Israel vẫn tỏ ra cương quyết trong việc đẩy lùi cái mà họ gọi là "các lực lượng Iran" ra xa khỏi khu vực biên giới nước này với Syria. Cùng lúc đó, Nga, đang có hàng ngàn lính đồn trú ở Syria có thể “lãnh đạn” trong khi các bên giao tranh, hoặc đến một lúc nào đó, khi chán phải chứng kiến đồng minh Syria chịu trận, sẽ động thủ với Israel.
Câu hỏi đặt ra là nếu Israel và Nga xung đột, liệu “ông anh” Mỹ của Tel Aviv có cảm thấy bắt buộc phải nhảy vào can thiệp?
Theo bài phân tích trên National Interest, cả Israel và Nga đều không sẵn sàng tham gia một cuộc chiến như thế. “Chẳng ai trong chúng tôi muốn đối đầu quân sự”, một quan chức Bộ Quốc phòng Israel nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Sẽ bất lợi cho cả đôi bên”.
Tuy nhiên, chính sách của Israel là rõ ràng: họ sẽ làm tất cả những gì họ cho là cần thiết để đẩy các lực lượng Iran không đội trời chung khỏi lãnh thổ Syria. Và nếu Nga không thích điều này, thì Israel vẫn phải đảm bảo Syria không trở thành một căn cứ tên lửa của Iran.
Quan hệ giữa Israel và Nga ấm hơn rất nhiều nếu so với thời Chiến tranh lạnh. Trên bề mặt, đó còn là sự hữu nghị, mong muốn hợp tác. Nhưng nhà bình luận Michael Peck của National Interest cho rằng ẩn sau sự thân thiện đó là lo lắng, nghi ngờ và sự xung đột lợi ích.
“Không ai ở Israel phân vân về chuyện người Nga là ai và họ là đồng minh của ai”, vị quan chức Bộ Quốc phòng Israel nói với điều kiện giấu tên.
“Nói cho chính xác, người Nga không phải là đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi có một đồng minh, đó là Mỹ. Người Nga đến đây vì mục đích hoàn toàn khác. Họ ủng hộ một chế độ (Syria) với mục tiêu được nói công khai là hủy diệt Israel nếu có thể”.
Tuy vậy, Israel vẫn thấy ở Nga là thế lực có thể kiềm chế Iran, và có thể là một đòn bẩy buộc các lực lượng Iran phải tránh xa lãnh thổ Syria.
Sau cuộc gặp giữa thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm hàn gắn quan hệ sau vụ Israel bắn rơi máy bay trinh sát Il-20 Nga, các quan chức Israel nói tổng thống Putin đã đồng ý rằng các lực lượng nước ngoài nên rút khỏi Syria.
Đối với Moscow, quan hệ thân thiện với Israel giúp Nga tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông khi Mỹ đang rút dần sự hiện diện ở khu vực này.