Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong cơ thể.
Các phương pháp xét nghiệm phổ biến hiện nay là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở và nồng độ cồn trong máu. Chỉ cần trong ngưỡng phát hiện của máy thì nếu có cồn máy sẽ nhận biết được là mẫu thử này đang có cồn.
Trường hợp cơ thể không tiếp xúc, ăn uống các thực phẩm có cồn nhưng khi xét nghiệm hay thổi nồng độ cồn vẫn dương tính, có thể gọi là những trường hợp cồn nội sinh do cơ thể tự có.
Trường hợp có cồn nội sinh, để máy đo nồng độ cồn trong khí thở phát hiện là những người bị bệnh, người khỏe mạnh không có hiện tượng này. Cồn nội sinh là những người trong hệ tiêu hóa chứa vi khuẩn đặc biệt, một số loại nấm men và có mặt ở niêm mạc của cơ thể.
Hoặc những người cấu trúc đường tiêu hóa có vấn đề, mắc các bệnh lý như bệnh lý về tiêu hóa, đường mật, loạn khuẩn ở đường tiêu hóa; các bệnh lý về xơ gan, đái tháo đường, người bệnh gặp các vấn đề chuyển hóa, và nhiều bệnh khác nữa cũng có thể gây ra cồn nội sinh.
Hiện bệnh viện có thể kiểm tra hiện tượng nồng độ cồn nội sinh cho một số trường hợp, để khẳng định không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn.
Các bác sĩ sẽ đo đạc bằng cách test carbonhydrat, tức là sẽ cho uống một lượng gluco nhất định, sau đó định lượng lại nồng độ cồn trong máu theo khoảng thời gian nhất định. Nếu kết quả nồng độ cồn xuất hiện và tăng lên thì đó rất có thể là hiện tượng cồn nội sinh. Ngược lại, nếu không xuất hiện nồng độ cồn qua bài test sẽ không phải là trường hợp có nồng độ cồn nội sinh.
Như vậy, việc kiểm tra, phát hiện cồn nội sinh (tồn tại sẵn trong cơ thể) hay ngoại sinh (uống rượu bia, sử dụng các thực phẩm, thuốc) qua các xét nghiệm tại cơ sở y tế có thể biết, chẩn đoán được.