Nước nào cao nhất và nước nào thấp nhất thế giới? Nước nào tăng trưởng về chiều cao nhanh nhất?

Nhân Hà |

Một nghiên cứu mới tiết lộ các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao.

Tăng trưởng chiều cao ở trẻ em toàn cầu

Một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra rằng: dinh dưỡng và môi trường đóng vai trò quan trọng hơn di truyền trong việc quyết định sự phát triển chiều cao của 1 người. Bởi chỉ sau một vài thế hệ, chiều cao của con cháu của những người di cư đã bắt kịp người bản địa ở nơi họ đến sống.

Nghiên cứu vừa được công bố trong tháng 11 đã phân tích sự phát triển của trẻ em ở các quốc gia khác nhau bằng cách tổng hợp và phân tích dữ liệu của 2.181 nghiên cứu về chiều cao và chỉ số khối cơ thể của hơn 50 triệu trẻ em (5-19 tuổi) và 15 triệu người trưởng thành (20-30 tuổi) ở 193 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo nghiên cứu, sự phát triển chiều cao của bé trai Trung Quốc là đứng đầu thế giới, còn sự phát triển chiều cao của bé gái đứng thứ 3 thế giới; tiếp đó là Hàn Quốc (đứng thứ 3 với bé trai và thứ 2 với bé gái), sau đó đến các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La Tinh và Caribe…

Nước nào cao nhất và nước nào thấp nhất thế giới? Nước nào tăng trưởng về chiều cao nhanh nhất? - Ảnh 1.

Thiếu niên Trung Quốc đã có tốc độ phát triển chiều cao rõ rệt trong 35 năm qua

Nghiên cứu trước đó cho thấy sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đã góp phần làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng ngày càng tăng đã khiến chiều cao và dinh dưỡng của trẻ em sống ở các vùng nông thôn Trung Quốc thấp hơn so với trẻ ở thành phố.

Theo 1 nghiên cứu năm 2014 đăng tải bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở những vùng phát triển hơn tại Trung Quốc, do khả năng tiếp cận với thức ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều đường dễ dàng hơn, tỉ lệ trẻ em và thiếu niên béo phì đang tăng lên.

Riêng tại Việt Nam, tình trạng trẻ em thừa cân béo phì ở một số thành phố của Việt Nam đã ở mức cao so với trung bình của châu Á, các nước đang phát triển và toàn cầu (mức trung bình toàn cầu khoảng 6,9%). Điển hình nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ 9,6% trẻ em bị thừa cân, béo phì, ở khu vực trung tâm thành phố thì mức tỷ lệ này lên tới trên 12%.

Nước nào cao nhất và nước nào thấp nhất thế giới? Nước nào tăng trưởng về chiều cao nhanh nhất? - Ảnh 3.

Ở những khu vực phát triển hơn như Bắc Kinh, tỉ lệ trẻ béo phì đang tăng lên do dễ dàng tiếp cận với các quán ăn nhanh, đồ ăn vặt nhiều đường...

Nghiên cứu trên The Lancet đã so sánh sự thay đổi chỉ số khối cơ thể (BMI) ở trẻ em và thiếu niên trên toàn cầu. Những quốc gia có BMI cao nhất cho cả 2 giới là Mỹ, New Zealand và Kuwait, trong khi các nước có BMI thấp nhất là Ấn Độ, Bangladesh, Đông Timor, Ethiopia và Chad.

Về chiều cao ở độ tuổi 19, cách biệt lên tới 20cm (tương đương với 8 năm đối với bé trai và 6 năm với bé gái) ở 2 nhóm các quốc gia cao nhất và thấp nhất thế giới. 

Những nước đứng đầu về chiều cao ở nam giới gồm Hà Lan (chiều cao trung bình là 183,8cm), Montenegro, Estonia và Bosnia, Herzegovina; đứng đầu về chiều cao ở nữ là Hà Lan (170,4cm), Montenegro, Đan Mạch và Iceland. Những nước có chiều cao trung bình thấp nhất ở nam giới nằm chủ yếu ở Nam và Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Đông Phi như Timor-Leste (160, 1cm), Lào, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea; ở nữ giới là Guatemala (150,9cm), Bangladesh, Nepal và Timor-Leste.

Những quốc gia có chiều cao thấp nhất ở nam là Đông Timo, Lào, Quần đảo Solomon và Papua New Guinea, ở nữ là Guatemala, Bangladesh, Nepal và Đông Timo.

Trong khi ở các nền kinh tế mới nổi chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục về chiều cao ở trẻ em thì nhiều quốc gia cận Sahara ở châu Phi, chiều cao trẻ em vẫn không thay đổi, nếu không nói là thấp đi.

Nước nào cao nhất và nước nào thấp nhất thế giới? Nước nào tăng trưởng về chiều cao nhanh nhất? - Ảnh 5.

Các thiếu nữ Hàn Quốc có sự phát triển cơ thể cân đối và khoẻ mạnh đứng đầu thế giới

Nhìn chung, theo nghiên cứu, trẻ em ở các nước Hàn Quốc, Việt Nam, Arập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á và các bé trai ở Trung và Tây Âu có những thay đổi lành mạnh nhất về sự tăng trưởng trong hơn 3,5 thập kỷ qua bởi chiều cao cải thiện hơn nhiều so với chỉ số cơ thể BMI.

Trong khi đó, các thay đổi có hại cho sức khỏe - tăng quá ít chiều cao, tăng quá cân so với chiều cao của trẻ diễn ra ở nhiều quốc gia ở châu Phi, New Zealand, Hoa Kỳ, Malaysia, Mexico.

Đáng chú ý, ở 1 số quốc gia khác, chiều cao của trẻ em bắt kịp hoặc tụt lại ở độ tuổi đi học. Ví dụ, trẻ em ở một số quốc gia châu Âu (như bé gái ở Bỉ và bé trai ở Áo) và châu Mỹ Latinh và Caribê (ví dụ, bé gái ở Puerto Rico và bé trai ở Barbados) có chiều cao tương đương với trẻ em Hà Lan 5 tuổi, nhưng dần dần, đến năm 19 tuổi, họ lại thấp hơn thanh niên Hà Lan hơn 5cm. Ngược lại, chiều cao của trẻ em và thanh thiếu niên ở Latvia, Cộng hòa Séc, Ma-rốc và Iran ngày càng cải thiện khi họ đến tuổi 19.

Yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao?

Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng: "Những khác biệt giữa các quốc gia này cho thấy rằng thời thơ ấu và vị thành niên là những giai đoạn quan trọng, định hình những yếu tố quyết định đến sức khỏe suốt đời của công dân".

Trong khi di truyền chỉ đóng 1 vai trò nhỏ thì dinh dưỡng và môi trường đóng vai trò quyết định. Bởi nghiên cứu đã phát hiện thấy chiều cao của hậu duệ di cư thường nhanh chóng đạt chuẩn ở đất nước mới chỉ sau vài thế hệ.

Thời điểm bắt đầu dậy thì với chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và tăng cân trong giai đoạn thơ ấu sẽ ảnh hưởng lớn đến chiều cao trong giai đoạn vị thành niên và cuối vị thành niên trong khi các yếu tố này ở tuổi dậy thì lại không ảnh hưởng đến chiều cao cuối cùng.

Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ sự phát triển thể chất từ lúc mang thai đến vị thành niên, trong đó, đáng chú ý là các chương trình dinh dưỡng học đường (các bữa ăn lành mạnh miễn phí tại trường học) cũng như áp dụng các giải pháp hạn chế tiêu thụ carbohydrate (tinh bột - đường) trong chế độ ăn của trẻ em, cung cấp các phương tiện vui chơi và thể thao công cộng… để trẻ em cao lớn mà không tăng cân quá mức, mang lại lợi ích sức khoẻ thể chất suốt đời cho công dân mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, phải đến năm 2021 mới có thể công bố kết quả điều tra chiều cao của người Việt vừa được thực hiện đầu năm 2020. Trước đó, điều tra gần nhất là năm 2010, nam trung bình cao 164,4cm, nữ 154cm, so với trung bình của thế giới hiện nay (nam 171cm, nữ 159cm), người Việt thấp hơn gần 7cm ở nam và 5cm ở nữ.

Tuy nhiên, 3 nghiên cứu dịch tễ học theo dõi phát triển chiều cao của học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong các năm học 2004 - 2005, năm 2009 - 2010, 2014 - 2015 tại TPHCM cho thấy chiều cao trung bình đạt 1,68m ở nam, cao hơn so chiều cao trung bình của nam giới ở tuổi trưởng thành tại nước ta là 164cm nhưng vẫn xa với chuẩn chiều cao trung bình của thế giới. Mức tăng này hiện gần bằng Thái Lan (169cm)

(Nguồn: The Lancet, SCMP)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại