Liên tiếp trẻ tử vong nghi do học theo Youtube: Cảnh báo khẩn đừng bỏ mặc trẻ với ti vi, điện thoại

K.Chi |

Bé trai 8 tuổi bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu song không qua khỏi.

Ngày 25/11, Công an tỉnh Đồng Nai phát thông tin cảnh giác về vụ việc bé trai V.P.L. (8 tuổi, ngụ ở Trảng Bom) tử vong nghi do học theo thử thách Momo.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tối 21/11, bé L. vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra nên gọi thì không trả lời.

Mọi người phá cửa xông vào và phát hiện L. trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc, cổ áo móc trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Gia đình liền đưa bé trai đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Vào ngày 12/10 vừa qua, cháu V.T.D. 5 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh đã dùng khăn voan để treo cổ dẫn đến cái chết thương tâm. Khi cả nhà phát hiện thì D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Sau đó mọi người vội vàng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu nhưng D. đã không qua khỏi, và ra đi vào lúc 18h10 phút cùng ngày. Các bác sĩ kết luận cháu tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.

Cháu D. hay xem mấy clip trên YouTube và gia đình không kiểm soát được nên cháu đã có hành động làm theo.

Trước đó, hồi tháng 11/2019, xảy ra sự việc tương tự với bé Đ.T.K., (7 tuổi) ngụ ở huyện Nhà Bè, TP.HCM. Gia đình bàng hoàng phát hiện K. treo cổ bằng chiếc khăn quàng đỏ trên dây phơi đồ. Theo lời gia đình kể lại, thời điểm được phát hiện, cháu bé được treo cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi, tiểu không tự chủ, hôn mê.

Bé K. lập tức được đưa đến phòng khám gần nhà để sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt. Tại đây, cháu được đặt nội khí quản rồi được chuyển tiếp đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2.

May mắn cháu bé được thở máy, xử trí cấp cứu nên đã tỉnh lại, không nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này gia đình hỏi chuyện mới vỡ lẽ vì câu trả lời của bé học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên Youtube.

Liên tiếp trẻ tử vong nghi do học theo Youtube: Cảnh báo khẩn đừng bỏ mặc trẻ với ti vi, điện thoại - Ảnh 1.

BS Đỗ Minh Loan: "Trẻ chơi đồ chơi nhiều đôi khi tâm lý trẻ cũng chán và muốn thử thách những trò chơi mạo hiểm trong đó bắt chước các hành động của nhân vật phim hoạt hình, phim hài mà chúng yêu thích".

TS BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe trên mạng xã hội với trẻ nhỏ rất nhiều.

Những khuyến cáo của giới chuyên gia vẫn nói dường như trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh tưởng chừng đã biết hết rồi nhưng thực tế khi rơi vào gia đình mình lại thành chưa biết.

Bác sĩ Loan cho biết, ở trẻ chưa hình thành hết được các chức năng sinh lý, nhận thức của trẻ cũng chưa rõ. Trẻ chưa biết cái nào nguy hiểm cái nào không. Bản thân con trai bác sĩ Loan ngày còn nhỏ cũng bị ảnh hưởng bởi phim hoạt hình nổi tiếng cháu dùng bật lửa để đốt rèm hay lấy que chọc vào người lớn. Trẻ chưa phân biệt được cái nào nên áp dụng cái nào nguy hiểm tới chính mình nên có thể chúng sẽ bắt chước làm theo.

Ngoài ra, trẻ chơi đồ chơi nhiều đôi khi tâm lý trẻ cũng chán và muốn thử thách những trò chơi mạo hiểm trong đó bắt chước các hành động của nhân vật phim hoạt hình, phim hài mà chúng yêu thích.

Quan tâm tới sức khỏe của trẻ nhiều hơn

Theo bác sĩ Loan, những ảnh hưởng từ truyện tranh, mạng internet … sau đó trẻ nhỏ gián tiếp làm hại bản thân thì có khá nhiều.

Có một số trẻ có những hành vi tự làm đau như cắt da thịt, cấu véo …. bản thân được bố mẹ đưa đến BV Nhi Trung ương khám.

Trẻ cho biết, cháu không học từ đâu, nhưng cũng có trẻ cho biết, học từ truyện tranh Manga của Nhật Bản. Trong đó có những động tác, hành vi như vậy. Khi cảm xúc của trẻ trống rỗng, chán nản, thường có hành vi tác động lên da thịt của mình nhằm tạo ra cảm giác. Khi thực hiện những hành vi tự cắt vào cơ thể, làm đau mình bệnh nhân cho là được giải thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Những hành vi này, trẻ có thể đọc được trên mạng, trong truyện tranh của Nhật Bản.

Momo là một nhân vật không có thật đầu người mình chim, xuất hiện trong các đoạn video clip trên youtube. Nhân vật này hướng dẫn, ép buộc và đưa ra các thử thách cho trẻ em, trong đó có những thử thách tự làm hại bản thân.

BS Loan cho biết trẻ tự hủy hoại bản thân có rất nhiều nguyên nhân trong đó có các trường hợp trẻ bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm nhưng cha mẹ không để ý.

Việc phát triển internet như hiện nay, bác sĩ cho rằng với trẻ nhỏ cần có sự kiểm soát chặt chẽ. Cha mẹ nên chọn cho con mình các trò chơi lành mạnh, thường xuyên vận động, chơi cùng con thay vì bỏ mặc trẻ với những thiết bị thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại