Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: quyết không cho phép danh dự của Ấn Độ bị xâm hại
Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều dẫn tin của Đài truyền hình New Delhi Ấn Độ (NDTV) ngày 1/6 nói, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 30/5 tuyên bố Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán quân sự và ngoại giao, nhưng hai nước vẫn tăng cường khả năng chiến đấu của mình tại khu vực Ladakh.
Nguồn tin quân sự Ấn Độ nói rằng quân đội Trung Quốc đã tăng thêm lực lượng dự trữ chiến lược tại các căn cứ hậu phương gần đường kiểm soát thực tế ở phía đông Ladakh, bao gồm pháo binh, xe chiến đấu bộ binh và thiết bị quân sự hạng nặng.
Quân đội Ấn Độ cũng đã gửi thêm quân đội và vũ khí trang bị như pháo binh đến phía đông Ladakh để đọ sức với quân tiếp viện của Trung Quốc. Không quân Ấn Độ cũng đã tiến hành giám sát trên không nghiêm ngặt tại khu vực tranh chấp.
Binh lính hai bên tranh cãi tại hiện trường ven hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).
Đầu tháng 5, một số lượng đáng kể binh lính Trung Quốc đã tiến vào phía Ấn Độ kiểm soát thực tế ở biên giới, sau đó đã cắm trại đóng ở hồ Pangong Tso và Thung lũng Galwan. Quân đội Trung Quốc cũng tăng cường sự có mặt ở các khu vực Demchok và Daulat Beg Oldie.
Hai bên đã có lịch sử xung đột quy mô nhỏ ở các khu vực nhạy cảm này.
Được biết, ngoài việc dần dần tăng cường cơ sở hạ tầng tạm thời và vũ khí trang bị, quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai khoảng 2.500 binh sĩ ở Pangong Tso và Thung lũng Galwan. Nhưng chưa có con số chính thức nào được chính quyền công bố.
Nguồn tin nói rằng hình ảnh vệ tinh đã chụp được cho thấy Trung Quốc gia tăng đáng kể nhiều cơ sở hạ tầng quốc phòng ở bên cạnh tuyến kiểm soát thực tế, bao gồm các hoạt động xây dựng tại căn cứ không quân quân sự cách Pangong Tso khoảng 180 km.
Lính Trung Quốc trong xuồng cao tốc trên hồ Pangong (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Ấn Độ phản đối mạnh mẽ hành động xâm phạm của quân đội Trung Quốc và yêu cầu họ rút ngay lập tức để khôi phục hòa bình trong khu vực. Quân đội Ấn Độ đánh giá việc tập kết lực lượng của Trung Quốc nhằm mục đích gây áp lực lên Ấn Độ.
Một quan chức quân sự cấp cao nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ cách làm của Trung Quốc. Quân đội Ấn Độ kiên định tuyên bố rằng, chúng tôi sẽ không thỏa hiệp trừ khi hiện trạng ở Pangong Tso, Thung lũng Galwan và một số khu vực khác được khôi phục. . "
Nguyên gây ra cuộc đối đầu giữa hai bên là Trung Quốc phản đối việc Ấn Độ làm một con đường quan trọng ở khu vực gần hồ Pangong Tso. Ngoài ra, Ấn Độ còn xây dựng một con đường liên tuyến Darbuk-Shayok-Daulat Beg Oldie.
Nguồn tin nói rằng Trung Quốc cũng đã mở đường trong khu vực này, nhưng Ấn Độ không thể chấp nhận.
Tình hình ở miền đông Ladakh bắt đầu xấu đi sau cuộc đối đầu giữa khoảng 250 binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 5/5. Cuộc xung đột tiếp diễn cho đến ngày hôm sau khi hai bên đồng ý "ngừng chiến". Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng bế tắc vẫn tiếp diễn.
Đoàn xe vận tải chở quân đội Ấn Độ tới khu vực tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Theo Đa Chiều, trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Aaj Tak hôm 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói rằng Ấn Độ và Trung Quốc đang tiến hành các cuộc đối thoại giữa giới quân sự và ngoại giao để giải quyết cuộc đối đầu ở Ladakh.
Ông cũng nói hai nước đã bày tỏ muốn giải quyết vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Rajnath Singh cũng nhấn mạnh rằng không cần Mỹ đứng ra hòa giải vì hai nước Trung - Ấn đã có cơ chế giải quyết vấn đề và đã được khởi động.
Ông Rajnath Singh cho biết đã nói chuyện điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper vào ngày 29/5.
Singh nói: "Tôi đã nói với ông ấy rằng Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập một cơ chế. Nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh giữa hai nước, đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại quân sự và ngoại giao.
Cơ chế này đã được thực hiện và cuộc đối thoại đang diễn ra”. Ông cũng nhắc đến một tuyên bố tương tự đã được đưa ra ở Bắc Kinh.
"Chính sách của Ấn Độ rất rõ ràng, chúng ta cần duy trì mối quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng. Đây là một nỗ lực lâu dài. Nhưng đôi khi, tình hình (rắc rối) này xảy ra ở phía Trung Quốc", ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh: chúng tôi sẽ không cho phép danh dự của Ấn Độ bị xâm hại (Ảnh: AP).
Ông Singh đã đề cập đến cuộc đối đầu ở Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) năm 2017. "Tình hình lúc đó rất căng thẳng. Nhưng chúng tôi đã không lùi bước... cuối cùng, chúng tôi đã có thể giải quyết được tình thế”.
Ông Singh cũng nói: "Người dân Ấn Độ nên yên tâm rằng trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ không cho phép danh dự (tôn nghiêm) của Ấn Độ bị xâm hại”.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có khả năng gây áp lực lên New Delhi hay không, ông Singh nói điều này là không thể vì Ấn Độ có một tầng lớp lãnh đạo mạnh mẽ và nhân dân biết rõ điều này.
Hãng Bloomberg hôm 27/5 đưa tin, một quan chức chính phủ Ấn Độ xin giấu tên, nói rằng Trung Quốc đã triển khai khoảng 5.000 binh sĩ và xe bọc thép ở phía Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp ở Ladakh. Ấn Độ cũng đang bổ sung một số lượng quân và pháo tương tự dọc biên giới để chống lại sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc.
Quan chức này nói rằng sau cuộc đàm phán giữa các quan chức quân đội Ấn Độ và Trung Quốc các ngày 22 và 23/5 không mang lại kết quả, các nhà ngoại giao ở New Delhi và Bắc Kinh đã bắt đầu đàm phán.
Lính Ấn Độ giương bandron yêu cầu lính Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
Quan chức chính phủ này nói rằng căng thẳng hiện tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể là do việc Ấn Độ xây dựng một con đường và cây cầu ở Thung lũng Galwan, Ladakh trong khu vực họ kiểm soát.
Quan chức Ấn Độ này nói, mặc dù hoạt động vi phạm biên giới của Trung Quốc tăng lên khi Ấn Độ thay đổi địa vị của tỉnh Ladakh, đặt nó dưới sự kiểm soát của chính phủ liên bang hồi năm ngoái, nhưng cuộc đối đầu lần này còn nghiêm trọng hơn cả cuộc xung đột Doklam/Donglang năm 2017.
Tờ "Hindustan Times" ngày 27/5 cũng đăng bài "Doklam Team của Modi hoạt động trở lại, chống trả Trung Quốc ở khu vực Ladakh”; trong đó viết, Thủ tướng Modi đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 26/5 để đánh giá tình hình.
Tại cuộc họp chiến lược của Modi, đối với ba người, gồm Cố vấn an ninh quốc gia Doval, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Rawat và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jaishankar, đây là lần thứ hai họ phải đối mặt với tình huống tương tự trong ba năm.
Trong cuộc đối đầu Doklam 73 ngày vào năm 2017, đội ngũ này cũng đã thiết kế phương án ứng phó của Ấn Độ. Tướng Rawat khi đó cũng là tổng tham mưu trưởng quân đội và ông Jaishankar là Thư ký Bộ Ngoại giao.
Các quan chức cho biết, mặc dù Ấn Độ có xu hướng giảm bớt căng thẳng trên đường kiểm soát thực tế thông qua sự tôn trọng lẫn nhau và đối thoại theo cơ chế hòa bình hiện có, nhưng “Doklam Team” của Modi đã được cho biết chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết mọi tình huống có thể xảy ra.
Trung Quốc đưa nhiều xe bọc thép đến vùng cao nguyên Thanh - Tạng, được cho là đối phó với Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
Phía Trung Quốc tung video để hạ nhiệt dư luận
Khu vực hồ Pangong tranh chấp trên biên giới hiện đã trở thành chiến trường đọ sức giữa hai bên. Sau khi quân đội Ấn Độ tiết lộ video bắt giữ một người lính Trung Quốc; một bức ảnh về quân đội Ấn Độ bị đánh bị thương đã xuất hiện trên mạng Trung Quốc, nhằm loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của video nói trên.
Theo trang tin Đa Chiều, vào ngày 31/5, một bức ảnh được đăng trên tài khoản weibo "Korolev" của Trung Quốc có 6 triệu người follow cho thấy ít nhất 5 lính Ấn Độ đang nằm trên mặt đất, một trong số họ bị đánh tóe máu đầu và quần áo của anh ta cũng dính đầy máu, vẻ mặt đau đớn; hai người khác bị trói bằng dây thừng.
Bên cạnh đó là một số binh sĩ PLA, ít nhất 4 người trong số họ mang gậy nghi là ống thép. Do hai lính PLA khác đang đeo khẩu trang nên được cho là vụ việc mới xảy ra gần đây.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng đây là kết quả của "cuộc tấn công lẫn nhau" giữa những người lính Trung-Ấn tại cuộc đối đầu mới đây ở biên giới. Chủ trang weibo được đề cập ở trên cũng cho biết:
"Đúng vậy, chúng ta không thể cho phép người Ấn Độ đơn phương làm loạn dư luận ...".
Trước đó, cũng vào ngày 31/5, các trang mạng Trung Quốc đã lan truyền một đoạn video được cho là do quân đội Ấn Độ đưa lên mạng nước ngoài cảnh một người lính Trung Quốc bị quân đội Ấn Độ bắt giữ.
Vì đầu của người lính PLA bị đánh chảy máu, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã "tức giận phát cuồng".
Hình ảnh các lính Ấn Độ bị phía Trung Quốc đánh đập, bắt giữ đưa trên mạng weibo (Ảnh: Đa Chiều).
Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cũng xác nhận việc binh sĩ Ấn Độ bởi bị PLA đánh bị thương.
Theo truyền thông Ấn Độ, trong cuộc đối đầu Trung-Ấn gần đây ở Pangong Tso, 72 binh sĩ Ấn Độ đã bị đánh đến bị thương, một số người trong số họ bị thương nặng và được đưa đến Bệnh viện Leh ở Ladakh, thậm chí tới các bệnh viện ở Chandi-Mandir và Delhi để điều trị.
Hiện tại, cuộc đối đầu trên biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vẫn đang tiếp diễn, nhưng cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc gần đây đều tuyên bố rằng tình hình hiện tại nói chung là ổn định và có thể kiểm soát được.
Nhưng trên thực tế, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã chuyển từ đối đầu ở tuyến trước sang đọ sức tổng thể giữa hai quân đội, do cả hai bên đều đã điều quân tăng viện phía sau.
Theo Đa Chiều, trong những năm gần đây, PLA đã tăng cường đầu tư cho hướng cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Mặc dù bị hạn chế bởi địa hình, nhưng vẫn đạt được sự vượt trội đáng kể so với quân đội Ấn Độ trong lĩnh vực vũ khí và trang thiết bị.
Cho dù đó là xe tăng hạng nhẹ ZTQ-15, lựu pháo PLC-181 155 mm gắn trên xe hay các thiết bị hạng nặng khác, hỏa lực của họ đều đã được tăng cường.
Máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Ấn Độ ở sân bay gần biên giới Trung - Ấn (Ảnh: Đa Chiều).
Trong cùng thời gian, Ấn Độ cũng đang tăng cường khả năng tấn công trên vùng núi ở biên giới Trung-Ấn, không chỉ xây dựng các đơn vị đánh vùng núi mới mà còn mua các máy bay trực thăng vận tải hạng nặng như CH-47 "Chinuk", trực thăng vũ trang "Apache", máy bay vận tải hạng nặng C-17 và các vũ khí và thiết bị khác, thực lực của quân đội Ấn Độ không thể xem thường.
Một số cơ quan truyền thông Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang gây sự ở biên giới để chuyển hướng mâu thuẫn trong nước; nhưng theo dư luận phía Trung Quốc, Ấn Độ mới là nước thực sự muốn gây ra các sự cố biên giới để chuyển dịch mâu thuẫn năng lực chống dịch kém.
Hơn nữa, Ấn Độ cũng nhằm tới việc Trung Quốc đang gặp phải sự bao vây ngăn chặn của Mỹ và Đài Loan không ngừng tìm kiếm độc lập, để áp dụng chính sách “tằm ăn dâu” ở biên giới.
Máy bay Su-30 của Ấn Độ bay giám sát khu vực tranh chấp ở Ladakh (Ảnh: Đa Chiều).
Vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân, nên khả năng xảy ra cái gọi là "chiến tranh toàn diện" là rất nhỏ, nhưng một cuộc xung đột quy mô nhỏ rất có thể xảy ra.
Trang tin Đa Chiều cho rằng, đánh giá từ kết quả của cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và mức độ phát triển khác nhau của Trung Quốc và Ấn Độ trong 58 năm qua, e rằng New Delhi khó có thể chiếm được thế thượng phong.