thuộc Lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ 196, Sư đoàn bộ binh Mỹ số 23, cùng với 22 lính Nam Việt Nam (tức lính thuộc chế độ Việt Nam Cộng hòa – người dịch ).
Đơn vị đồn trú này của Mỹ hơi lơi lỏng về các biện pháp an ninh cơ bản, một phần do ít khi tiếp xúc với đối phương, theo một cuộc phỏng vấn sau trận đánh với John Patrick – một lính bộ binh thuộc Đại đội C, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh 46 trực thuộc Lữ đoàn 196 Mỹ.
Lực lượng xâm nhập trên thuộc Đại đội 2 của Tiểu đoàn Đặc công Chủ lực 409 của quân đội Bắc Việt. Họ bò thấp theo các đội 3 người hoặc 6 người, lặng lẽ trườn qua dây thép gai bảo vệ vòng ngoài của căn cứ hỏa lực.
Dưới sự yểm trợ của hỏa lực súng cối đồng đội, các đặc công Việt Nam này lao nhanh qua căn cứ, liệng lựu đạn hơi cay và quăng các khối bộc phá vào mục tiêu. Họ sau đó chĩa súng tiểu liên nhả đạn vào các mục tiêu đã bị phá hủy hoặc đang bốc cháy.
Lực lượng tiềm nhập này đã đánh thẳng vào trung tâm tác chiến chiến thuật của tiểu đoàn Mỹ và hầm ngầm của sở chỉ huy Đại đội C, giết chết viên Đại đội trưởng - Đại úy Richard V. Knight. Bộ binh Mỹ hoặc bị bắn hạ khi họ cố trốn khỏi chỗ nằm ngủ hoặc bị thiêu sống khi đối phương ném thuốc nổ về vị trí của họ.
Viên tư lệnh Mỹ tướng James L. Baldwin, trong một bức thư gửi về gia đình, đã viết như sau: Căn cứ “tan hoang..., mọi thứ bốc cháy”.
Sau một tiếng cận chiến, 30 lính Mỹ tử trận, 30 lính Mỹ khác bị thương. Quân Bắc Việt (tức quân giải phóng Việt Nam – người dịch ) có 15 người hy sinh ở bên trong và bên ngoài căn cứ này.
Bộ đội đặc công độc nhất vô nhị
Vụ tiến công trên là một ví dụ điển hình về tính hiệu quả của lực lượng đặc công cách mạng Việt Nam.
Các lính đặc công như thế này đã công phá không chỉ căn cứ Mary Ann mà còn hàng trăm chốt tiền tiêu, các căn cứ lớn khác, các sân bay, ấp chiến lược, và các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa . Họ là thành viên của “Bộ đội Đặc công” – một binh chủng có tổ chức cao, được huấn luyện và trang bị tốt, chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.
Người Mỹ gọi họ là “sapper” – từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp “saper”, nghĩa là phá hoại hay làm suy yếu, đặc biệt là bằng phương pháp đào hào. Trong ngôn ngữ quân sự tiếng Anh, thuật ngữ này ban đầu dùng để chỉ lính Pháp đào hào hướng về pháo đài địch để giúp vận chuyển an toàn binh sĩ và vũ khí tới gần pháo đài cần tấn công.
Ngày nay, thuật ngữ “sapper” mở rộng nghĩa, dùng để chỉ các lính công binh chuyên đảm đương nhiệm vụ xây dựng và rà phá bom mìn.
Ở chiến trường Việt Nam, quân Mỹ dùng thuật ngữ “sapper” chủ yếu để chỉ các đơn vị đặc công của quân đội Bắc Việt và lực lượng Việt Cộng (người Mỹ dùng thuật ngữ quân Bắc Việt để chỉ quân đội chủ lực của ta từ Bắc vào, và thuật ngữ Việt Cộng để chỉ lực lượng quân sự cách mạng tại chỗ, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam – người dịch ) chuyên đột phá các tuyến phòng ngự, sử dụng chiến thuật giống với lực lượng biệt kích hơn là công binh.
Trong một hội nghị quân sự, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã đề ra những yêu cầu chính thức cho lực lượng đặc công như sau:
“Việc vận dụng chiến thuật đặc công phải linh hoạt. Phải làm quen với các kỹ thuật chiến đấu. Tinh thần phải vững. Kỷ luật phải nghiêm. Ý chí quyết chiến quyết thắng phải mạnh mẽ. Trung với Đảng, hiếu với dân. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.
Việc trung thành với Đảng Cộng sản là một điều kiện bắt buộc trong quá trình tuyển chọn tân binh cho lực lượng đặc công. Hầu hết sĩ quan và hạ sĩ quan đặc công là đảng viên Đảng Cộng sản.
Can đảm, tháo vát là những tố chất tính cách quan trọng, bởi lẽ những người được tuyển chọn sẽ phải hoạt động trên lãnh thổ do địch kiểm soát và đối mặt với lực lượng mạnh hơn hẳn. Các phẩm chất khác cần có là trí thông minh cao, tính kỷ luật, và kỹ năng tổ chức tốt để có thể độc lập tác chiến.
Người ta không đánh giá cao phương án cảm tử kiểu phi công Thần Phong của Nhật Bản. Bởi lẽ các quân nhân đặc công được huấn luyện công phu này rất có giá trị, nếu để tấn công cảm tử thì sẽ lãng phí. Họ được huấn luyện để hoàn thành nhiệm vụ và sống sót trở về.
Lối đánh mang tinh hoa dân tộc Việt
Đại tá Bạch Ngọc Liễn – một chỉ huy đặc công cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, viết trên tờ báo đảng Nhân Dân vào tháng 12/1979 như sau: “Chiến đấu đặc công là một biểu tượng sống động cho tính cách và tâm hồn dân tộc ta, ý chí chiến đấu không khoan nhượng, và năng lượng sáng tạo của chúng ta. Tác chiến đặc công là tinh hoa của Việt Nam..., cho phép lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”.
Mặc dù tác chiến đặc công có vẻ gần giống với tác chiến du kích kinh điển, quân đội cách mạng Việt Nam lại nhìn nhận lối đánh này một cách khác biệt. Trong chiến tranh du kích, một đơn vị nhỏ tấn công và tiêu diệt một đội hình nhỏ của địch bị cô lập.
Trong tác chiến đặc công, một đơn vị nhỏ thiện chiến tấn công một đồn địch có lực lượng áp đảo về số lượng, nằm ngay trên phần lãnh thổ do địch kiểm soát. Người Việt Nam gọi loại tác chiến này là chiến thuật “nở hoa trong lòng địch” – xâm nhập vào sâu bên trong các khu vực được phòng thủ chặt chẽ rồi từ đó đánh bung ra bên ngoài.
Lính đặc công nói chung không tấn công quân địch đang di chuyển trên sa trường, vì sự di chuyển của các đơn vị địch đó là khó dự đoán. Đặc công Việt Nam muốn dành nhiều thời gian để thực hành trinh sát kỹ càng vị trí của địch. Ngoài ra, kinh nghiệm của họ chỉ ra rằng rút lui khỏi một cuộc giao tranh trên sa trường khó hơn so với rút lui khỏi một khu đô thị hay căn cứ hỏa lực.
Trước cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 trên khắp miền Nam Việt Nam, lực lượng đặc công ở miền này do “Việt Cộng” (tức Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ) phụ trách và họ hoạt động độc lập với lực lượng chủ lực được đưa từ miền Bắc vào Nam.
Nhưng sau khi hứng chịu thương vong đáng kể trong trong cuộc Tổng tiến công nói trên, tất cả các hoạt động đặc công ở miền Nam Việt Nam được đặt dưới sự giám sát của Đoàn Đặc công 429 – đơn vị này báo cáo trực tiếp với Bộ tư lệnh Đặc công nằm trong Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở Hà Nội.
Bộ Tổng tư lệnh này xây dựng chương trình đào tạo đặc công. Sau năm 1968, các trung tâm huấn luyện đặc công ở miền Nam Việt Nam và ở Campuchia là do Đoàn Đặc công 429 quản lý, còn các trung tâm huấn luyện ở miền Bắc Việt Nam và ở Lào thì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh.
Việc đào tạo có thể kéo dài từ 3 đến 18 tháng, tùy thuộc vào việc học viên là quân nhân ở đơn vị chính quy hay là lực lượng khác. (Còn nữa )./.