Tổn thất lớn, xạ thủ tên lửa VN diệt 2 trực thăng bằng 1 quả đạn bị phục kích, hy sinh

Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn phòng không 377 |

Đang chuẩn bị ăn sáng thì trực thăng địch bất ngờ đổ quân, ngay lập tức mọi người xách vũ khí chiến đấu. Chúng thi nhau nhả đạn và bắn rocket.

LTS: Đồng chí Đại tá Ngô Mậu Chiến - nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377 - là cựu sinh viên Trường Đại học Thủy lợi. Trong những năm chiến tranh, đồng chí Ngô Mậu Chiến là xạ thủ tên lửa A72 tham gia chiến đấu tại đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Đại tá Ngô Mậu Chiến đã gửi cho chúng tôi những dòng ký ức đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu ở chiến trường đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh ấy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

---------

Kỳ 1: Tên lửa PK Việt Nam tham chiến ở ĐBSCL: Khổ tâm vì bị gọi là "A7 trượt"... quyết phục thù

Kỳ 2: Kỳ tích tên lửa phòng không Việt Nam : Bắn cực hiểm, 18 sĩ quan Mỹ thiệt mạng - Chưa từng có

---------

Kỳ cuối: Tổn thất lớn, xạ thủ tên lửa VN diệt 2 trực thăng bằng 1 quả đạn bị phục kích, hy sinh

Xạ thủ kỳ tài của tên lửa VN hy sinh

Sau ngày Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ và Quân đội VNCH chẳng những không chấp hành mà chúng vẫn tiếp tục hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Cho đến hôm nay tôi vẫn không thể nào quên sự kiện ngày 10/03/1973. Hôm ấy khoảng 6h30 sáng, khi anh em chúng tôi đang chuẩn bị ăn sáng thì nghe ầm ầm tiếng trực thăng địch tổ chức đổ quân xuống cánh đồng Cấm Sơn - Cai Lậy Nam.

Tổn thất lớn, xạ thủ tên lửa VN diệt 2 trực thăng bằng 1 quả đạn bị phục kích, hy sinh - Ảnh 1.

Tác giả Đại tá Ngô Mậu Chiến - Nguyên Chính ủy Sư đoàn Phòng không 377.

Ngay lập tức mọi người bỏ cơm, xách vũ khí nhanh chóng băng theo dòng kênh đã cạn còn ít nước chạy về phía trong vườn cây là nơi có công sự chiến đấu. Trên trời, trực thăng địch thi nhau nhả đạn và bắn rocket xuống khu vực đơn vị trú quân.

Hôm đó, đồng chí Bùi Anh Tuấn đã hy sinh vì trúng rocket của địch trong khi đang cấp cứu một đồng đội bị thương dưới lòng kênh. Phải mất đến 6 ngày sau chúng tôi mới tìm được thi hài của Tuấn.

Chúng tôi vô cùng tiếc thương Tuấn vì anh là 1 xạ thủ xuất sắc của tên lửa phòng không Việt Nam, còn rất trẻ, ở chiến trường chưa đầy 9 tháng mà đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bắn rơi 5 máy bay địch, trong đó có những chiếc máy bay rơi rất có ý nghĩa.

Đồng chí Bùi Anh Tuấn hy sinh quả là tổn thất rất lớn của Trung đội chúng tôi.

Năm 1978, sau khi Bùi Anh Tuấn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Sư đoàn phòng không 367 đã chỉ đạo cho Tiểu đoàn 172 đi tìm và quy tập mộ của đồng chí Bùi Anh Tuấn về Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi tổ công tác về địa phương thì địa phương đã sửa sang mộ và làm bia ghi rõ: "Liệt sĩ Bùi Anh Tuấn, AHLLVTND, quê quán xã Thương Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Phú Thọ". Cuối năm 1981, hài cốt Anh hùng - Liệt sĩ Bùi Anh Tuấn đã được gia đình cất bốc đưa về quê nhà.

Thời gian này, Trung đội tên lửa A72 chúng tôi củng cố lại lực lượng và được ghép thêm 1 Tiểu đội tên lửa chống tăng B72. Có lần tôi cùng anh em B72 đi bắn tàu chiến của quân VNCH trên dòng sông Tiền.

Tháng 5/1973, chúng tôi được điều về trực thuộc Tiểu đoàn súng cối 310. Lúc này đời sống của anh em đã được cải thiện hơn trước. Chế độ ăn được cấp bằng tiền mặt. Cứ 5 người được cấp 1 chiếc ghe để cơ động chứ không phải mang vác lội sình như trước đây.

Tháng 4/1974, chúng tôi trở về căn cứ của Tiểu đoàn 172 xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Lộc Ninh bấy giờ trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Tự hào là lính sinh viên

Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba và được bổ nhiệm làm Trợ lý chính trị tiểu đoàn. Đến cuối năm lại được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đại đội, tham gia chiến đấu đánh núi Bà Đen. Trong trận đánh này, Đại đội chúng tôi đã bắn rơi 4 máy bay địch.

Sau chiến thắng núi Bà Đen, đơn vị chúng tôi về chiến đấu trực thuộc Mặt trận 232 đánh từ đồng bằng lên Sài Gòn và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tổn thất lớn, xạ thủ tên lửa VN diệt 2 trực thăng bằng 1 quả đạn bị phục kích, hy sinh - Ảnh 3.

Xác chiếc máy bay L19 bị bộ đội ta bắn rơi trên đường phố Sài Gòn sáng 30/4/1975

Thật không thể nào nghĩ rằng, con đường vượt qua Đồng Tháp Mười 3 năm trước chúng tôi phải đi trong đêm thì bây giờ mới 4 giờ chiều mà cả đại quân hành quân bất chấp máy bay và pháo kích của địch, hành quân thần tốc tiến đánh và giải phóng thị xã Tân An (Long An).

Tiếp đến, chúng tôi đánh chiếm Tiểu khu Đức Hoà và quân địch đã phải tháo chạy ngay trong đêm. Trước đó, Đại đội tôi có 1 Tiểu đội phục kích tại cánh đồng gần Ngã ba Bà Quẹo (quận Tân Bình - Sài Gòn) đã bắn rơi 2 máy bay A37. Đây là những chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ và VNCH bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh.

Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 172 tổ chức tổng kết mừng công, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba lần thứ 2.

Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, hầu hết lính sinh viên đều được trở về các trường Đại học để học tiếp. Tiểu đoàn 172 chúng tôi có 4 người đã là sỹ quan thì ở lại xây dựng quân đội. Đó là tôi (Ngô Mậu Chiến), Trần Văn Xuân, Lê Văn Đường, Nguyễn Văn Vịnh (đã mất).

Năm 1978, đồng chí Trần Văn Xuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Còn tôi, đầu năm 1979 khi đang làm Trợ lý Thanh niên Sư đoàn phòng không 367 được cử đi học tại Học viện Chính trị Quân sự đến năm 1985 thì tốt nghiệp.

Tổn thất lớn, xạ thủ tên lửa VN diệt 2 trực thăng bằng 1 quả đạn bị phục kích, hy sinh - Ảnh 4.

Đại tá Ngô Mậu Chiến trong một cuộc giao lưu với các sinh viên trẻ hôm nay

Trở về đơn vị, tôi được phân công đảm nhiệm các chức vụ cán bộ chính trị từ Trung đoàn lên Lữ đoàn rồi Sư đoàn đến năm 2004 nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và chức vụ Chính ủy Sư đoàn phòng không 377.

Sau ngày nghỉ hưu, tôi tiếp tục tham gia công tác của Hội CCB và làm Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Khánh Hoà đến năm 2017 thì chính thức nghỉ hưu lần thứ hai.

Bây giờ nhìn lại đời sinh viên và đời lính sinh viên chúng tôi sao mà nhiều kỷ niệm đến thế! Đời sinh viên và đời lính sinh viên của chúng tôi đứng trước bao nhiêu thử thách, gian lao, vất vả, ác liệt, hy sinh… nhưng chúng tôi đều vượt qua và chiến thắng!

Với tất cả lòng khiêm tốn, chúng tôi vẫn có thể nói rằng: Lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới, chưa bao giờ có lớp sinh viên nào chịu gian lao, vất vả, hy sinh nhưng cũng rất tự hào như chúng tôi - những người lính sinh viên thời chống Mỹ!

Vì chúng tôi là nhân chứng lịch sử, đã đóng góp một phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chúng tôi thường nhắc nhở nhau: Hãy sống trong niềm tự hào và hãy tự hào để sống tình nghĩa hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại