Loạt vũ khí Nga siêu khủng sắp về tay Iran: Mỹ lạnh gáy, nhưng "ba mươi chưa phải là Tết"!

Trịnh Ngọc Tiến |

Lệnh cấm vận vũ khí của LHQ với Iran đã kết thúc. Tehran có thể tự do mua vũ khí từ bất kỳ nguồn nào, cũng như bán vũ khí cho bất kỳ nước nào. "Nhưng "ba mươi chưa phải là Tết"?

Lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc với Iran đã chính thức kết thúc vào ngày 18/10. Giờ đây, chính quyền Iran có thể tự do mua vũ khí từ bất kỳ nguồn nào, cũng như bán vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào mà họ thấy phù hợp; nhưng liệu có đơn giản như vậy?

Người Iran phấn khởi?

Sau lệnh cấm vận vũ khí của LHQ kết thúc, chính quyền Iran rất phấn khởi và hứa sẽ là quốc gia có trách nhiệm; Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố "Iran không xuất khẩu vũ khí tràn lan, không mua bán vũ khí hủy diệt hàng loạt và kích động chạy đua vũ trang khu vực".

Ngoài ra các nhà chức trách Iran tuyên bố rằng, họ sản xuất tới 90% vũ khí trang bị cho quân đội Iran, vì vậy họ sẽ là nhà xuất khẩu nhiều hơn là nhà nhập khẩu vũ khí?

Và tất nhiên, Iran đã coi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này là một chiến thắng ngoại giao đối với Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu:

"Trong 4 năm qua, Mỹ đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Và bây giờ Mỹ không thể làm được việc đó, nhờ vào sự kiên cường của nhân dân cũng như các nhà ngoại giao của Iran".

Hãng thông tấn TASS của Nga trích tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf: "Đây chắc chắn là một thất bại đối với chính phủ Mỹ kiêu ngạo, nhưng yếu ớt và bị cô lập".

Thoạt nhìn chúng ta có thể thấy "phép thắng lợi" về ngoại giao của Iran, bởi trong suốt thời gian qua, Mỹ luôn tìm cách để kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Iran thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vào giữa tháng 8/2020, Mỹ đã trình bày dự thảo nghị quyết tiếp tục kéo dài lệnh cấm vận vũ khí với Iran, nhưng chỉ có Cộng hòa Dominica và Mỹ bỏ phiếu cho dự thảo này. Nga và Trung Quốc phủ quyết; trong khi 11 nước thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trắng.

Vào tháng 9, Mỹ đã cố gắng sử dụng quyền của một bên tham gia vào thỏa thuận hạt nhân và gia hạn các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, nhưng các nước khác cho rằng, Mỹ không có quyền như vậy; vì Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Said Khatibzade cho biết: "Iran đã một lần nữa cho thấy Mỹ không phải là một siêu cường như họ nghĩ".

Loạt vũ khí Nga siêu khủng sắp về tay Iran: Mỹ lạnh gáy, nhưng ba mươi chưa phải là Tết! - Ảnh 2.

Các loại tên lửa đạn đạo do Iran tự chế tạo.

Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky thì đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thay thế các từ "trừng phạt" bằng "đối thoại"; theo nhà ngoại giao Nga, hành động trên của Mỹ "sẽ làm cho nước Mỹ được tôn trọng trở lại" (một câu châm biếm nhẹ về khẩu hiệu của Trump "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại").

Tuy nhiên, đừng bao giờ xem Mỹ là kẻ thua cuộc, vì họ đã đi theo hướng khác - không phải đầu hàng, mà là tiếp tục các biện pháp trừng phạt.

Không thúc đẩy được lệnh cấm vận quốc tế buôn bán vũ khí với Iran, Mỹ đã đưa ra một lệnh đơn phương. Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố nhấn mạnh: "Mọi quốc gia quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Trung Đông và ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố, nên kiềm chế bất kỳ giao dịch vũ khí nào với Iran".

Ngoài ra các nhà ngoại giao Mỹ đảm bảo rằng, bất kỳ quốc gia nào bán vũ khí cho Iran đều góp phần vào sự bần cùng của người dân Iran; theo Washington, xét cho cùng, chính quyền Iran sẽ lấy tiền từ các khoản ngân sách xã hội giành cho các hoạt động mua sắm vũ khí.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Mỹ sẽ sử dụng khả năng của mình để áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có đóng góp đáng kể vào việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao vũ khí thông thường đến hoặc từ Iran".

Phía Iran nói rằng, họ đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ với một số nhà cung cấp và người mua vũ khí tiềm năng. Nhưng câu hỏi đặt ra là, ai trong số họ sẽ sẵn sàng hợp tác với Iran? "Nhà cung cấp và người mua" tiềm năng nào sẽ coi Tehran xứng đáng hơn với lệnh trừng phạt của Mỹ?

Thực tế Tehran không có loại vũ khí nào có thể cạnh tranh sòng phẳng với các "đại gia" trong ngành sản xuất vũ khí như Mỹ, Nga, Trung Quốc hoặc thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel, cả về giá hay tính năng chiến đấu của các loại vũ khí.

Ví dụ, UAV của Iran, thứ mà Tehran rất tự hào, vẫn thua kém nhiều so với UAV của Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể Israel.

"Ba mươi chưa phải là Tết": Ai dám bán vũ khí cho Iran?

Liên minh châu Âu không có trong danh sách bán vũ khí cho Iran. Không phải châu Âu sợ Mỹ, mà EU có lệnh cấm vận buôn bán vũ khí riêng với Iran; lệnh cấm này sẽ kéo dài đến năm 2023 và EU không có ý định hủy bỏ nó.

Đứng đầu danh sách bán vũ khí cho Iran là Nga? Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali gợi ý rằng, Iran muốn bổ sung vũ khí của họ bằng vũ khí của Nga. Và ở Moscow, Nga nói rằng, Nga không sợ các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga sẵn sàng phát triển hợp tác quốc phòng với Iran, nhưng chỉ khi có lợi ích chung.

Loạt vũ khí Nga siêu khủng sắp về tay Iran: Mỹ lạnh gáy, nhưng ba mươi chưa phải là Tết! - Ảnh 4.

Hai Bộ trưởng BQP Nga và Iran gặp nhau tại Moscow cách đây không lâu.

Về lý thuyết, Iran hiện tự túc gần được như toàn bộ vũ khí cho quân đội của họ; nhưng trên thực tế, tranh thủ lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, Iran cần gấp rút mua sắm vũ khí ồ ạt.

Một quan chức Iran yêu cầu giấu tên trả lời phỏng vấn của tờ Tầm nhìn (VZGLYAD) của Nga cho biết: Lực lượng không quân của Iran quá xuống cấp, đã 20 năm nay, Iran không được trang bị máy bay chiến đấu mới.

Hệ thống phòng không của Iran cũng không phải là quá hoàn hảo, Iran thậm chí không thể bảo vệ không phận trước các loại UAV của Israel xâm nhập vào lãnh thổ Iran từ hướng Azerbaijan.

Những loại vũ khí Iran cần là các loại vũ khí tiên tiến, nhưng trong những năm qua, nền kinh tế Iran khủng hoảng nghiêm trọng do lệnh cấm vận của Mỹ; cùng với đó là giá dầu lao dốc và dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nên chính phủ Iran hiện đang phải vật lộn để khắc phục khủng hoảng, và trong ngắn hạn, Iran khó có khả năng mua vũ khí hiện đại.

Và câu hỏi đặt ra là liệu Nga có coi hoạt động thương mại như vậy là mang lại lợi nhuận cho mình hay không.

Loạt vũ khí Nga siêu khủng sắp về tay Iran: Mỹ lạnh gáy, nhưng ba mươi chưa phải là Tết! - Ảnh 5.

Tiêm kích Su-30SM của Nga là một trong số các lựa chọn của Iran.

Ngoài ra còn có một đối tác tiềm năng khác đó là Ấn Độ, Ấn Độ có quan hệ truyền thống với Iran; nhưng bây giờ, để hợp tác sâu sắc hơn, không chỉ cần các điều kiện tài chính mà còn cả chính trị.

Iran có tầm quan trọng chiến lược đối với Ấn Độ, vì nước này giáp với Pakistan, và đối mặt với mối quan hệ nồng ấm giữa Ấn Độ-Iran, Pakistan buộc phải hành xử cẩn thận. Do đó Ấn Độ sẽ không bao giờ phá vỡ quan hệ với Iran.

Tuy nhiên Ấn Độ lại phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã vấp phải sự phản đối của Mỹ; không phải Mỹ ngăn cản Ấn Độ mạnh lên, mà chính là ngăn cản Nga bán vũ khí; vì vậy "nhất cử, nhất động" trong quan hệ mua bán vũ khí với Iran, thì Ấn Độ vẫn phải nhìn "thái độ" của Mỹ.

Đối với các giao dịch mua vũ khí tiềm năng từ Trung Quốc, thì bản thân Bắc Kinh tỏ rõ sự không muốn qua mặt Washington, để các công ty của họ phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ; do vậy các giao dịch vũ khí giữa Trung Quốc và Iran là có, nhưng chưa chắc có thương vụ lớn.

Vì vậy, dù lệnh cấm vận vũ khí với Iran đã hết, nhưng Iran cũng đừng có mừng vội; ngoài tuyên bố thắng lợi về mặt ngoại giao, nhưng hiện tại ngoài Nga, chưa có quốc gia nào "dám bán" và "dám mua" vũ khí với Iran; cùng với đó là khả năng tài chính hạn hẹp của Iran, không cho phép họ "vung tay" để mua vũ khí tiên tiến.

Việc Mỹ không ngăn cản được quốc tế tiếp tục cấm vũ khí với Iran, không phải là Mỹ đã thất bại; việc đơn phương cấm vận vũ khí của Mỹ với Iran cũng ngang ngửa với lệnh cấm vận quốc tế; do vậy Iran chưa thể đã mừng vội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại