Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát "bờ vực chiến tranh" ở Libya, chỉ Mỹ có thể giải quyết?

Hoài Giang |

Thông điệp hôm 20/6 của Tổng thống Ai Cập về khả năng can thiệp quân sự vào Libya là "mũi tên trúng hai đích", vừa cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ vừa gây sức ép để Mỹ phải "chọn phe".

Hôm 21/6, tờ Jerusalem Post của Israel đăng tải bài viết nhan đề: "Could Egypt and Turkey be headed for war in Libya?" (tạm dịch: Ai CậpThổ Nhĩ Kỳ đang tiến đến chiến tranh ở Libya?) của nhà phân tích Seth J.Frantzman.

Nhằm đem lại cái nhìn tương đối khách quan trong bối cảnh vào ngày 20/6, Ai Cập tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng tiến hành can thiệp quân sự ở nước ngoài - ám chỉ Libya, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Cuộc chiến đang tiếp diễn ở Libya dưới con mắt chuyên gia

Nỗ lực can thiệp quân sự vào Libya của Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng trong những tháng gần đây, bao gồm tăng cường hoạt động của máy bay không người lái vũ trang (UCAV), tập trận không quân - hải quân gần lãnh hải Libya, không vận vũ khí và lính đánh thuê Syria đến quốc gia Bắc Phi.

Mặc dù tuyên bố giúp đỡ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA), nhưng bản chất của cuộc can thiệp rõ ràng để thể hiện vị thế của Ankara trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Địa Trung Hải và làm suy yếu đồng minh của Ai Cập, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền đông Libya.

Đáp lại, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi đã ám chỉ sẽ tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào Libya trong chuyến viếng thăm một căn cứ quân sự lớn gần biên giới nước láng giềng hôm 20/6.

Xung đột của Libya rất phức tạp, nhưng có thể hiểu theo cách đơn giản nhất đây là một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm".

Nói cách khác, những gì đang diễn ra không chỉ là một cuộc nội chiến của người Libya mà là nỗ lực nhằm thiết lập "trật tự mới" cho toàn khu vực bằng sức mạnh quân sự của cả Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, UAE, Nga và Qatar.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát bờ vực chiến tranh ở Libya, chỉ Mỹ có thể giải quyết? - Ảnh 1.

Chiến sự tháng 5 và 6/2020 đã dẫn tới kết quả chia cắt Libya thành 2 miền do các lực lượng đối địch kiểm soát.

Iran, Hy Lạp, Italia và Pháp cũng đã thể hiện "mối quan tâm sâu sắc" của họ tới tình hình Libya.

Ai Cập, UAE, Arab Saudi, Nga (có thể là cả Pháp và Hy Lạp) đang "chống lưng" cho lực lượng LNA của Tướng Khalifar Haftar. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar thì ngược lại, họ hậu thuẫn GNA ở Tripoli.

Ankara đã không vận hàng nghìn cựu phiến quân Syria đang trong tình cảnh nghèo khổ đến chiến đấu ở Libya.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) cũng đã sử dụng chiến trường Bắc Phi làm nơi thử nghiệm các loại UCAV còn tàu chiến của họ đã tiến hành các cuộc tập trận với Hải quân Italia gần Libya và gần như đụng độ với tàu chiến Pháp trong một sự cố mà NATO đang tiến hành điều tra.

Đồng thời với việc đưa ra các bản đồ cho thấy yêu sách về một khu vực rộng lớn trên Địa Trung Hải được cho là đã cắt đứt Hy Lạp và Cyprus (đảo Síp) rõ ràng Ankara đang "phô trương sức mạnh" của mình.

Mới đây, họ cũng đã "khoe khoang" về một hoạt động tập trận rầm rộ bao gồm các tiêm kích F-16, trinh sát cơ và vận tải cơ tiếp cận bờ biển Libya đồng thời tìm cách lôi kéo NATO và Mỹ can thiệp vào Libya.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát bờ vực chiến tranh ở Libya, chỉ Mỹ có thể giải quyết? - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Tại sao vì Libya, Ai Cập sẵn sàng đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ?

Tình hình ở Bắc Phi đang vô cùng căng thẳng. Ai Cập đã công khai ủng hộ Tướng Khalifa Haftar, người đã chạy trốn khỏi Libya từ nhiều thập kỷ trước và sinh sống ở Mỹ.

Sau cuộc can thiệp do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này đã chìm vào hỗn loạn, Tướng Haftar lúc này đã quay trở về và lãnh đạo LNA kiểm soát hoàn toàn miền đông và miền nam đồng thời tuyên bố sẽ tiêu diệt đến "tên khủng bố cuối cùng" ở Libya.

GNA là một liên minh lỏng lẻo của các nhóm chính trị - quân sự, một số có liên quan đến phong trào Huynh đệ Hồi giáo và sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ (Đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc từ Huynh đệ Hồi giáo).

Tổng thống al-Sisi, người đã lật đổ chính phủ Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập vào năm 2013 đương nhiên sẽ phải đứng về phe Tướng Haftar trong cuộc xung đột nói trên.

Nếu chiến thắng, Tướng Haftar sẽ thiết lập ở Libya một thể chế quân sự và bảo thủ như Ai Cập và các vương quốc vùng Vịnh, còn nếu Thổ Nhĩ Kỳ là bên thắng cuộc, sự bất ổn và cực đoan ở miền bắc Syria chắc chắn sẽ được "xuất khẩu" sang Libya.

Trong khi liên tiếp cáo buộc lẫn nhau vi phạm nhân quyền, cả hai phía dường như bỏ qua những người dân Libya mắc kẹt trong gần 10 năm chiến tranh.

Tiêm kích MiG-29 của Nga trên đường tới Libya (Nguồn: AFRICOM).

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đối địch ở Libya, ai hơn ai?

Cairo đã đưa ra tối hậu thư về "lằn ranh đỏ" từ thành phố cảng Sirte tới căn cứ không quân al-Jufra, tuy nhiên năng lực "viễn chinh" của Quân đội Ai Cập (EAF) là điều đáng phải bàn cãi.

Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập là các đối thủ xứng tầm "trên giấy". Cả 2 đều trang bị F-16 và hàng trăm máy bay chiến đấu các loại. Với hàng nghìn xe tăng, EAF là lực lượng mạnh thứ 9 còn Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ 11 trên thế giới.

Cả hai phía đều sử dụng các hệ thống vũ khí Phương Tây được sản xuất bởi Mỹ và các nước NATO, tuy nhiên do Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO nên lực lượng của họ có thể vận hành vũ khí hiệu quả hơn so với Ai Cập.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra lão luyện hơn các đồng minh của LNA trong việc vận chuyển lính đánh thuê và vũ khí tới Libya. UCAV Bayraktar TB-2 được cho là đánh bại các tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của đối phương và đồng thời đẩy lui lực lượng LNA ở miền tây Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào miền bắc Syria và chủ yếu là để chống lại các tay súng người Kurd. Nhưng vào tháng 2/2020, TAF đã đụng độ với Quân đội Arab Syria (SAA), phá hủy xe bọc thép và phòng không của đối phương.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát bờ vực chiến tranh ở Libya, chỉ Mỹ có thể giải quyết? - Ảnh 4.

Không ảnh cho thấy trực thăng vận tải, vũ trang và các tiêm kích của Không quân Ai Cập tập trung tại căn cứ Sidi Barrani cách biên giới với Libya 95 km vào ngày 21/6.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào các tay súng người Kurd ở miền bắc Iraq, còn các tàu chiến đã "mạnh tay hơn" trong việc đối phó với Hải quân Pháp, Hy Lạp các quốc gia được cho là đứng về phía Tướng Haftar và Ai Cập.

EAF đã truy lùng các tay súng khủng bố ở Bán đảo Sinai nhiều năm qua, và cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn toàn tiêu diệt được chúng.

Lần cuối cùng EAF phải đối đầu với một lực lượng không quân của một quốc gia khác là khi nào? Điều đó đã diễn ra nhiều thập kỷ trước.

Cả hai nước đều có khả năng sa lầy trong chiến tranh bất đối xứng. Ai Cập có thể dễ dàng di chuyển một lữ đoàn hoặc quân đoàn xe tăng xung trận còn Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ sử dụng lính đánh thuê Syria để cầm chân lực lượng này.

Để chống lại kịch bản đó, nhiều khả năng các tay súng LNA sẽ được máy bay Ai Cập yểm trợ nhằm tiêu hao các tay súng Syria. Cần nhớ rằng đã có một số lượng lớn tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 do Nga sản xuất ở miền đông Libya.

Quân đội Ai Cập hiện đại.

Bất ngờ vai trò của Mỹ và Iran trong xung đột Libya

Tổng thống Ai Cập đã công khai tuyên bố rằng quân đội nước này có thể sẽ tham chiến ở nước ngoài. Một mục tiêu có phần rõ ràng của ông là để "ép" người Mỹ hậu thuẫn ý tưởng ngừng bắn của Cairo liên quan tới Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ xây dựng các căn cứ quân sự mới ở Libya và đã khoe khoang rằng hiện tại họ có căn cứ ở 9 quốc gia. Đây là nỗ lực cho thấy họ đang kiểm soát phía đông Địa Trung Hải, đồng thời tham gia vào chính sách của Mỹ ở Syria, Libya và Iraq.

Ankara cũng đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump "làm nhiều hơn" ở Libya và vì vai trò ngày càng gia tăng của Nga, người Mỹ đã tỏ ra quan tâm.

Nhưng điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đang ở trong một vị thế "khó xử", vừa muốn kìm hãm người Nga nhưng lại không muốn ảnh hưởng tới quan hệ "đối tác thân thiện" với Ai Cập. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng "tống tiền" Mỹ.

Ankara đang mua hệ thống S-400 từ Nga và cố gắng gửi thông điệp tới Mỹ rằng nếu Washington tiếp tục không hành động ở Libya thì họ có thể "gây rắc rối" cho lực lượng được Mỹ hậu thuẫn ở Syria, hoặc gây bất ổn ở Iraq, nơi họ đang ném bom các mục tiêu người Kurd ở miền bắc nước này.

Ngược lại, những gì Ai Cập có thể làm là thông điệp can thiệp quân sự vào Libya để khiến Washington có quan điểm nghiêm túc. Nhưng ông Trump đã cho thấy tín hiệu rằng ông không muốn tham gia nhiều hơn vào Trung Đông hay ở những nơi xa xôi khác trên thế giới.

Ngày 9/6, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về Libya. Trước đó Mỹ đã cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài vào Libya vào ngày 20/5, 2 ngày sau khi GNA tái chiếm căn cứ không quân chiến lược al-Watiya ở miền tây vào ngày 18/5.

Tổng thống Sisi đã gặp Tướng Haftar vào ngày 7/6 nhằm yêu cầu đồng minh ngừng bắn. Ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn vào ngày 10/6 vì cho rằng Tướng Haftar đã phá bỏ 9 thỏa thuận ngừng bắn trước đó.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm đến Italia, người Ý tỏ ra quan tâm vì họ muốn GNA kiểm soát dòng người di cư ở Địa Trung Hải. Vào ngày 20/6, Liên đoàn Arab đề nghị làm trung gian cho các cuộc đàm phán để giúp hòa giải ở Libya nhưng GNA đã từ chối.

Đồng thời với các nỗ lực nói trên, các "bánh răng" khác cũng đang chuyển động. Ngày 17/6, VOA đưa tin Nga đã yêu cầu Mỹ hợp tác về vấn đề Libya.

Ngoại trưởng Nga đã hủy một cuộc họp với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16/6 vì dường như cảm thấy với quan điểm cứng rắn hiện tại của Ankara, Moscow sẽ "phí thời gian" khi đàm phán về Libya.

Thổ Nhĩ Kỳ thì nỗ lực tác động đến ông Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel với hy vọng Đức làm việc với Pháp và cả Hy Lạp. Đức là quốc gia đã bán xe tăng, thông qua Liên minh Châu Âu (EU) trả tiền cho Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn người tị nạn đến Châu Âu.

Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ tiến sát bờ vực chiến tranh ở Libya, chỉ Mỹ có thể giải quyết? - Ảnh 7.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang kiểm soát 2 con đường tiếp cận Châu Âu của người tị nạn Trung Đông và Châu Phi bao gồm miền tây Libya và miền bắc Syria.

Những người tị nạn Syria nói trên hiện đang được Thổ Nhĩ Kỳ gửi đến Libya và vì vậy việc này có lợi cho Đức. Về phần mình, Nga có thể đang cố gắng làm nóng căng thẳng ở tỉnh Idlib của Syria để gây áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ đối với Libya.

Tất cả các cuộc xung đột ở Syria, Libya, Iraq và dòng người tị nạn đã được kết nối. Trong khi đó, Washington thông qua Bộ chỉ huy quân sự Châu Phi của Mỹ (AFRICOM) liên tiếp đưa ra các cảnh báo về máy bay chiến đấu Nga ở Libya vào ngày 26/5 và 18/6.

Đây có lẽ là "sự tĩnh lặng trước cơn bão", xe tăng và máy bay Ai Cập sẽ xung trận ở Libya hay người Mỹ sẽ lắng nghe "thông điệp" của Cairo và yêu cầu các bên ngừng bắn bất chấp sự đe dọa của Ankara với lực lượng Mỹ ở miền đông Syria?

Washington cũng đang bị giằng xé với viễn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông đang phải chạy theo những điều mà Ankara yêu cầu.

Mặc dù vẫn còn khả năng vào một ngày nào đó trong tương lai, Ankara sẽ quay lưng với Tehran và Moscow sau khi Mỹ trao cho họ nhiều nhượng bộ hơn, nhưng một kịch bản tồi tệ hơn lại rất dễ xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hợp tác với Iran trong vấn đề Libya.

Nói cách khác, để đổi lấy sự hỗ trợ của Iran trong vấn đề Libya hay trong các hoạt động nhằm vào người Kurd ở Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một con đường vòng giúp Iran tránh né trừng phạt của Mỹ.

Đương nhiên với kịch bản này, cả Mỹ và Iran có thể nhận ra mình đang đứng trên cùng một chiến tuyến ở Libya thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Seth J.Frantzman là một nhà phân tích người Mỹ gốc Do Thái tập trung vào nghiên cứu các vấn đề về chính trị và quân sự ở Trung Đông.

Ông nhận bằng Tiến sĩ tại Đại học Jerusalem vào năm 2010 và giảng dạy trong tại Đại học Al-Quds. Hiện Seth J.Frantzman là Giám đốc điều hành của Trung tâm báo cáo và phân tích Trung Đông.

Các bài phân tích của Seth J.Frantzman thường xuyên được đăng tải trên các kênh truyền thông quốc tế và khu vực như Bloomberg, Jerusalem Post, al-Jazeera, Defense News, Navy Times, Foreign Policy, Middle East Center, National Review...

Đồ họa miêu tả chuỗi giao tranh ở miền tây Libya từ tháng 4/2019 tới nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại