Ảnh minh họa.
Theo Lương y Nguyễn Đình Cự (Hội Đông y tỉnh Thái Bình), cây rau mùi được biết đến là loại rau gia vị ăn cùng nhiều món ăn hàng ngày của người Việt. Nhưng bên cạnh đó, rau mùi còn có tác dụng chữa bệnh thận, gan và nội tạng.
Bộ "Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh" của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác - có ghi: "Rau mùi tên gọi Hồ Tuy. Mùi thơm tính ấm thông nhị tiện...".
Sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS Dược học Đỗ Tất Lợi cũng ghi rau mùi có tác dụng lợi tiểu.
"Ngoài ra, theo các nghiên cứu, rau mùi không chỉ giúp cơ thể đào thải chất độc hại, cặn bã ra khỏi cơ thể, mà còn có thể duy trì chức năng thận khỏe mạnh", lương y Cự cho hay.
"Hơn nữa, rau mùi là một trong những chất thải độc hiệu quả và dễ kiếm nhất. Rau mùi có thể thải các loại kim loại nặng như nhôm, thủy ngân, chì và các yếu tố độc hại khác ra khỏi cơ thể chúng ta. Cơ thể tích tụ nhiều hóa chất độc hại bao gồm kim loại nặng có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như ung thư, các vấn đề cảm xúc, thận, phổi, suy thoái não và xương yếu. Thậm chí, nghiên cứu còn chứng minh rằng rau mùi có thể đào thải 80% kim loại nặng như nhôm, thủy ngân và chì khỏi cơ thể".
Không chỉ rau mùi, hạt mùi cũng có nhiều công dụng. Tác dụng chính của hạt mùi là kháng khuẩn, làm sạch, đặc biệt thích hợp với việc làm sạch da, tránh một số bệnh truyền nhiễm, thích hợp với rất nhiều đối tượng khác nhau, từ người lớn cho đến trẻ em.
Thành phần hoạt chất của hạt mùi phần lớn là các tinh dầu, vitamin A, B, và sắt. Hạt mùi có vị cay, tính ấm. Trong Đông y, hạt mùi dùng làm thuốc bổ tì vị, kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi, cải thiện sức khỏe dạ dày, lợi tiểu, hạ sốt, giải cảm, chữa ho hoặc ngạt mũi.
Rau mùi có rất nhiều tác dụng.
Ngoài tác dụng kể trên, cây rau mùi còn có một số tác dụng chữa bệnh khác:
Hỗ trợ chống ung thư
Các chất chống oxy hóa trong rau mùi bao gồm beta carotene, vitamin C, vitamin E, ferulic, axit caffeic, kaempferol và quercetin được chứng minh là những chất chống oxy hóa có tác dụng làm giảm nguy cơ mất cân bằng oxy hóa trong các tế bào - nguyên nhân gây bệnh ung thư.
Việc tiêu thụ rau mùi hàng ngày có thể làm giảm được số lượng lớn các tế bào bị hư hỏng trong màng tế bào.
Kháng khuẩn
Rau mùi có chứa tinh dầu dễ bay hơi có tính chất kháng khuẩn. Vì thế rau mùi là loại thảo dược được sử dụng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn hoặc nấm men.
Hỗ trợ chống viêm
Hàm lượng axit béo omega-3 và omega-6 được tìm thấy trong rau mùi khá cao. Axit béo omega-3 giống như tòa nhà cao tầng được xây dựng để bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng viêm.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột đã khẳng định rằng rau mùi có khả năng chống lại bệnh tiểu đường và kiểm soát lượng đường trong máu. Rau mùi có khả năng kích thích cơ thể tiết ra insulin, làm giảm lượng đường trong máu. Sử dụng nước ép rau mùi thường xuyên sẽ đạt được hiệu quả bất ngờ.
Xương khỏe mạnh
Canxi là một dưỡng chất thiết yếu và quan trọng cho quá trình hình thành và duy trì xương khỏe mạnh. Rau mùi được xem là một nguồn cung cấp canxi tuyệt vời. Vì thế, rau mùi có nhiều lợi ích trong việc duy trì bộ xương khỏe mạnh.
Có khả năng giảm hàm lượng cholesterol
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng rau mùi còn có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu và làm tăng những cholesterol có lợi cho cơ thể.
Cách sử dụng rau mùi:
- Rửa sạch rau mùi, cắt khúc, cho vào nồi nấu với nước trong khoảng 10 phút, sau đó chờ nước nguội, vớt bỏ lá và uống phần nước.
- Cho lá rau mùi tươi vào các loại nước ép khác để uống cùng, tác dụng và mùi vị càng thêm phần hiệu quả. Nước ép rau mùi còn dư có thể bảo quản tủ lạnh để uống sau.
- Ăn rau mùi sống hoặc chế biến cùng các món ăn khác.
Lương y Nguyễn Đình Cự khuyến cáo những người huyết áp thấp khi dùng rau mùi phải hết sức lưu ý vì rau mùi có thể gây mất kali và làm giảm huyết áp, nhược cơ... nếu ăn quá nhiều.