Nội dung chính
- Lợi ích của quả bưởi.
- Quả bưởi được dùng làm thuốc.
- Lưu ý khi dùng bưởi.
Bưởi là một loại trái cây đặc sản của Việt Nam, có vị ngọt tự nhiên và hương thơm đặc trưng. Đến nay, bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, điển hình như Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc…
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu quả bưởi đạt trên 26,5 triệu USD, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2023, trang web của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đưa tin.
Ngoài trái bưởi, Việt Nam còn chú trọng vào chế biến các sản phẩm từ bưởi như nước đóng hộp, nước ép bưởi, tinh dầu bưởi... Đây là những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người dân các nước Mỹ, châu Âu, châu Úc.
Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, giống như các loại trái cây có múi khác, bưởi chứa một lượng vitamin C dồi dào. Bưởi còn có vitamin A, các chất chống oxy hóa hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm tổn thương tế bào do gốc tự do. Trong trái bưởi còn có chất naringin - một loại flavonoid có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, kiểm soát lượng đường trong máu.
Ăn bưởi còn giúp hỗ trợ giảm cân. Sau khi ăn, cơ thể tiết ra nhiều hơn hormone cholecystokinin có tác dụng điều hòa dịch tiêu hóa, ức chế cơn đói.
Bác sĩ Vân cho biết bưởi còn giúp giảm tình trạng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa do ăn uống. Tác dụng trị chứng khó tiêu của bưởi khá nhanh nhờ việc làm dịu cơn nóng và kích ứng của dạ dày. Sau khi ăn bưởi, dịch chất tiêu hóa trong đường ruột cũng được đẩy mạnh lưu thông, từ đó giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Nguyên nhân được cho là do hàm lượng chất xơ cao có trong trái bưởi.
Bưởi dùng làm thuốc chữa bệnh
Không chỉ quả bưởi mà tất cả các bộ phận của cây bưởi như lá, vỏ quả, vỏ hạt, cùi bưởi, hoa bưởi… đều có dược tính tốt chữa bệnh.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay múi bưởi có vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Lá bưởi vị đắng, thơm, tính ấm, tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm trừ đờm, hoạt huyết tiêu sưng. Vỏ quả có vị đắng, cay, tính bình, tác dụng trừ phong hóa đờm, tiêu tích, tiêu phù, hòa huyết giảm đau.
Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi nhắc nhiều tới tác dụng của bưởi, cụ thể như:
- Lá bưởi tươi thường được dùng nấu với nhiều lá thơm khác để xông chữa cảm cúm, nhức đầu. Ngoài ra, lá còn dùng để cất tinh dầu.
- Vỏ quả bưởi chữa ăn uống không tiêu, đau bụng, ho. Ngày dùng 4-12g dưới dạng sắc uống.
- Vỏ hạt bưởi có thể dùng lấy pectin làm thuốc cầm máu.
- Dịch ép múi bưởi làm thuốc chữa tiêu khát, thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế acid citric thiên nhiên.
- Nước hoa bưởi thường bán ở các hiệu làm bánh, được cất từ hoa bưởi, phối hợp với nhiều vị thuốc có vị thơm khác như hồi, quế… dùng để làm thơm thức ăn, bánh trái.
Lưu ý khi dùng bưởi
Bác sĩ Vân cho biết múi bưởi có nhiều dưỡng chất tuy nhiên khi đang uống thuốc thì nên ăn bưởi cách ít nhất 30 phút để tránh làm giảm tác dụng của thuốc. Một số loại thuốc cần lưu ý là statin, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị tim mạch, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc giảm lo âu, thuốc chống say tàu xe...
Ngoài ra, việc dùng bưởi làm thuốc cần được sự tư vấn của người có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả uống đúng liều lượng, thời gian cần thiết.