Lợi ích sức khỏe của quả táo gai
Quả sơn trà hay còn gọi là táo gai, là một loại quả nhỏ mọc trên cây và cây bụi thuộc chi Crataegus, thường được tìm thấy ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á.
Quả sơn trà giàu chất dinh dưỡng, có vị chua dịu và ngọt nhẹ. Quả có màu vàng hoặc đỏ sẫm.
Quả sơn trà được người Trung Quốc sử dụng như một loại thảo dược chữa các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch và huyết áp cao. Quả sơn trà đã trở thành một vị "thuốc quý" trong Y học cổ truyền Trung Quốc kể từ khoảng năm 659 sau Công nguyên.
Dưới đây là 6 lợi ích sức khỏe tiềm năng của quả sơn trà
1. Giàu chất chống oxy hóa
Quả sơn trà rất giàu polyphenol, là hợp chất chống oxy hóa mạnh được tìm thấy trong thực vật. Chất chống oxy hóa có tác dụng trung hòa các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Polyphenol trong quả sơn trà đem đến nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể con người do đặc tính chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư, bệnh tiểu đường loại 2, hen suyễn, một số bệnh nhiễm trùng, bệnh tim mạch và lão hóa da sớm
2. Chống viêm
Quả sơn trà có đặc tính chống viêm giúp cải thiện sức khỏe của con người. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tình trạng viêm mãn tính có thể gây ra nhiều bệnh bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, hen suyễn và một số bệnh ung thư.
Trong một nghiên cứu trên những con chuột mắc bệnh gan, chiết xuất quả sơn trà có thể làm giảm đáng kể mức độ của các hợp chất gây viêm, dẫn đến giảm viêm và tổn thương gan
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tiêm vitexin - một hợp chất có trong lá cây sơn trà - cho những con chuột mắc bệnh hô hấp. Phương pháp điều trị này giúp làm giảm quá trình sản xuất các phân tử gây viêm và giảm phản ứng của các tế bào bạch cầu đối với các triệu chứng viêm
Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả từ các nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu trong ống nghiệm, ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh lợi ích này của quả sơn trà.
3. Hạ huyết áp
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, quả sơn trà là một trong những loại thực phẩm thường được khuyên dùng để hỗ trợ cải thiện tình trạng cao huyết áp.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy quả sơn trà có thể hoạt động như một chất giãn mạch, làm giãn các mạch máu bị co thắt, giúp giảm huyết áp.
Một nghiên cứu kéo dài 10 tuần đã xem xét tác dụng của việc uống chiết xuất quả sơn trà trên đối tượng là 36 người bị tăng huyết áp nhẹ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người dùng 500mg chiết xuất từ quả sơn trà mỗi ngày đã giảm huyết áp tâm trương.
Trong một nghiên cứu năm 2006, các nhà nghiên cứu đã đưa 1.200 mg chiết xuất quả sơn trà cho 79 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao mỗi ngày trong vòng 16 tuần. Kết quả cho thấy, huyết áp của những người sử dụng chiết xuất quả sơn trà đã được cải thiện đáng kể so với nhóm chỉ sử dụng giả dược.
Tuy nhiên, việc sử dụng chiết xuất lại khác hoàn toàn với việc ăn quả sơn trà thông thường, vì vậy chúng ta vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh được lợi ích của việc ăn quả sơn trà giúp hạ huyết áp.
4. Giảm cholesterol trong máu
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong chiết xuất quả sơn trà có chứa hàm lượng flavonoid và pectin phong phú, giúp cải thiện hàm lượng cholesterol trong máu. Điều này là do pectin (chất xơ hòa tan) đã tham gia vào quá trình chuyển hóa cholesterol trong máu.
Lượng cholesterol xấu trong máu cao có thể hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch, lâu dần có thể gây tắc nghẽn mạch máu, dẫn đến tình trạng đau tim hoặc đột quỵ.
Trong một nghiên cứu trên chuột cho thấy, những con chuột được uống hai liều chiết xuất quả sơn trà có lượng cholesterol toàn phần và LDL (xấu) thấp hơn. Đồng thời, mức triglyceride trong gan của những con chuột này cũng thấp hơn 28 – 47% so với những con chuột không sử dụng chiết xuất quả sơn trà.
Bên cạnh đó, một nghiên cứu kéo dài 6 tháng trên 64 người bị xơ vữa động mạch cho thấy rằng việc uống chiết xuất quả sơn trà với liều 5mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể có thể làm giảm đáng kể độ dày của mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu trên người để đánh giá tác động của chiết xuất quả sơn trà đối với hàm lượng cholesterol trong máu.
5. Hỗ trợ tiêu hóa
Mọi người đã sử dụng quả táo gai và chiết xuất trong nhiều thế kỷ để điều trị các vấn đề tiêu hóa, đặc biệt là chứng khó tiêu và đau dạ dày.
Các loại quả mọng như quả sơn trà chứa hàm lượng chất xơ phong phú. Chất xơ đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa tình trạng táo bón. Prebiotics trong quả sơn trà giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy các lợi khuẩn trong đường ruột, giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
6. Chống lão hóa
Quả sơn trà có thể giúp ngăn ngừa tình trạng lão hóa da sớm do sự suy giảm collagen khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím quá nhiều.
Một nghiên cứu trên ống nghiệm cho thấy hỗn hợp chiết xuất từ quả sơn trà có thể ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa bằng cách ức chế sự hình thành nếp nhăn và tăng độ ẩm cho da
Công dụng này có thể đến từ hàm lượng chất chống oxy hóa phong phú trong quả sơn trà.
Bổ sung sơn trà vào chế độ ăn hàng ngày
Vì quả sơn trà đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nên ta có thể bổ sung quả sơn trà (táo gai) vào chế độ ăn uống hàng ngày
1. Ăn trực tiếp: Quả táo gai có vị chua nhẹ, hơi ngọt rất dễ ăn. Chúng ta có thể ăn trực tiếp như ăn hoa quả sau bữa ăn. Tuy nhiên, khi ăn nên bỏ hạt vì giống như hạt táo, hạt quả sơn trà có chứa độc tố xyanua.
2. Pha trà: Bạn có thể mua trà táo gai pha sẵn hoặc tự pha bằng quả, hoa và lá khô của cây.
3. Làm mứt và các món tráng miệng: Ở vùng Đông Nam Hoa Kỳ, người ta thường chế biến quả táo gai thành mứt, cho vào nhân bánh hoặc làm siro.
4. Nấu cháo: Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng ăn cháo táo gai thường xuyên có thể tăng cường sức khỏe của lá lách và dạ dày, giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm mỡ máu.
Nguyên liệu cho món cháo với táo gai gồm: 30 - 45 gam táo gai tươi, 100 gam gạo tẻ, đường.
Chế biến: Nấu chín táo gai, chắt lấy nước đem đi nấu với gạo đã vo sạch. Đun đến khi cháo chín, cho đường vào và nấu thêm khoảng 1 đến 2 phút.
5. Nấu với canh: Có thể thêm táo gai vào các loại canh hầm với xương và thịt. Táo gai sẽ giúp cho món canh bớt dầu mỡ, thơm và ngon hơn. Đồng thời, việc thêm táo gai vào canh cũng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giúp chuyển hóa cholesterol.