Gần đây, phương tiện truyền thông Nhật Bản cho hay, Trung Quốc sẽ hoán cải 5 tàu chiến đã ngưng sử dụng thành tàu hải cảnh, sau đó triển khai chúng tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Căn cứ vào hình ảnh mà Nhật Bản chụp được, giới chuyên gia quân sự chỉ ra rằng tàu Hải Cảnh 31239 tuần tra tại khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư cuối tháng 12 năm ngoái là biến thể của tàu hộ vệ tên lửa Type Giang Vệ I kiểu 053H2G.
Đây là tàu hộ vệ do Trung Quốc chế tạo từ những năm 1980, tàu có lượng giãn nước 2250 tấn, dài 111,7m, rộng 12,4m, mớm nước 4,3m.
Tàu sử dụng 2 động cơ diesel cải tiến, với công suất liên tục 14.400 mã lực, công suất tối đa 16.000 mã lực, tốc độ hành trình tối đa 26 hải lý/giờ, tầm hoạt động 5.000 hải lý khi di chuyển với tốc độ 18 hải lý/giờ.
Những năm gần đây Trung Quốc liên tục cải tiến một số tàu chiến đã ngừng sử dụng thành tàu chấp pháp trên biển.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, việc sử dụng tàu hải cảnh cải tiến từ tàu chiến có một số ưu điểm. Chính những ưu thế này đã thúc đẩy Trung Quốc quyết định cải tiến tàu hải cảnh trên cơ sở tàu chiến ngừng sử dụng.
Một là, tàu hải cảnh cải tiến từ tàu chiến có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm thời gian và giá thành, đồng thời có thể nhanh chóng thiết lập lực lượng.
Sau khi tàu hải cảnh loại này được hành thành, nước này có thể nhanh chóng có được tàu hiện đại ngang với tàu chấp pháp Nhật Bản.
Hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Vệ I Type 053H2G đang neo đậu ở xưởng đóng tàu tại Pudong, Thượng Hải. Chúng được cho là đã được cải tiến thành tàu hải cảnh.
Hai là, khi đối đầu với tàu chấp pháp của Nhật Bản, tàu hải cảnh này sẽ chiếm nhiều ưu thế hơn.
Do tiêu chuẩn chế tạo tàu chiến cao hơn so với tàu chấp pháp thông thường nên tại khu vực nhạy cảm như Senkaku/Điếu Ngư, khi va chạm với tàu chấp pháp Nhật bản, tàu chấp pháp cải tiến từ tàu chiến của Trung Quốc sẽ hình thành ưu thế áp đảo trước tàu Nhật Bản.
Tuy nhiên, tàu hải cảnh cải tiến từ tàu chiến vẫn có lỗ hổng và không phải là giải pháp lâu dài. Chính những nguyên nhân này cũng khiến cho việc thay đổi không thể tiếp tục tiến hành.
Đầu tiên, các tàu chấp pháp như vậy đều được cải tiến từ tàu chiến ngừng sử dụng. Những tàu chiến này đã hết tuổi thọ sử dụng nên khó đánh giá liệu các hệ thống trên tàu và tính năng của chúng có đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của hải cảnh hay không.
Hai là, với các tàu hải cảnh đóng theo tiêu chuẩn tàu chiến, lượng dầu tiêu thụ và chi phí bảo trì sẽ cao hơn tàu chấp pháp thông thường. Với ngân sách có hạn, điều này không có lợi cho hải cảnh Trung Quốc.
Ba là, để hoán cải thành tàu hải cảnh, những tàu chiến cũ phải trải qua quá trình cải tiến quy mô lớn, như tháo dỡ vũ khí liên quan, thay thế nhiều hệ thống.
Trung Quốc cũng đã nhận ra những lỗ hổng này. Sau khi giải quyết vấn đề liên quan đến trang thiết bị hải cảnh, Bắc Kinh bắt đầu đóng tàu chấp pháp chuyên dụng cỡ lớn.
Theo báo giới,, nước này hiện đã hoàn tất chế tạo ít nhất 2 tàu hải cảnh trên biển loại 10.000 tấn.