RFI cho biết, câu hỏi này đang được giới phân tích đặt ra vào lúc Washington khẳng định sẽ tiếp tục các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, đi sâu vào vùng mà Trung Quốc ngang ngược nhận là lãnh hải của họ tại Biển Đông, bất chấp quy định của luật lệ quốc tế.
Theo một số nguồn tin, khi tuần tra bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam-PV), tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hầu như không gặp sự cản trở lớn nào.
Thế nhưng, với việc Washington cho biết là sắp tới đây họ sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch tương tự, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên.
Một trong những chiến thuật mà Trung Quốc có thể viện đến là sử dụng đội tàu đông đảo của họ, cả quân sự, và nhất là bán quân sự để bao vây và cản đường tàu Mỹ, buộc đối phương phải thoái lui nếu không muốn xảy ra sự cố.
Thua Mỹ về chất lượng tàu, nhưng hơn hẳn về số lượng
Theo hãng tin Reuters, Sam Bateman - một sĩ quan hải quân Úc đã về hưu, hiện là cố vấn cho Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore), cho rằng dù về tinh nhuệ và hiện đại, tàu Trung Quốc còn kém tàu Mỹ, nhưng không nên coi thường vấn đề số đông:
"Ở bất kỳ thời điểm nào, họ (tức là Trung Quốc) đều có số đông... và số lượng, chứ không phải chất lượng, điều này có thể mang tính chất quan trọng trong một số tình huống, bao gồm cả việc đối đầu với những kẻ họ cho là xâm nhập vào vùng biển của mình".
Chuyên gia Bateman và nhiều nhà phân tích an ninh khu vực khác cho rằng các chiến hạm Mỹ có thể lâm vào tình thế bị tàu Trung Quốc bao vây nếu Bắc Kinh quyết định ngăn chặn các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong tương lai của Mỹ.
Trên báo chí Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích đã gợi lên khả năng tàu Trung Quốc cản đường, thậm chí đâm thẳng vào tàu chiến của Mỹ.
Nguồn tin hải quân Mỹ cho biết một tàu buôn Trung Quốc đã vượt qua mũi và sau đó di chuyển vòng quanh khu trục hạm USS Lassen khi tàu này tuần tra ở Trường Sa hôm 27/10.
Trong ảnh: Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ.
Theo chuyên gia Bateman, vấn đề là tàu Mỹ vì tôn trọng các quy tắc hành xử trong các trường hợp đó, sẽ không thể nổ súng ngăn chặn, làm cho tình hình xấu đi và chỉ còn cách rút lui.
Tình hình có thể rắc rối hơn cho Mỹ nếu lực lượng Trung Quốc ra ngăn chặn không phải là tàu quân sự, mà là tàu tuần duyên (trên nguyên tắc thuộc diện bán quân sự) hay chỉ là tàu cá thuộc lực lượng dân quân biển rất đông của Trung Quốc.
Trung Quốc từng dùng số đông để áp đảo ở Biển Đông
Kịch bản kể trên không phải là một điều không tưởng, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc đã tính đến khả năng dùng số đông để áp đảo đối phương, đặc biệt là tại vùng Biển Đông.
Theo công trình nghiên cứu của Lầu Năm Góc công bố vào tháng Tư vừa qua, với 116 chiếc tàu đủ loại, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc phụ trách Biển Đông là hạm đội lớn nhất so với hai hạm đội còn lại của nước này (Bắc Hải và Đông Hải).
Hạm đội 7 của Mỹ, tuy rất hùng mạnh nhưng chỉ có vỏn vẹn 55 tàu đặt căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Ngoài ra, hạm đội này không chỉ tập trung ở vùng Đông Nam Á như Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, mà phải trải rộng hoạt động từ Tây Thái Bình Dương qua một phần lớn của Thái Bình Dương.
Trang mạng Strategy Page (Mỹ) từng nhận định, bằng cách đưa vào biên chế những chiếc tàu cỡ lớn và vũ trang nặng, Trung Quốc đang biến lực lượng hải cảnh của nước này trở thành lực lượng hải quân thứ 2 hòng đạt được yêu sách trên biển.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có một đội tàu tuần duyên hùng hậu, trong đó có hơn 200 chiếc trên 500 tấn, bao gồm nhiều chiếc trên 1.000 tấn.
Về số lượng, đội tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã hơn gấp bội tổng cộng các đội tàu của tất cả các đối thủ châu Á gộp lại.
Hơn nữa, như tạp chí quốc phòng Anh IHS Jane's từng đưa tin hồi tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh rõ ràng đã và đang tiếp tục chuyển đổi tàu hải quân thành tàu bảo vệ bờ biển.
Hình ảnh do tạp chí IHS Jane's công bố cho thấy Trung Quốc đang hoán cải một khinh hạm thành tàu hải cảnh.
Trong thời gian qua, đội tàu này đã được Bắc Kinh tung vào mọi chiến dịch áp đặt chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Có thể kể đến vụ mặc nhiên chiếm bãi Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 hay việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Như đã ý thức được sự lợi hại của số lượng tàu Trung Quốc đông đảo, Bộ trưởng Bộ Hải quân của Mỹ Ray Mabus trong những năm gần đây đã xem việc tăng cường số lượng tàu trong Hải quân Mỹ là một ưu tiên.
Trong nhiều bài phát biểu, ông Mabus khẳng định: "Số lượng cũng có giá trị riêng của nó".