Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã lập kỷ lục 7,2 tỷ USD. Đây là bước nhảy vọt đầy ấn tượng, đánh dấu cột mốc quan trọng trên hành trình hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai gần, VTV.vn đưa tin. Trong số này, sầu riêng là mặt hàng chiếm đến gần một nửa khi mang về 3,2 tỷ USD.
Sầu riêng của Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc kể từ khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch từ giữa năm 2023. Đến tháng 8 năm ngoái, sầu riêng của Việt Nam lại được thúc đẩy thêm khi được Trung Quốc mở cửa cho sầu riêng đông lạnh.
Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ sầu riêng chủ yếu của nước ta với hơn 90% tổng kim ngạch. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2025, sầu riêng vẫn còn dư địa khi sản lượng dự kiến tăng khoảng 15% và nhu cầu thị trường cũng còn nhiều.
Tác dụng của sầu riêng
Theo bác sĩ, Lương y Nguyễn Hữu Trọng, Viện trưởng Viện nghiên cứu y học cổ truyền sản phẩm hữu cơ Việt Nam, sầu riêng là loại quả tốt cho sức khoẻ và được dùng làm thuốc.
Sầu riêng có tên khoa học là Durio zibethinus Murr., thuộc họ Gạo (Bombacaceae), được trồng nhiều ở miền Nam nước ta.
Trong y học cổ truyền, quả, vỏ, lá, rễ của sầu riêng đều được dùng làm thuốc.
Bác sĩ Trọng cho biết quả sầu riêng là loại quả ăn ngon, có tác dụng kích thích tình dục, duy trì xương khỏe, giảm trầm cảm và cải thiện giấc ngủ, chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, chống lão hóa.
Vỏ quả có vị đắng, tính ấm, có tác dụng tiêu thực, liễm hãn, ôn phế chỉ khái. Lá và rễ sầu riêng có tác dụng chữa cảm sốt, viêm gan vàng da.
Y học hiện đại đã chứng minh sầu riêng rất giàu chất dinh dưỡng, trong 100 gram sầu riêng chứa 147 kcal, carbohydrate 27,1g, protein 1,47g, chất béo 5,33g, chất xơ 3,8g, vitamin và các khoáng chất (vitamin A 2mcg, vitamin C 19,7mg, magiê 3 mg, sắt 0,43mg, đồng 0,2mg, canxi 6mg, kali 436mg, phốt pho 39mg…).
Trong đó, tác dụng của vỏ sầu riêng được đánh giá rất cao nhưng ít người biết tới công dụng. Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngô Minh Như, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, vỏ sầu riêng có chứa khá nhiều thành phần hóa học khác nhau như axit phenolic, phenolic glycoside, flavonoid, coumarin, tritepen, glycoside đơn giản, cellulose, chất béo, pectin... có tác dụng chống oxy hoá, chống viêm, giảm đau.
Bác sĩ Như cho hay một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất flavonoid của vỏ sầu riêng cũng có thể ức chế một số loại vi khuẩn như tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) và trực khuẩn mủ xanh (pseudomonas aeruginosa).
Vỏ sầu riêng được biết tới có tác dụng giúp điều hòa chuyển hóa lipid, ức chế sự hấp thu đường, tăng tốc độ lọc của thận, đẩy nhanh tốc độ bài tiết glucose.
Polysacarit có trong vỏ sầu riêng còn có tác dụng nhuận tràng nhờ vào khả năng làm tăng đáng kể tốc độ nhu động ruột, điều tiết nhất định đối với hệ vi khuẩn đường ruột.
Bài thuốc từ sầu riêng
Bác sĩ Trọng chia sẻ một số bài thuốc từ sầu riêng:
- Chữa vàng da, viêm gan: Lá, rễ, vỏ sầu riêng 12g; quả dành dành (chi tử) 12g; rễ cỏ tranh 8g; cam thảo dây 12g. Các vị cho vào 400ml nước, sắc lấy còn 100ml nước thuốc chia uống 2-3 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
- Chữa ỉa chảy: Vỏ quả sầu riêng sao thơm 20g; vỏ quả măng cụt sao thơm 40g. Cho vào 600ml nước sắc lấy 200ml nước thuốc. Chia uống 2 lần trong ngày.