Lính Ai Cập thâm nhập chiến địa tây bắc Syria: Đòn "dưới thắt lưng" làm Thổ choáng váng?

DK |

Đây là một tình thế "cân não" dành cho Ankara rằng nếu họ tiếp tục vượt "lằn ranh đỏ" ở Libya, Quân đội Ai Cập sẽ tung một đòn "dưới thắt lưng" gây choáng váng ở Syria.

Truyền thông Thổ: Ai Cập gửi quân tới tham chiến ở tỉnh Idlib của Syria!

Mới đây, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn "các nguồn tin quân sự đáng tin cậy" cho biết một đơn vị bao gồm 150 binh lính và sĩ quan Quân đội Ai Cập (EAF) đã tới Syria tham chiến về phía quân chính phủ.

Nguồn tin tiết lộ thêm chi tiết rằng sau khi được không vận tới Căn cứ không quân Hama nhóm quân nói trên đã được triển khai tại khu vực Khan al-Asal nằm cách trung tâm Aleppo 12 km về phía tây - tây nam.

Nhóm quân Ai Cập được cho là đặc nhiệm với vũ khí hạng nhẹ sẽ phối hợp với các đơn vị dân quân Hồi giáo Shia dưới sự chỉ huy của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại mặt trận tây Aleppo và thị trấn chiến lược Saraqeb thuộc tỉnh Idlib.

Theo Anadolu, sự xuất hiện của binh lính Ai Cập diễn ra cùng thời điểm với việc các nhóm dân quân Shia và Quân đội Arab Syria (SAA) tăng cường tại "khu vực giảm căng thẳng" trong bối cảnh các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ngày 6/3/2020 thường xuyên diễn ra trong khu vực.

Đây là một phần của quá trình hợp tác an ninh và quân sự bao gồm trao đổi kinh nghiệm trong việc chống khủng bố giữa Syria và Ai Cập dưới sự hỗ trợ của Nga.

Binh sĩ Quân đội Arab Syria (SAA) chiến đấu tại Saraqeb, Idlib cuối tháng 2/2020.

Ai Cập đã hậu thuẫn Quân đội Arab Syria (SAA) từ lâu?

Sau cái gọi là Mùa xuân Arab năm 2011 và sự trỗi dậy của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, kẻ thù không đội trời chung của Damascus, quan hệ giữa hai nước trở nên vô cùng căng thẳng.

Dưới thời Tổng thống Mohamed Morsi, Ai Cập ủng hộ phe đối lập Syria và kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Vào tháng 6/2013, Tổng thống Morsi đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Syria ở Cairo và kêu gọi cộng đồng quốc tế thiết lập vùng cấm bay ở Syria.

Tuy nhiên chỉ 1 tháng sau đó, cùng với cuộc đảo chính dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng quốc phòng Abd al-Fattah al-Sisi người sau đó đã trở thành tổng thống Ai Cập, quan điểm của Cairo đối với đã quay ngoắt "180 độ".

Vào tháng 7/2013, chỉ sau cuộc đảo chính vài tuần, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được khôi phục và các đại sứ quán đã được mở cửa trở lại.

Lính Ai Cập thâm nhập chiến địa tây bắc Syria: Đòn dưới thắt lưng làm Thổ choáng váng? - Ảnh 2.

Lực lượng an ninh Ai Cập canh gác trước cửa Đại sứ quán Syria tại Cairo vào năm 2013 (Ảnh AP).

Cuối tháng 11/2016, cùng với việc Tổng thống al-Sisi tuyên bố công khai rằng ông ủng hộ SAA trong cuộc chiến ở Syria, truyền thông khu vực đưa tin phi công Ai Cập đã tham chiến về phía Damascus nhằm vào các nhóm khủng bố IS và Jabhat al-Nursa (nay là HTS và Fa Ithbatu).

Tuy nhiên, vài ngày sau, Ai Cập chính thức phủ nhận việc hiện diện quân sự ở Syria.

Tháng 12/2016, tờ Assabeel của Jordan đưa tin Ai Cập đã gửi 200 quân nhân và cố vấn đến Syria nhằm giúp Damascus "tăng cường an ninh". Thành viên của "phái đoàn" nói trên đã gần như ngay lập tức "phân tán" vào các tổ chức tình báo, an ninh của Syria.

Cùng thời điểm, tờ The New Arab có trụ sở tại Anh công bố các hình ảnh được các tay súng phiến quân thuộc liên minh Jaysh al-Fateh (Đạo quân chinh phạt) ghi lại tại một nhà kho ở Minyan, tây Aleppo cho thấy các hộp đạn với dòng chữ "Ai Cập, Nhà máy 27".

Nhà máy 27 là một đơn vị sản xuất đạn dược và vũ khí hạng nhẹ thuộc sở hữu của chính phủ Ai Cập ở Cairo.

Có thể tạm thời kết luận rằng kết quả "đảo ngược thế trận" trên chiến trường Syria của SAA trong 4 năm qua có một phần quan trọng của Ai Cập qua bên cạnh các đồng minh là Nga và Iran.

Lính Ai Cập thâm nhập chiến địa tây bắc Syria: Đòn dưới thắt lưng làm Thổ choáng váng? - Ảnh 3.

Các hộp đạn bị phiến quân Syria phát hiện tại tây Aleppo vào năm 2016.

"Dậy cho Thổ Nhĩ Kỳ một bài học"?

Vào tháng 5/2018, hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Bộ ngoại giao Ai Cập rằng việc quân đội nước này tới Syria sẽ chịu sự ràng buộc của hiến pháp. Tuyên bố nói trên liên quan tới các thông tin rằng Washington tìm cách tập hợp lực lượng các nước Arab để thay thế lính Mỹ ở Syria.

Rõ ràng ở thời điểm đó, Cairo có lý do rất "thuyết phục" để không đứng về phía Washington và trở thành "cái gai" trong mắt Moscow, Tehran và Damascus.

Nhưng tại sao sau 2 năm, Ai Cập lại đưa quân tới Idlib vào mùa hè năm 2020?

Ngày 21/7, hãng tin al-Jazeera đưa tin Quốc hội Ai Cập đã cho phép chính phủ của Tổng thống al-Sisi được triển khai quân đội bên ngoài lãnh thổ sau khi các đe dọa sẽ tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Libya.

Lính Ai Cập thâm nhập chiến địa tây bắc Syria: Đòn dưới thắt lưng làm Thổ choáng váng? - Ảnh 5.

Hành động của các phe tham gia xung đột ở Syria và Libya ngày càng có nhiều sự kết nối?

Quyết định nói trên được đưa ra trong bối cảnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) được Ai Cập hậu thuẫn và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang tăng cường lực lượng tại mặt trận Sirte và al-Jufra.

Cụ thể, Quốc hội Ai Cập nhất trí thông qua việc "triển khai lực lượng vũ trang trong các nhiệm vụ chiến đấu ngoài biên giới nhằm bảo vệ an ninh quốc gia Ai Cập... chống lại các nhóm dân quân vũ trang bị cáo buộc phạm tội hình sự và các phần tử khủng bố nước ngoài".

Có thể thấy Cairo đã có "khung pháp lý" để triển khai lực lượng tại không chỉ là Libya mà là bất kỳ đâu trên thế giới - miễn là được các lực lượng địa phương ủng hộ.

Mặc dù việc đưa một nhóm binh sĩ tới mặt trận tây bắc Syria của Cairo không đem lại nhiều lợi thế về quân sự nhưng có thể sẽ là tình thế "cân não" dành cho Ankara rằng nếu tiếp tục vượt "lằn ranh đỏ" ở Libya, Ai Cập sẽ tung một đòn "dưới thắt lưng" gây choáng váng ở Syria.

Quân đội Ai Cập sẵn sàng cho cuộc chiến tổng lực với Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại