Vì sao nếu có được "trái tim" Sirte, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ định đoạt phần thắng ở Libya?

Mạnh Kiên |

Nằm ở khu vực bao quát “lưỡi liềm dầu mỏ” Libya, cảng Sirte đang được cho là trở thành mục tiêu được khao khát nhất của tất cả các bên từ Nga cho đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Những bước tiến của lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Libya đã phải tạm dừng ở thành phố ven biển chiến lược Sirte khi sự tham gia của Nga trong cuộc xung đột được cho là ngày càng quyết đoán hơn.

Sau khi đẩy lui Quân đội Quốc gia Libya của tướng Khalifa Haftar ra khỏi khu vực Tripoli, liên quân Thổ Nhĩ Kỳ đã có ý định thuận đà phản công đối thủ. Tuy nhiên, máy bay không người lái do Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cung cấp cùng với cáo buộc cho rằng MiG-29 của Nga có mặt ở Libya đã cản trở mọi nỗ lực đánh chiếm Sirte của Ankara.

Sau khi LNA mất căn cứ al-Watiya trọng yếu vào tháng trước, lực lượng ủng hộ tướng Haftar đã lùi về căn cứ al-Jufra ở miền trung Libya, nơi được coi là lằn ranh đỏ mà Nga vẽ ra trước Thổ Nhĩ Kỳ.

LNA kiểm soát al-Jufra vào năm 2017, trong khi thành phố cảng chiến lược Sirte, cách khoảng 300 km về phía Bắc rơi vào tay lực lượng này từ tháng 6/2019.

Nếu như thông tin mà Mỹ tuyên bố về việc Nga đưa chiến đấu cơ đến Libya là đúng sự thật, thì bằng cách triển khai ít nhất 14 máy bay MiG-29 và Su-24 ở căn cứ al-Jufra, Moscow cho thấy nước này sẽ cố thủ tại đây. 

Nó cũng được coi là thông điệp gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ và GNA rằng, Nga sẽ không dễ để Sirte thất thủ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, Nga phủ nhận mọi cáo buộc này.

Vì sao nếu có được trái tim Sirte, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ định đoạt phần thắng ở Libya? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch hậu thuẫn GNA phản công LNA.

Vì sao cảng Sirte quan trọng?

Hôm 14/6, ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nga đã hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào phút cuối, đổi lại các liên lạc song phương được cho là sẽ tiếp tục ở cấp độ thấp hơn. Người Nga đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ đề nghị ngừng bắn của Ai Cập vốn được Nga ủng hộ.

Thay vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định duy trì bước tiến quân sự nhằm đánh ngược lại LNA. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhắc đến cảng Sirte, căn cứ al-Jufra và các mỏ dầu lớn là mục tiêu tiếp theo của chiến dịch.

Nằm ở trung tâm dải bờ biển Libya, Sirte là cửa ngõ phía Tây vùng "lưỡi liềm dầu mỏ" của đất nước và là tuyến đường mà bằng mọi giá các bên đều phải kiểm soát để nắm giữ các cảng Sidra, Ras Lanuf, Marsa al-Brega và Zuwetina, nơi có 11 đường ống dẫn dầu và ba ống dẫn khí đến bờ biển Địa Trung Hải.

Chỉ cần chiếm được Sirte, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng chiếm giữ một đường bờ biển dài 350 km đến tận Benghazi, với rất nhiều đường ống, nhà máy lọc dầu, nhà ga và nhà kho. Việc tướng Haftar nắm giữ "lưỡi liềm dầu mỏ" - nơi có 60% trữ lượng hydrocarbon của Libya - đã giúp nhân vật này có đòn bẩy để làm suy yếu lực lượng Tripoli và Misrata.

Vì sao nếu có được trái tim Sirte, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ định đoạt phần thắng ở Libya? - Ảnh 2.

Cảng Sirte là cứ điểm chiến lược quan trọng nhất mà các bên xung đột đều khao khát nắm giữ.

Trước chiến tranh, 96% nguồn thu của Libya đến từ các sản phẩm dầu mỏ. Dự trữ của đất nước lên tới 48,3 tỷ thùng dầu và 1,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt. Tuy nhiên, sản lượng dầu đã giảm xuống 90.000 thùng mỗi ngày từ con số 1,6 triệu thùng trong năm qua.

Về cơ bản, kiểm soát "lưỡi liềm dầu mỏ" là cách đảm bảo nằm trong tay dòng chảy của dầu mỏ, mang đến những tác động to lớn và Sirte được coi là chìa khóa để chiếm lấy khu vực.

Sau khi chiếm được al-Wishka vào ngày 6/6, các lực lượng của GNA đã tiến về Sirte từ ba cánh, nhưng các cuộc không kích của LNA đã ngăn chặn bước tiến. Sự bế tắc đang trông chờ vào kết quả từ đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng một bước đột phá dường như chưa thể có ngay cho đến khi hai nhà lãnh đạo Erdogan và Putin gặp nhau.

Toan tính Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm sự hiện diện quân sự lâu dài ở Libya, để mắt tới căn cứ không quân al-Watiya và một căn cứ hải quân ở Misrata. Một số quan điểm cho rằng, Ankara sẽ chấp nhận sự kiểm soát của Nga ở al-Jufra để đổi lấy cảng Sirte. Căn cứ không quân al-Qardabiya gần Sirte là một cơ sở khác mà Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang để mắt trong trường hợp Sirte thất thủ.

Về phần mình, Nga được cho là đã nhắm Sirte như một căn cứ hải quân, bên cạnh al-Jufra, để củng cố vị thế ở Địa Trung Hải sau khi có được căn cứ ở Tartus và Latakia ở Syria. Không ngạc nhiên, khi những suy tính như vậy đã gây ra báo động cho NATO, cảnh giác khi bị siết chặt ở sườn phía Nam. Tuy nhiên, nội bộ NATO lại không có quan điểm thống nhất về vấn đề này.

Pháp vốn không thích sự kiểm soát của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Sirte, nên đã bước vào vòng đấu mới. Sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu Pháp trên bầu trời Libya được coi là tuyên bố của Paris về việc họ là một phần của trò chơi.

Một nguồn tin Libya cho hay, có vẻ như Pháp đã bắt tay với Nga chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga và người Pháp đều coi Sirte là cảng quan trọng; cả hai đều muốn sở hữu cảng này và căn cứ Al-Qardabiya.

Pháp được cho là đang tìm kiếm sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ để kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi Mỹ hợp tác tại Libya.

Đối với Mỹ, ưu tiên hàng đầu là cản trở Nga, nhưng đối với Pháp, nước này phải cản trở Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, Mỹ sẽ đi theo con đường ủng hộ Ankara.

Chừng nào Nga còn thắng thế, NATO sẽ còn suy yếu. Do đó, Mỹ được cho là sẽ ngăn chặn mối quan hệ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ - Nga tại Libya nở rộ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại