Báo cáo về các hệ thống tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) do CRS công bố hôm ngày 15/7 cho biết: các thử nghiệm tên lửa được nước này thực hiện gần đây nhằm mục đích tăng cường khả năng tấn công, tăng cường khả năng xuyên thủng mạng lưới phòng không của đối phương.
Báo cáo tập trung vào 3 hệ thống tên lửa mới được DPRK thử nghiệm trong những năm gần đây: KN-23, KN-24 và KN-25. Ba tên lửa này có một số đặc điểm khá giống nhau nên có thể dẫn đến một số nhầm lẫn khi chúng được thử nghiệm vào năm 2019 và 2020.
Điểm giống nhau cơ bản đó là cả ba đều được bắn từ các bệ phóng xe tải di động, đường bay của các tên lửa này đều uốn lượn, khó xác định, dễ dàng qua mắt các hệ thống phòng không của đối phương.
Hệ thống tên lửa KN-23 được coi là tiến bộ đáng chú ý nhất của DPRK trong lĩnh vực phát triển tên lửa, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).
Tên lửa KN-23 có tầm bắn khoảng 450 km với đầu đạn nặng 500 kg và có thể mở rộng phạm vi ra tới 690 km với trọng tải giảm. KN-23 chỉ có thể phóng đầu đạn hạt nhân.
Tên lửa KN-23 có đường bay nhấp nhô với tốc độ nhanh hơn khiến cho một lực lượng đối phương khó xác định vị trí và mục tiêu hơn trước khi khai hỏa. Tên lửa này có nét tương đồng với tên lửa chống hạm Harpoon của Hải quân Mỹ.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-23 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, có tầm bắn 690 km
Tên lửa KN-24 sở hữu hệ thống dẫn đường và khả năng cơ động trong khi bay giúp đạt được các cuộc tấn công chính xác. Đây là một hệ thống tên lửa kép có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Tên lửa KN-24 có khả năng thay thế các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng cũ của Triều Tiên như Hwasong-5 và Hwasong-6, vì quỹ đạo parabol và độ chính xác cao của nó giúp làm giảm số lượng tên lửa bị phá hủy cần thiết để tiêu diệt mục tiêu.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-24 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, có tầm bắn 410 km
Tên lửa KN-25 là một hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dài 8,2 mét và nặng 3.000 kg. KN-25 sở hữu một hệ thống dẫn đường quán tính và có thể huỷ diệt mục tiêu ở cự ly 380 km với đầu đạn phân mảnh thông thường. Loại vũ khí này dường như là tên lửa dùng trong pháo phản lực, tương tự như Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ.
Báo cáo lưu ý, quân đội Triều Tiên có thể phóng hàng loạt KN-25 để áp đảo mạng lưới phòng thủ của đối phương.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, có tầm bắn 380 km
"Những tiến bộ gần đây trong chương trình thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên dường như hướng đến việc phát triển khả năng đánh bại hoặc làm giảm hiệu quả của các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai trong khu vực như: Patriot, Phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis (BMD) và Phòng thủ khu vực tầm cao (THAAD)”, theo báo cáo.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng tập trung phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với nỗ lực chống lại các hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên đất liền. Các nghiên cứu của Triều Tiên tập trung phát triển vào việc tăng tầm xa của tên lửa để có thể tấn công từ các vị trí trên biển, nằm ngoài tầm ngắm của radar THAAD. Tuy nhiên các hệ thống Aegis BMD địa phương có thể vẫn theo dõi các tên lửa này.
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa trong những năm gần đây. Những vụ thử thành công cho thấy Triều Tiên không ngừng tiến bộ trong việc phát triển các loại tên lửa khác nhau, kể cả tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới Mỹ.