Đây là Lữ đoàn tên lửa bờ thứ 4 của Quân chủng Hải quân, bổ sung thêm thành phần lực lượng, đảm bảo cho Quân chủng Hải quân tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Như vậy, chỉ trong khoảng hơn 1 năm nữa, Lữ đoàn tên lửa bờ thứ 4, đơn vị mới nhất của Quân chủng Hải quân sẽ chính thức đi vào hoạt động, sẵn sàng chiến đấu, tạo thành lá chắn thép, trấn giữ khu vực bờ biển trọng yếu ở Miền Trung.
Lễ khởi công Doanh trại Lữ đoàn tên lửa bờ 682. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
Hầu hết bạn đọc đều tin tưởng rằng, với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, Lữ đoàn tên lửa bờ 682 sẽ được trang bị loại tên lửa thế hệ mới hết sức tiên tiến.
Tên lửa nội địa KCT-15 có kịp đưa vào biên chế?
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (2015-2020) diễn ra vào thượng tuần tháng 9/2015, một sản phẩm tiêu biểu của công nghiệp quốc phòng nước ta được trưng bày, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, đó là tên lửa chống tàu KCT-15.
Trước đó, Ông Igor Korotchenko - Giám đốc Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu (Nga) cho biết Nga chuyển giao công nghệ để Việt Nam tự chế tạo một họ tên lửa chống hạm mới dựa trên dòng tên lửa Kh-35 nổi tiếng. Ông khẳng định:
"Đây là loại tên lửa cận âm hiệu quả cao. Nó có thể vượt qua hệ thống phòng không của bất kỳ lực lượng hải quân nào. Tất nhiên, tên lửa sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, giống như tên lửa BrahMos được liên doanh Nga - Ấn phát triển".
Đây là một bất ngờ lớn, bởi lẽ chỉ vài năm sau khi tiếp nhận công nghệ, các đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đã cho ra đời những quả tên lửa mẫu đầu tiên, có một số cải tiến so với dòng tên lửa Kh-35 nguyên bản của Nga.
Tổ hợp tên lửa bờ BAL-E với tên lửa Kh-35 của Nga. Ảnh: Livejournal.com.
Chắc chắn KCT-15 sẽ kế thừa và phát huy được mọi ưu điểm của tên lửa Kh-35 như: hiệu suất chiến đầu cao, giá thành hợp lý, phù hợp với trình độ công nghệ, cũng như vận hành, bảo dưỡng sửa chữa của Việt Nam.
Tên lửa Kh-35E có kích thước nhỏ gọn, diện tích phản xạ radar rất nhỏ lại bay siêu thấp, tạo nên khả năng xuyên thủng các lớp phòng thủ tên lửa của tàu chiến đối phương, nhất là khi sử dụng chiến thuật "bầy sói", phóng đi cùng lúc nhiều tên lửa.
Tuy nhiên, từ khâu thiết kế, chế tạo và đặc biệt là bắn thử cho tới sản xuất hàng loạt cần phải có thời gian nhất định, không thể quá kỳ vọng vào một bước đột phá trong ngày một ngày hai được.
Đến nay, tên lửa KCT-15 vẫn chưa được bắn thử, do vậy liệu năm 2017, chúng có kịp được hoàn thiện để đưa vào trang bị cho các đơn vị tàu mặt nước và tên lửa bờ (giống tổ hợp BAL-E của Nga) hay không vẫn còn đang là dấu hỏi.
Các xe thành phần của Tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P thuộc Lữ đoàn 681. Ảnh: Quân đội Nhân dân.
... vẫn sẽ là tổ hợp K-300P Bastion-P với tên lửa Yakhont?
Cuối năm 2013, Tuần báo Tin tức Công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Việt Nam và Nga đã thảo luận về khả năng mua thêm ít nhất một tiểu đoàn tên lửa bờ K-300P Bastion-P để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.
Không lạ nếu quả thực hợp đồng này được ký kết và trong tương lai gần, Hải quân Việt Nam sẽ có thêm lữ đoàn tên lửa bờ thứ 2 được trang bị tổ hợp tên lửa bờ thuộc loại tiên tiến nhất thế giới này.
Mỗi tổ hợp Bation-P có khả năng bao quát đường bờ biển dài chừng 600km, tiêu diệt mọi loại mục tiêu như các tàu nổi, tàu vận tải trong biên chế các đơn vị xung kích, đổ bộ hay vận tải của địch cũng như các mục tiêu có diện tích phản xạ radar lớn trên đất liền.
Tên lửa Yakhont có hiệu quả tác chiến cao nhờ tốc độ nhanh, hành trình bay đa dạng, diện tích phản xạ radar nhỏ nhờ được bọc một lớp vật liệu có tính năng hấp thụ sóng radar và hệ thống điều khiển kết hợp giữa bay theo quán tính và đầu dò radar.
Mỗi xe bệ phóng của Tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P mang 2 ống phóng kiêm ống bảo quản tên lửa Yakhont. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Sau khi có thông số của mục tiêu, tên lửa Yakhont (P-800) được phóng ở chế độ hoàn toàn tự động theo kiểu "bắn và quên", bay với tốc độ siêu âm ở ngay trên đỉnh sóng (5-15m) khiến đối phương có rất ít cơ hội gây nhiễu hay đánh chặn được chúng.
Một trong những ưu điểm là hầu hết các thành phần quân trọng nhất của tổ hợp từ bệ phóng, radar, chỉ huy,... đều được đặt trên khung gầm xe tải việt dã bánh lốp 3-4 cầu chủ động (6x6 hoặc 8x8), đảm bảo khả năng vượt mọi địa hình, bí mật, bất ngờ đánh địch.
Việc trang bị các tổ hợp tên lửa này cũng là hợp lý bởi lẽ các kíp chiến đấu của đơn vị mới có thể được đào tạo ngay từ bây giờ tại Lữ đoàn 681, để đến năm 2017, khi tiếp nhận vũ khí mới có thể triển khai huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được ngay.
Với kinh nghiệm làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại tích lũy qua nhiều năm vận hành, chắc chắn việc đào tạo từ trắc thủ cho tới các thành phần bảo đảm kỹ thuật của tổ hợp tên lửa K-300P sẽ không hề gặp bất cứ khó khăn nào.
Rất có thể cũng giống như đơn vị bạn, Lữ đoàn 682 sẽ được trang bị tới 2 tổ hợp tên lửa này chứ không phải chỉ 1 tổ hợp như các báo Nga đã đưa tin. Trang bị số lượng lớn sẽ giúp khâu đảm bảo kỹ thuật dễ dàng và kinh tế hơn nhiều.