Lại thêm các nạn nhân tử vong vì rượu có methanol: Cảnh báo từ bệnh viện

Thái Bình |

Chỉ trong 5 ngày vừa qua đã có liên tiếp 3 nạn nhân của rượu có methanol được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 2 người trong số đó đã tử vong (một người tử vong trước viện) vì hàm lượng methanol trong máu quá cao.

Chỉ trong 5 ngày vừa qua đã có liên tiếp 3 nạn nhân của rượu có methanol được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, 2 người trong số đó đã tử vong (một người tử vong trước viện) vì hàm lượng methanol trong máu quá cao.

Người còn lại, các bác sĩ đang nỗ lực cứu cũng trong tình trạng ”ngàn cân treo sợi tóc” vì tổn thương não nặng, hôn mê sâu. Trước đó, đã có nhiều trường hợp mất mạng chỉ vì ngộ độc rượu có methanol…

Chén rượu đoạt mạng

Chia sẻ thông tin với các phóng viên, ThS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngày 7/9, Trung tâm tiếp nhận một nữ bệnh nhân sinh năm 1974 đến từ Quận Thanh Xuân- Hà Nội.

Tuy nhiên, các bác sĩ không thể làm gì được bởi nữ bệnh nhân đã ngừng tim, tử vong trước khi vào viện.

Lại thêm các nạn nhân tử vong vì rượu có methanol: Cảnh báo từ bệnh viện - Ảnh 1.

Hình ảnh phim chụp não của bệnh nhân bị ngộ độc methanol nặng

“Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu của nữ bệnh nhân này lên tới 135,9 mg/dL, không thấy ethanol”- BS Nguyên cho biết

Khai thác bệnh sử, gia đình bệnh nhân cho biết, bệnh nhân rất hay uống rượu. Trước ngày tử vong, bệnh nhân có mua rượu uống tại một bách hoá gần nhà.

Cũng trong ngày 7/9, một bệnh nhân nam 49 tuổi ở Hải Dương cũng được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng, huyết áp tụt. Nồng độ methanol trong máu là 132,6 mg/dL. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, ngày 4/9, một bệnh nhân khác ở Hà Nội cũng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng. Dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị, tuy nhiên, sau một ngày, bệnh nhân cũng tử vong.

Cách đó gần một tuần, vào cuối tháng 8/2017, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc methanol rất nặng. Bệnh nhân là anh Lê Văn T, sinh năm 1954, ở Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc Thanh Hóa. Được biết, do nghiện rượu nên anh T. mua cồn ở hiệu thuốc về uống thay rượu.

Đó là cồn sát trùng loại 500 ml. Khi bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, dấu hiệu nhiễm toan nặng, rất điển hình của ngộ độc methanol.

“Kết quả chụp phim cho thấy não của bệnh nhân bị phù, căng cả 2 bên. Dấu hiệu gợi ý nhu mô não tổn thương nặng và lan rộng cả 2 bên. Nồng độ methanol trong máu là 210 mg/dL (gấp nhiều lần so với nồng độ gây tử vong, khoảng 40 – 50 mg/dL đã là rất nặng).

Bệnh nhân đã được cấp cứu, hồi sức, lọc máu thải độc, dùng các thuốc giải độc nhưng do đến muộn và não tổn thương quá nặng, tử vong cận kề nên gia đình xin về để mất tại nhà”- BS Nguyên kể lại.

Người dân vẫn coi thường mạng sống của mình

ThS Nguyễn Trung Nguyên, cho biết, ngoài những đợt cao điểm (mùa đông, cuối năm, lễ tết…) Trung tâm vẫn ghi nhận rải rác các ca ngộ độc rượu methanol. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu có hàm lượng methanol đã lên đến 48 ca- bằng số bệnh nhân của cả năm 2016

Bệnh nhân không chỉ ở Hà Nội mà ở các tỉnh khác như: Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên… Số lượng bệnh nhân thực tế có thể nhiều hơn, vì xét nghiệm xác định methanol không phải nơi nào cũng làm được.

Tỷ lệ tử vong cao, lên đến 20-30%. Những trường hợp cứu được cũng hết sức vất vả, tốn kém, đa phần đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt, tổn thương não…chi phí lên đến hàng trăm triệu.

Chi phí điều trị cho các ca ngộ độc rượu có hàm lượng methanol lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng nhiều bệnh nhân vì tổn thương quá nặng vẫn để lại các di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe

“Đặc biệt 5 ngày đầu tháng 9 này, Trung tâm liên tiếp 3 ca nặng vào viện, 2 người tử vong khiến chúng tôi thực sự đau lòng vì đã cảnh báo, tuyên truyền rất nhiều nhưng dường như người dân vẫn coi thường tính mạng của mình khi sẵn sàng uống rượu không đảm bảo, rồi mua cồn về pha với rượu để uống”- BS Nguyên nói.

Theo BS Nguyên, bản chất methanol là chất độc, được trà trộn vào rượu uống (rượu trắng). Người uống không hề biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn.

Hàng tiếng sau khi uống, thậm chí sau 2 ngày, người bệnh mới có biểu hiện mờ mắt, hôn mê, mệt mỏi; gia đình đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Nếu như biết ngộ độc methanol, bệnh nhân được đưa vào viện sớm, không đợi các dấu hiệu thì sẽ không có tổn thương não, di chứng mắt.

BS Nguyên cũng nhấn mạnh: Những tại nạn này đáng nhẽ hoàn toàn có thể tránh được, nếu quản lý tốt hoá chất methanol; thậm chí chỉ cần cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp thì sẽ không có chuyện pha methanol để làm rượu giả. Như thế sẽ ít xảy ra những câu chuyện thương tâm như thế này

Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…; khi đó thì tình trạng đã nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng ngộ độc rượu do cồn công nghiệp methanol vẫn chưa cải thiện và vẫn có chiều hướng tăng.

BS. Nguyên lo ngại nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp can thiệp cụ thể, nhiều khả năng trong mùa đông và xuân sắp tới, tình trạng ngộ độc và tử vong do cồn công nghiệp methanol ít nhất là không thay đổi, hoặc thậm chí có thể nặng nề hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại