Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh từ lâu đã lọt tầm ngắm của tình báo Israel (Ảnh: Sky News)
Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran này ngay bên ngoài thủ đô Tehran của Iran hôm thứ Sáu tuần trước – được cho là do Israel thực hiện – bỗng chốc khiến cái tên ông trở thành tâm điểm chú ý trên toàn thế giới, cùng với đó là nhiều câu hỏi: Fakhrizadeh, người sống trong một khu vực đảm bảo an ninh nghiêm ngặt, là ai và tại sao ông trở thành mục tiêu ám sát?
"Mohsen Fakhrizadeh từng là giám đốc chương trình hạt nhân quân sự của Iran. Mục tiêu của chương trình này là giảm kích thước các đầu đàn hạt nhân của Iran sao cho lắp đặt được trên các tên lửa hành trình tầm xa, có tầm bắn tới châu Âu" – Bà Saritz Zehavi, CEO và làn người sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma có trụ sở tại Israel, nói với Fox News – "Fakhrizadeh đã nằm trong tầm theo dõi của tình báo Israel suốt nhiều năm".
Mặc dù lọt tầm ngắm của cộng đồng tình báo đã lâu, nhưng phải đến khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có phải phát biểu trên truyền hình vào năm 2018 – trong đó công khai các tài liệu hạt nhân nội bộ của Iran – thì bức ảnh của Fakhrizadeh mới được công bố rộng rãi lần đầu tiên.
"Hãy nhớ cái tên này" – ông Netanyahu nói, xác nhận Fkhrizadeh như người đứng đầu của Dự án ngầm AMAD – có nhiệm vụ phát triển vũ khí hạt nhân – một nhiệm vụ mà ông được cho là nắm giữ từ năm 1998.
Sinh trưởng tại thành phố thiêng Qom, Fakhrizadeh gia nhập lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào năm 1979, ngay sau cuộc cách mạng ở Iran, và kể từ đó nhận được nhiều bằng cấp, bao gồm bằng Tiến sĩ chuyên ngành phóng xạ hạt nhân và tia vũ trụ của ĐH Isfahan.
Dưới sức ép từ phần lớn cộng đồng quốc tế và giới chức phương Tây, Dự án AMAD chính thức bị dừng vào năm 2003.
Nhưng Fakhrizadeh, theo nhiều nguồn tin tình báo, vẫn là người tiên phong trong việc tăng cường khả năng làm giàu uranium của Iran và bị tình nghi vẫn tiếp tục nghiên cứu và quản lý các nhà khoa học khác thuộc AMAD.
Những mối quan ngại đó được nêu rõ nhất trong báo cáo năm 2011 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong đó xác nhận Fakhrizadeh là nhân vật tạo nền tảng trong việc phát triển công nghệ và kỹ năng cần thiết để chế tạo bom hạt nhân cho Iran trong tương lai.
Đánh giá này cho rằng, Fakhrizadeh cũng âm thầm thành lập và dẫn dắt Tổ chức Đổi mới và Nghiên cứu Phòng thủ (SPND) ở vùng ngoại ô Mojdeh của Tehran cùng năm đó.
Bức ảnh mà Bộ Quốc phòng Iran công bố cho thấy cảnh tang lễ của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh hôm 30/11 (Ảnh: AP)
Không giống như các nhà khoa học khác có liên quan tới AMAD, những người mà chính quyền Tehran cho phép IAEA được tiếp cận để phỏng vấn, Fakhrizadeh được giới lãnh đạo Iran bảo vệ tuyệt đối.
Cuối năm 200, ông bị Hội đồng Bảo an LHQ áp lệnh trừng phạt – bao gồm đóng băng tài sản và theo dõi lúc di chuyển ra nước ngoài.
Một nghị quyết mà Hội đồng Bảo an đưa ra năm 2007 tiếp tục xác nhận Fakhrizadeh là "nhà khoa học kỳ cựu trong Bộ Quốc phòng và Hậu cần lực lượng vũ trang, và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Vật lý (PHRC) ở Lavizan-Shian (được cho là cơ sở hạt nhân ở Đông Bắc Tehran)".
Cùng năm đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush công khai một báo cáo tình báo, có đoạn nhắc tới việc Fakhrizadeh được lệnh ngừng chương trình hạt nhân, đúng với các chỉ thị được đưa ra năm 2003.
Cái tên Fakhrizadeh một lần nữa xuất hiện trong một bản báo cáo của IAEA năm sau đó, và cùng thời điểm, chính phủ Mỹ ra lệnh đóng băng tài sản của ông cùng với 7 công dân Iran khác có liên hệ với công tác "hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo".
"Fakhrizadeh đã ở vị trí đỉnh cao trong nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Iran và (với tuổi đời còn khá trẻ) ông ta có thể đã cung cấp cho giới lãnh đạo dự án, đặc biệt là liên quan tới việc thu nhỏ và tăng sức chịu va chạm của các đầu đạn, sáp nhập công nghệ hạt nhân và tên lửa" – Kamran Bokhari, Giám đốc phân tích thuộc Trung tâm Chính sách Toàn cầu, nói – "Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển một hệ thống phóng thực chất".
Đáng chú ý, Fakhrizadeh được cho là đã tới thăm Triều Tiên vào năm 2013, làm tăng mối quan ngại rằng Iran đang hợp tác với nước này để thúc đẩy nghiên cứu cũng như thực hiện các vụ phóng thử nghiệm.
"Điều thứ nhất là xây dựng một chương trình hạt nhân, và điều tiếp theo là thực hiện nó một cách bí mật, và đó là điều mà Fakhrizadeh đã làm – và vụ ám sát ông là nhằm đưa ra một thông điệp" – Daniel Hoffman, cựu quan chức CIA, nói – "Thông điệp đó là, nếu điều này tiếp diễn, những nhân vật quan trọng sẽ tiếp tục bị lấy làm mục tiêu. Cứ làm tiếp đi, và tính mạng của bạn sẽ bị đe dọa".
Ông Hoffman cũng chỉ ra một "thông điệp thứ hai" rằng nếu Israel thực sự đứng đằng sau vụ ám sát; thì đó là cách mà họ đánh tiếng với chính quyền sắp tới của Joe Biden – người từng nêu ý tưởng đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 – rằng họ sẽ không chịu ngồi yên khi an ninh quốc gia bị đe dọa.
Sau nhiều vụ các nhà khoa học chủ chốt bị ám sát trong suốt thập kỷ qua, chính quyền Tehran được cho là đã tăng cường an ninh bảo vệ Fakhrizadeh, cùng lúc giúp cái tên của ông tránh xa khỏi con mắt soi mói của dư luận.
Nhưng vụ ám sát ngay giữa ban ngày trong hôm thứ Sáu tuần trước đã chứng minh một điều: Không có nơi nào thực sự an toàn. Theo bà Zehavi, khoảng 7 nhà khoa học và quan chức Iran – đều thuộc chương trình hạt nhân quân sự Iran – đã bị ám sát "bằng phương thức tương tự".
"Chúng tôi đánh giá rằng mọi nhân vật quan trọng trong chương trình hạt nhân quân sự của Iran đều nằm trong tầm ngắm" – bà nói.
Người dân Iran lên án vụ ám sát ông Fakhrizadeh (Ảnh: Economic Times)
Chỉ vài tháng trước khi bị ám sát, cái tên Fakhrizadeh đã xuất hiện trong một bản đánh giá mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra vào tháng 6/2020, nhấn mạnh rằng "việc nghiên cứu và phát triển quân sự" hướng tới "các hoạt động kỹ thuật lưỡng dụng liên quan tới vũ khí hóa" vẫn diễn ra tại SPND, dưới sự chỉ đạo của Fakhrizadeh.
Nhưng ở bên trong Iran, cái tên của nhà khoa học này – ít nhất là trước thời điểm vụ ám sát xảy ra – hiếm khi được nêu ra.
Nếu được giới truyền thông nhắc tới, ông cũng chỉ được nhắc tới như một "vị giáo sư đại học" hay người dẫn dắt cuộc chiến chống đại dịch virus corona. Tuy nhiên, sau vụ ám sát, giới chức Tehran đã gọi ông Fakhrizadeh là "người tử vì đạo".
Fakhrizadeh nắm giữ thông tin gì và giá trị của ông đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn còn là đề tài tranh luận, nhưng có một sự đồng thuận là cái chết của ông dù có tạo nên sự nản lòng cũng khó ngăn Iran ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân.
"Cái chết của Fakhrizadeh sẽ làm chậm chương trình hạt nhân quân sự Iran, việc quản lý, điều phối và nghiệm thu các thành phần của chương trình mà ông từng đảm nhiệm.
Bởi vậy, ông ta không giống như 4 nhà khoa học từng bị ám sát cách đây vài năm, mà giống như một người thống trị và nhân vật trung tâm trong chương trình hạt nhân quân sự của Iran" – bà Zehavi nói – "Theo đánh giá của chúng tôi, Iran sẽ có một khoảng thời gian khó khăn đẻ bù lấp lại khoảng trống kiến thức của Fakhrizadeh".