Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến thắng trong cuộc xung đột ở Libya?
Thế trận đảo ngược tại miền tây Libya vào tháng 5 và 6/2020 đã chứng minh rằng cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở quốc gia Bắc Phi đã đạt được những thành công nhất định.
Ankara đã dùng đúng "chiêu trò" mà Moscow đã thành công ở Syria - khi tiến hành các hoạt động quân sự công khai ủng hộ chính phủ Damascus.
Tờ Topcor.ru của Nga bình luận:
"Có thể khẳng định, những hành động của người Nga ở Syria đã được Ankara đánh giá kỹ càng và rút ra kinh nghiệm để thiết lập một "lộ trình" can thiệp quân sự vào Libya theo yêu cầu chính thức của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) đang kiểm soát Tripoli.
Đã đến lúc bắt đầu đếm ngược tới thời điểm thất bại của Tướng Haftar và liên quân các nước "chống lưng" cho ông ta. Bất chấp sức mạnh "đa quốc gia" này, thực tế là họ đã thất bại ở Libya".
Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ là người chiến thắng sau cùng trong cuộc chiến nhằm tái phân chia lãnh thổ và tài nguyên của Libya. Vậy người Nga sẽ phải làm gì khi đang bị gián tiếp lôi kéo vào cuộc xung đột ở một vùng đất xa xôi nhưng không kém phần quan trọng?
Sáng 22/6 lực lượng GNA tuyên bố thiết lập "vùng cấm bay" nhằm chuẩn bị tấn công đối thủ LNA ở khu vực thành phố cảng Sirte.
Ankara có quyết tâm theo đuổi đến cùng cuộc chiến Libya?
Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar đang được một nhóm các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hỗ trợ.
Ai Cập là đồng minh có vị trí địa lý gần nhất và vẫn đang tiếp tục "vật lộn" để ngăn việc các nhóm Hồi giáo cực đoan tiếp cận biên giới nước mình.
Arab Saudi và UAE cung cấp tài chính cho LNA để loại bỏ tổ chức "Huynh đệ Hồi giáo". Pháp không ngần ngại đẩy Italia ra khỏi lãnh thổ từng là thuộc địa của mình để tiếp tục duy trì ảnh hưởng ở Bắc Phi.
Và cuối cùng là Nga, Topcor.ru cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy Moscow có quan điểm "thiên vị" với Tướng Haftar và trong trường hợp nhân vật này lên nắm quyền ở Libya, người Nga có thể sẽ nhận được "sự biết ơn" và một loạt những hợp đồng "béo bở".
Mặc dù sức mạnh quân sự của các nước nói trên đều lớn nhưng căn cứ vào diễn biến trên chiến trường Libya, các thế lực nói trên đã thua cuộc.
Hành động thiếu thống nhất và việc lâm vào thế "há miệng mắc quai", không thể công khai "ra mặt" hỗ trợ Tướng Haftar đồng nghĩa với việc tất cả những gì các quốc gia nói trên có thể làm là đổ tiền, vũ khí, huấn luyện và cuối cùng là các nhóm lính đánh thuê tham chiến bên cạnh LNA.
Trong những tuần gần đây, một trong những "sáng kiến" đã lại tiếp tục được triển khai, đó là đưa tới Libya “lực lượng không quân không rõ nguồn gốc" gồm các tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-24 và tích cực tham chiến ở thành phố cảng Sirte.
Su-24 hạ cánh tại Căn cứ không quân Al-Jufra hôm 18/6 (Nguồn: AFRICOM).
Tuy nhiên, hành động "cố đấm ăn xôi" này vẫn không phải là thượng sách vì chắc chắn nó sẽ khiến xung đột leo thang. Vấn đề nằm ở chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ đang tỏ ra rất nghiêm túc khi "đặt cược" vào Tripoli vì một số lợi ích to lớn như sau:
Thứ nhất: Việc kiểm soát tài nguyên thiên nhiên và đường bờ biển Libya giúp Ankara có khả năng tiếp cận những thứ có thể dễ dàng thu lợi - tức là có thể nhanh chóng "nhảy" vào vị trí trung gian cung cấp hàng hóa từ Châu Phi cho thị trường Châu Âu.
Thứ hai: Ankara đã ép được GNA ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phân chia biên giới trên biển và thềm lục địa ở phía đông Địa Trung Hải, nhờ đó đã giúp họ tiếp cận lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn của Libya.
MoU cũng đã trở thành "hòn đá tảng" ngăn tuyến đường ống nhiên liệu trực tiếp từ Châu Phi và Trung Đông tới châu Âu, khiến chúng vẫn phải tiếp tục hành trình cũ, tức là "đi vòng" qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ ba: Khi "bám rễ" tại Libya, cùng với miền bắc Syria, Ankara đã giành quyền kiểm soát đối với tất cả các dòng người nhập cư (chủ yếu từ Châu Phi và Trung Đông) đến lãnh thổ Liên minh Châu Âu - một "công cụ chính trị" đáng gờm nhất để gây áp lực.
Cuối cùng: Đây là một bước đi nhằm khẳng định sự trỗi dậy của người Thổ tại một nơi từng là thuộc địa của Đế chế Ottoman, một "điểm cộng" về mặt chính trị trong nước cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Lực lượng LNA tăng viện tại Sirte, Libya hôm 20/6.
Người Nga cần làm gì vào lúc này?
Trong một tương lai bất định của quốc gia Bắc Phi, Ankara cũng sẽ không "buông tha" cho Tripoli. Một GNA được Liên Hiệp Quốc thừa nhận và thỏa thuận quân sự đã được ký kết đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tùy ý bổ sung lực lượng tại đây.
Trong bối cảnh đó, việc các máy bay "không rõ nguồn gốc" tham chiến ở Libya mặc dù đẩy lui các nhóm dân quân trung thành với GNA ở Sirte nhưng ngược lại có thể gây bất lợi lớn về quân sự cho LNA.
Một kịch bản "đáp lễ" cứng rắn và hoàn toàn hợp pháp đó là Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) có thể triển khai một lực lượng hùng hậu bao gồm không quân, hải quân và phòng không ở Bắc Phi và biến không phận Libya trở thành "vùng cấm bay".
Các nhà phân tích người Nga của Topcor.ru cho rằng cốt lõi của vấn đề là Ankara đã chiến thắng, trên cả phương diện luật pháp quốc tế và các khả năng gia tăng quân sự một cách hợp pháp cao hơn hẳn so với các quốc gia đang đứng đằng sau Tướng Haftar.
Việc "hợp tác" của các quốc gia nói trên có thể gây ra nhiều vấn đề với người Thổ, nhưng điều Ankara cần cũng chỉ là giữ cho Thủ tướng Fayez al-Sarraj của GNA vẫn "trên lưng ngựa" khi triển khai "vun vén" các lợi ích của mình. Vậy người Nga, họ còn lại gì ở Libya?
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia công tác rà phá bom mìn ở mặt trận phía nam Tripoli, Libya.
Có thể sẽ là phương án thừa nhận rằng mọi hi vọng đặt vào Tướng Haftar đã không còn, giờ là lúc nên "băng bó vết thương" và rút khỏi quốc gia Bắc Phi để tập trung vào những vấn đề khác.
Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt các hành động "cứa cho người Thổ chảy máu" để không làm xấu đi mối quan hệ hai nước một cách không cần thiết.
Cũng có thể người Nga sẽ chọn giải pháp ngược lại, tiếp tục hỗ trợ đồng minh nhưng sẽ phải đảm bảo rằng có một giải pháp quân sự giành lấy Tripoli bằng một lực lượng "phi chính quy", bởi vì chiếc "ổ khoá" mở toang cánh cửa Libya nằm ở đó.
Nhưng để thực hiện việc này còn khó khăn hơn hỗ trợ quân đội Syria giành lại tỉnh Idlib, nơi cũng như Tripoli, có sự hiện diện quân sự rất mạnh của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).
Moscow vẫn còn một giải pháp nằm trong "túi gấm" là thừa nhận GNA và bắt tay với Thổ để thanh trừng những người từng là "đồng minh" - tất cả chỉ để đổi lấy quyền tiếp cận một loạt các dự án "béo bở" ở Libya cho các doanh nghiệp Nga, như cách mà Ankara đang làm ở Idlib.
Đồ họa miêu tả chuỗi giao tranh ở miền tây Libya từ tháng 4/2019 tới nay.