Lợi ích mới của Thổ Nhĩ Kỳ gây 'xích mích' trong NATO?

Thanh Bình |

Tờ Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ viết, do kết quả của các động thái ngoại giao và quân sự gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có sự hiện diện từ Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và Bắc Phi.

Tờ Milliyet của Thổ Nhĩ Kỳ viết, do kết quả của các động thái ngoại giao và quân sự gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có sự hiện diện từ Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và Bắc Phi.

Theo Milliyet, điều này làm gia tăng nguy cơ đối đầu và “xích mích” trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dẫn đến sự phức tạp trong thỏa hiệp giữa các bên liên quan.

Cụ thể, Milliyet cho biết, gần đây đã có nhiều “tranh cãi” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Paris phản đối các hoạt động quân sự của Ankara ở Syria, đồng thời tích cực hỗ trợ chính quyền Hy Lạp của Síp.

Nhưng mới đây, một sự cố nghiêm trọng hơn đã xảy ra ngoài khơi Libya ở Đông Địa Trung Hải và NATO. Theo các nguồn tin, Pháp cho rằng tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ đã đuổi theo tàu chiến của Pháp tham gia vào một nhiệm vụ của NATO và cố gắng “ngăn cản” một tàu chở hàng được cho là mang vũ khí đến Libya. NATO đã quyết định mở cuộc điều tra chính thức đối với vụ đối đầu hải quân trên giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, theo tờ Milliyet, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ tất cả những cáo buộc này.

“Sau đó, Paris đã cố gắng gây áp lực lên Thổ Nhĩ Kỳ trên nền tảng các liên kết của NATO”, tờ Milliyet viết.

“Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng này phải được nêu ra và các đồng minh của chúng ta có chung lo ngại”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly nói trước Thượng viện Pháp.

Bà Parly cho biết, 8 trong số 30 thành viên NATO ủng hộ sự can thiệp của Pháp. Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg hôm 18/6 cho biết, NATO đang điều tra vụ việc.

Hiện vẫn chưa biết kết quả các điều tra của NATO về vụ việc này cũng như mức độ căng thẳng có giảm bớt hay không.

“Nhưng việc hai thành viên của Liên minh “gần như sắp sửa xảy ra xung đột vũ trang” là điều đáng báo động. Đây không phải là trường hợp đầu tiên và không phải là trường hợp duy nhất khiến giới chuyên gia nói về NATO: Liên minh này thực sự là gì?”, tác giả tờ Milliyet nhấn mạnh.

Cũng theo tác giả tờ Milliyet, tất nhiên, các thành viên của tổ chức này có thể có quan điểm khác nhau về một số vấn đề nhất định, tuy nhiên, về tổng thể họ thường “xoay sở” để đi đến thống nhất.

“Nhưng gần đây, sự khác biệt và “tranh cãi” của Thổ Nhĩ Kỳ với một số đồng minh NATO đã thực sự phát triển thành những “cuộc cãi vã lớn”, thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột”, tờ Milliyet viết.

Tờ Milliyet cho biết thêm, nguồn gốc của những “tranh cãi” này nằm ở chỗ Thổ Nhĩ Kỳ. Do kết quả của các động thái ngoại giao và quân sự được tiến hành gần đây khiến các quốc gia khác cảm thấy sự hiện diện cũng như vai trò của Ankara ngày càng lớn, từ Trung Đông đến Đông Địa Trung Hải và Bắc Phi.

Dù Pháp là quốc gia mà trong lịch sử, Ankara đã phát triển mối quan hệ và tình bạn rất lâu dài, tuy nhiên, nền tảng của căng thẳng hiện nay là sự đối đầu do khác biệt về lợi ích. Người Pháp cũng đang tích cực cố gắng “khẳng định mình” cũng như duy trì ảnh hưởng và vai trò ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, đặc biệt là ở Lebanon và Syria.

Đồng thời, theo tờ Milliyet, câu hỏi đặt ra là làm thế nào Thổ Nhĩ Kỳ nên tránh “tranh cãi” và xung đột trong quan hệ với các đồng minh NATO. Theo tác giả, hành động của Pháp cho thấy họ không muốn nghĩ đến sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như không tìm cách đảm bảo sự hài hòa, cân bằng giữa lợi ích của họ và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ankara tìm cách bảo vệ những lợi ích và khu vực mới, điều này gây ra sự “xích mích” mới, dẫn đến sự phức tạp trong thỏa hiệp giữa các bên liên quan. Để giải quyết những khác biệt này và loại bỏ căng thẳng, các thành viên NATO nên dung hòa lợi ích chung, thông qua đối thoại giữa các đồng minh và xây dựng các chính sách thực tế trên cơ sở này”, tờ Milliyet kết luận.

Theo giới chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra nhiều xáo trộn tại NATO trong những năm gần đây khi can thiệp vào Syria, Libya và mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Ankara tiến hành tấn công quân sự nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria và ủng hộ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận. 

Trong khi đó, mặc dù Pháp công khai phủ nhận song nước này từ lâu đã bị nghi ngờ hậu thuẫn cho Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) - lực lượng chống GNA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại