BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3), cho hay bèo tây (Eichhornia crassipes) còn được gọi là lục bình, lộc bình, hay bèo Nhật Bản là một loài thực vật thủy sinh, thân thảo, sống nổi theo dòng nước, thuộc về chi Eichhornia của họ bèo tây (Pontederiaceae).
Cây bèo tây được du nhập vào Việt Nam, cây có nguồn gốc ở lưu vực sông Amazon, là một loài thực vật thủy sinh nước ấm.
Theo bác sĩ Vũ, bèo tây có nhiều chất xơ, giàu khoáng chất và giá trị năng lượng thấp. Trong bèo tây có một số hợp chất alkaloid, phthalate, propanoid và dẫn xuất phenyl có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa và có tác dụng chống ung thư.
Chiết xuất thô của bèo tây và một số chất trong đó cho thấy các hoạt động chống lại vi khuẩn. Dịch chiết thô chứa các chất kháng khuẩn khác nhau với hiệu quả và phương thức hoạt động khác nhau có thể hoạt động đối kháng hoặc hiệp đồng trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn.
Theo bác sĩ Vũ, bèo tây có tiềm năng chống oxy hóa. Hoạt tính chống oxy hóa của các thành phần hoạt tính được tách từ bèo tây có thể là do sự hiện diện của nhóm hydroxyl.
Chiết xuất thô của bèo tây cũng cho thấy hiệu quả cao nhất so với tất cả các hợp chất cô lập chống lại một số loại khối u. Chiết xuất bèo tây có hoạt tính chống ung thư có chọn lọc rất mạnh đối với dòng tế bào ung thư gan và các loại khối u (ung thư) khác.
Bác sĩ Vũ cho biết: "Những tác dụng nêu trên của bèo tây mới là những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Từ kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ứng dụng vào đời sống cần nhiều quá trình. Không có nghĩa cứ ăn bèo tây là sẽ đạt được các tác dụng như trên".
Món ăn, bài thuốc từ bèo tây
Bác sĩ Vũ cho biết theo kinh nghiệm sử dụng bèo tây trong y học dân gian, bèo tây có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng là lá và phần phình của cuống lá.
Bèo tây được dùng đắp bên ngoài khi bị đau (mụn nhọt, vết thương). Cách làm: hái một nắm bèo tây rửa sạch, giã nát, thêm một ít muối trắng rồi đắp lên nơi sưng tấy. Đắp tới khi khô thì lại thay miếng đắp khác. Ngày đắp 2-3 lần.
Đắp bèo tây giúp giảm đau, bớt sưng, bệnh nhân thấy dễ chịu, thoải mái. Lá bèo tây rửa sạch, giã nhỏ lẫn với muối (100g bèo với 5 – 8g muối ăn) đắp đều lên chỗ bị sưng rồi băng lại, phải quấn băng lỏng, không để chảy mất nước. Nên đắp từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau.
Theo bác sĩ Vũ, ở nước ngoài, ví như ở Indonesia, người ta dùng thân và hoa bèo tây để chế biến thành những món ăn tốt cho sức khoẻ. Người Việt Nam gần đây cũng sử dụng bèo tây chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Ngó bèo tây có thể xào giống như ngó sen. Đọt non và cuống lá dùng để nấu canh tép, cá lóc, tôm khô. Hoa bèo tây cũng có thể luộc chấm cá kho hoặc xào thịt heo hay lòng heo, lẩu cá rô phi bèo tây, hoa bèo tây xào thịt bò, thịt ba chỉ xào bèo tây...
Bác sĩ Vũ khuyến cáo tuy bèo tây có nhiều giá trị tốt cho sức khoẻ nhưng cũng cần thận trọng khi sử dụng, tránh hái bèo tây ở những nguồn nước bị ô nhiễm. Vì cây bèo tây có đặc tính hút kim loại nặng cộng với những chất độc khác ở trong nước và tích tụ vào thân. Người ăn loại bèo đó nhiều cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh do kim loại nặng có chứa trong bèo được chuyển hóa vào người.
Chỉ nên ăn bèo tây sống ở những kênh rạch có nguồn nước sạch, hái những đọt bèo. Không ăn bèo tây thường xuyên để đề phòng nhiễm kim loại nặng tích tụ trong bèo tây.