Ngày làm 8 tiếng, nhiều bệnh âm thầm tấn công mà bạn không biết: Đừng bỏ qua dấu hiệu sau

PV |

Mời độc giả đón xem buổi toạ đàm trực tuyến của chương trình "Chuyện khó có bác sĩ" với sự tư vấn của ThS.BS. Tô Thị Vân Giang, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bệnh tật không chừa bất cứ ai, kể cả "dân văn phòng" – nhóm đối tượng tưởng như ít có nguy cơ – bởi  "chỉ phải ngồi một chỗ", "không phải lao động tay chân".

Chính bởi tính chất công việc như trên, dân văn phòng có thể gặp nhiều bệnh lý ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như mắt, tiêu hoá, xương khớp, tim mạch, chuyển hoá, tâm thần...

Các triệu chứng bệnh ở dân văn phòng lúc đầu có thể chỉ là triệu chứng nhẹ, thoáng quá, không rõ rệt. Nếu không có sự "lắng nghe" cơ thể và cảnh giác, khám chữa kịp thời, bệnh sẽ chuyển nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm khiến việc điều trị khó khăn hơn.

Để hiểu rõ hơn về các nguy cơ sức khỏe ở dân văn phòng và cách phòng tránh, mời độc giả đón xem buổi toạ đàm trực tuyến của chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề "Chuyện khó nói nơi công sở: Hàng loạt bệnh rình rập dân văn phòng". 

Chương trình đang được phát sóng trực tiếp trên fanpage của Soha.vn và Soha Sống vui - sống khoẻ với sự tham gia tư vấn của ThS.BS. Tô Thị Vân Giang, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Kính mời quý độc giả đón xem chương trình!

Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:

Phần I: Hàng loạt bệnh rình rập dân văn phòng

Hỏi: “Dân văn phòng công việc nhẹ nhàng thì không có nguy cơ mắc bệnh”. Điều này có đúng không? Tình trạng mắc các vấn đề sức khỏe ở dân văn phòng.

Đáp:

Theo một nghiên cứu nhỏ về cộng đồng dịch tễ tại nước Mỹ, tỷ lệ nhân viên văn phòng mắc các bệnh về Cơ xương khớp cao hơn hẳn so với những người làm lao động chân tay.

Các bệnh lý thường gặp nhất ở dân văn phòng là cơ xương khớp, mắt, rối loạn chuyển hoá, tim mạch, da, tiêu hoá,...

Hỏi: Nhiều chị em văn phòng có thói quen ăn vặt giữa các bữa ăn. Điều này có nên tránh không?

Đáp:

Thói quen ăn vặt không chỉ xảy ra ở dân văn phòng mà còn gặp ở những nhóm người làm các công việc ngoài trời, đặc biệt là ở chị em phụ nữ. Tôi nghĩ đây là một thói quen không phải hạn chế hay tránh né nhưng nếu thói quen này kéo dài, đặc biệt ăn những thức ăn quá nhiều năng lượng có thể dẫn tới rối loạn chuyển hoá lipid, béo phì.

Do đó, nếu có thói quen ăn vặt, mọi người nên lựa chọn những loại thức ăn lành mạnh hơn, ít calo hơn như trái cây thay vì những loại thực phẩm nhiều năng lượng như snack, khoai tây chiên hoặc thực phẩm tẩm quá nhiều gia vị được chiên/xào.

Hỏi: Trong xã hội hiện đại, stress chính là một yếu tố thường gặp ở dân văn phòng. Stress có thể gây các bệnh lý gì không?

Ngày làm 8 tiếng, nhiều bệnh âm thầm tấn công mà bạn không biết: Đừng bỏ qua dấu hiệu sau - Ảnh 2.

Stress là tình trạng thường gặp ở dân văn phòng. Ảnh minh hoạ.

Đáp:

Stress không chỉ xảy ra ở nhân viên văn phòng mà còn xảy ra ở nhiều công việc ở các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đối tượng dân văn phòng có thể gặp stress nhiều hơn những người làm lao động chân tay.

Dấu hiệu stress ở dân văn phòng ban đầu chỉ là những căng thẳng thoáng qua, nhưng nếu những căng thẳng này kéo dài có thể dẫn tới những hệ luỵ như mất ngủ, suy nhược cơ thể/thần kinh, mệt mỏi và dẫn tới nhiều triệu chứng bệnh lý ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.

Hỏi: Các bệnh xương khớp ở dân văn phòng: Triệu chứng nào cần đi khám?

Đáp: 2 bệnh lý cơ xương khớp thường gặp ở dân văn phòng là cổ vai gáy và cột sống thắt lưng. Nếu mọi người chủ quan vì mình còn trẻ, chủ quan với những cơn đau thoáng qua thì sau này có thể dẫn tới các thoái hoá cổ vai gáy, cột sốt thắt lưng hoặc thậm chí là thoát vị đĩa đệm.

Các thoái hoá này trước đây gặp nhiều hơn ở những người lao động chân tay. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu gần đây, những người làm việc nhiều trên máy tính cũng có tỷ lệ mắc các bệnh này cao không kém so với những người lao động tay chân.

Nguyên nhân là do làm việc quá lâu 1 chỗ, ngồi sai vị trí dẫn tới giảm tuần hoàn tại các tế bào cơ. Thêm vào đó, ngồi trong điều hoà văn phòng lạnh có thể gây co thắt các tế bào cơ, đặc biệt là ngồi lâu ở 1 vị trí, 1 tư thế, lâu dần khiến giảm tuần hoàn trao đổi chất và gây thoái hoá.

Do đó, chỉ cần có những triệu chứng xương khớp như đau mỏi nhẹ nhàng, mọi người vẫn nên đi khám sớm để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Hỏi: Bệnh về tim mạch có thể gặp ở dân văn phòng: Triệu chứng nào cần đi khám?

Cho đến nay chưa có nhiều thống kê về bệnh tim mạch ở nhóm đối tượng dân văn phòng. Tuy nhiên, có một thực trạng đó là nhiều dân văn phòng cảm thấy mệt mỏi, nhịp tim nhanh, đây là hệ luỵ của stress kéo dài. Khi tim phải co bóp nhanh trong một thời gian dài thì dễ có nguy cơ mắc huyết áp cao.

Do đó, nếu có các biểu hiện như mệt, tức ngực, tim đập nhanh, tốt nhất mọi người nên đi khám để được sàng lọc các bệnh về tim.

Hỏi: Các bệnh về đường tiêu hoá ở dân văn phòng: Triệu chứng nào cần đi khám?

Đáp:

Dấu hiệu về tiêu hóa thường bị bỏ qua ở nhóm dân văn phòng. Bình thường, khi tới bữa ăn, dạ dày sẽ báo hiệu thông tin cho cơ thể bằng cách tạo cảm giác đói. Nếu chúng ta không ăn, bỏ bữa thì dạ dày sẽ co bóp rỗng. Lúc này, dạ dày vẫn tiết nhiều dịch vị và có thể gây ra viêm dạ dày.

Viêm dạ dày lúc đầu không có biểu hiện rõ ràng, sau đó có thể biểu hiện bằng triệu chứng như hơi tức nhẹ thượng vị, đầy hơi, khó tiêu và sau đó tạo thành những vết loét, chảy máu dạ dày mà chúng ta không hề hay biết.

Khi dạ dày bị viêm, sự hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng sẽ bị kém đi. Điều này có thể gây ra thiếu máu biểu hiện bằng triệu chứng mệt mỏi, lâu dài dạ dày sẽ bị đau nhiều hơn.

Do đó, điều quan trọng mà dân phòng nên nhớ đó là ăn đúng bữa, đúng giờ và quan tâm tới sức khỏe bản thân.

Hỏi: Các bệnh về sức khỏe tâm thần (chẳng hạn như trầm cảm): Triệu chứng nào cần đi khám?

Đáp: Trầm cảm là vấn đề đáng báo động trên toàn thế giới, đặc biệt ở các đất nước đang phát triển khi áp lực công việc ngày càng lớn.

Những người trẻ dễ mắc trầm cảm vì chưa điều tiết được công việc với chăm sóc bản thân.

Trầm cảm có các dấu hiệu ban đầu là cáu gắt, chán nản, khép mình, chỉ tập trung với công việc và làm việc mà không có sự chia sẻ hay trao đổi.

Trầm cảm có thể gặp ở bất cứ ai và là điều không thể lường trước. Do đó, nếu thấy mình có những nỗi buồn kéo dài, thu mình, không muốn giao lưu, giảm những thú vui thường nhật, đặc biệt khi có những biểu hiện tự ám thị thì nên nghĩ tới vấn đề trầm cảm và nên đi gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn kịp thời.

Hiện nay, việc điều trị trầm cảm có rất nhiều liệu pháp chữa trị cả về thuốc thang và tâm lý.

Trầm cảm đến một cách rất thầm lặng, điều quan trọng là chúng ta cần phải có những “nhạy cảm”, lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm.

Phần II: Phòng tránh bệnh cho dân văn phòng

Hỏi: Dân văn phòng nên có chế độ vận động như thế nào để tránh các bệnh thường gặp ở dân văn phòng?

Ngày làm 8 tiếng, nhiều bệnh âm thầm tấn công mà bạn không biết: Đừng bỏ qua dấu hiệu sau - Ảnh 3.

Có rất nhiều bài tập đơn giản mà hiệu quả cho dân văn phòng. Ảnh minh hoạ.

Đáp: Có rất nhiều bài tập dành cho dân văn phòng mà mọi người có thể tìm thấy một cách dễ dàng trên internet.

Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý đó là mọi người không nên ngồi quá lâu ở một tư thế mà nên có sự thay đổi tư thế, vận động nhẹ nhàng để tăng cường sự trao đổi chất, tiếp nạp thêm oxy tới các cơ và tránh sự co cứng cơ.

Hỏi: Trà và cà phê là những món rất được yêu thích ở giới văn phòng. Khi uống trà và cà phê cần lưu ý điều gì để không gây hại cho sức khỏe?

Đáp: Đây là các thức uống đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe nếu uống ở mức độ vừa phải (khoảng 2 tách/ngày). Tuy nhiên, một điều cần lưu ý khi sử dụng trà hoặc cà phê đó là không uống khi bụng đang đói, khi cơ thể đang mệt mỏi hoặc mắc các bệnh lý như mất ngủ, viêm dạ dày,...

Các triệu chứng như nhịp tim nhanh, run tay chân, vã mồ hôi là biểu hiện của việc uống quá nhiều caffeine.

Đặc biệt, cần tránh uống quá nhiều trà/cà phê hoặc uống gần giấc ngủ để tránh mất ngủ - một tình trạng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.

Hỏi: Nhiều dân văn phòng có thói quen đi massage, gội đầu để được tẩm quất, bấm huyệt cho thư giãn. Cần lưu ý gì khi thực hiện điều này?

Đáp: Việc đi massage hoặc bấm huyệt là điều giúp cơ thể cảm thấy thư giãn vùng cơ, cột sống cổ sau 1 ngày làm việc. Tuy nhiên, mọi người nên lựa chọn những cơ sở uy tín như các bệnh viện y học cổ truyền, hoặc những nơi có kỹ thuật viên được đào tạo bài bản để tránh những sự cố đáng tiếc do thao tác sai gây ra hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại