Chăn hổ, nuôi hà mã
Vườn thú của Khu du lịch Đại Nam của đại gia Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") là vườn thú quý hiếm bậc nhất không chỉ ở Việt Nam. Với diện tích 12,5ha, vườn thú Đại Nam có khoảng 100 loài thú quý hiếm từ hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc…
Thậm chí, thú quý khỉ sóc giống Nam Mỹ, ngựa vằn và hà mã sinh nở tại đây như ở thiên nhiên hoang dã. Một số loài sinh nở thành công như voọc bạc, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh trưởng v.v…
Cặp hà mã tại khu du lịch này được mua từ Israel, mỗi con có giá hơn 17 ngàn euro (chưa tính tiền vận chuyển). Sau hơn 3 năm nuôi thuần dưỡng theo mô hình bán hoang dã trong diện tích 200m2, trong đó có 50% mặt nước tại Khu du lịch Đại Nam, hà mã sinh trưởng tốt.
Tiền tỷ nuôi chim
Ngoài thú chơi chim "biến đổi gen" được cho là của một đại gia Hà thành với giá trị con chim tương đương chiếc xe ô tô gây bán tín bán nghi khi chủ nhân tuyên bố trên một trang tin là "có người sẵn sàng trả giá con chim lên đến 10.300 USD để sang tay nhưng chủ nhân nhất quyết không bán".
Giới nuôi chim cảnh ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh hầu như ai cũng biết ông Bùi Duy Đạt ở phường Quảng Yên với gia tài 350 lồng chim với gần 400 con chim đủ loại như: Sơn ca, chích choè, chào mào, cu gáy, vành khuyên…(theo báo Quảng Ninh). Chỉ riêng những cái lồng chim cũng ngốn khoản tiền không hề nhỏ.
Ông bảo: “Lồng chim sơn ca trung bình là 5 triệu đồng/lồng, có cái chục triệu”.
Toàn bộ “gia tài” chim cảnh của ông Đạt nhẩm qua cũng hơn 1 tỷ đồng.
Chỉ riêng tiền thức ăn cho chim lẫn thuê người quét dọn và cho chim ăn hàng ngày cũng ngốn đi của ông hơn 200 triệu đồng/năm. Vì chỉ tính sơ qua mỗi con chim ăn 1.500 đồng/ngày, thì gần 400 con chim cũng đã hết khoảng 600.000 đồng/ngày.
Ông Đạt cười xoà: “Mỗi người một thú vui, người ta bỏ ra hàng tỷ đồng để mua xe hơi cũng chỉ là để chơi, vậy cớ sao tôi lại không bỏ ra tiền tỷ để chơi chim. Anh chơi xe hơi suốt ngày rông trên đường hay bị vợ con cằn nhằn, còn người nuôi chim thì hạnh phúc gia đình lúc nào cũng “OK”, vì ở nhà cả ngày, vợ dễ quản lý".
Bỏ nhiều tiền nuôi chim như vậy, nhưng cái ông Đạt có được chỉ là hàng ngày ngồi uống chè, hay nhâm nhi ly cà phê rồi ngồi nghe chim hót. Thỉnh thoảng cũng có người đến mua chim cảnh, nhưng ông cũng chỉ bán ít con để lấy tiền trang trải thức ăn cho chim, còn thì ông muốn giữ lại cả để thoả thú vui “dưỡng chí”.
Cá hải tượng: 15,5 tỷ đồng/con chưa bán
Đi tiên phong cho xu hướng mới này có lẽ là ông Ninh, 75 tuổi, ngụ thị trấn Tân Châu (huyện Tân Châu, Tây Ninh). Hiện nay, ông Ninh đang nuôi 12 con cá hải tượng, trung bình mỗi con nặng khoảng 100kg. Báo Tây Ninh thông tin.
Ông Ninh cho biết: “Tôi mua chúng (cá hải tượng) ở nước ngoài, nuôi đã được 5 năm. Hồi mua chúng mới chỉ bằng ngón tay cái, giá mỗi con 1,5 triệu đồng. Hiện nay, 5 con lớn đã nặng khoảng 120kg, 7 con nhỏ khoảng 80kg. Đã có người hỏi mua cả đàn cá với giá 1,5 tỷ đồng/con nhưng tôi chưa muốn bán”.
Mốt chơi cá xăm mình
Cá xăm mình được du nhập về Việt Nam được gần 2 năm với giá bán mỗi con cá nhỏ xíu có thể lên tới hơn 1 triệu đồng/con, tùy vào loại cá, kích thước và hình xăm. Người chơi Việt chỉ thích cá xăm hình ca rô, hình chấm bi hoặc hình ảnh dễ thương như trái tim, bông hoa, chứ không thích cá in hình lộc, tài.
Người kinh doanh cá xăm mình cho biết, nếu cá chỉ in hình chấm bi, ca rô trên thân thì có giá rẻ nhất, chỉ khoảng 500.000 đồng/ con. Nếu cá in hình hoa, hình trái tim hay chữ viết thì đắt hơn, từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/con. Trong khi đó, một con cá hồng két hay cá vẹt nhỏ bình thường chỉ có giá từ 50.000 đồng đến hơn 250.000 đồng/con.
Theo một người bán cá cảnh, không phải khách hàng muốn xăm hình gì cũng được, vì cá chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc. "Muốn cá lên màu cũng có cách khác là cho ăn thuốc tạo màu. Cách này được biết đến ở Việt Nam lâu rồi, nhưng vì giá rất đắt, khoảng gần 1 triệu đồng/gram, màu sắc lại tùy theo khả năng hấp thụ của con cá nên ít người thử".
Chơi hàm cá mập
Đa phần ngư dân cho biết, vùng Biển Đông có nhiều loài cá mập, nhưng loài được ưa chuộng nhất chính là mập trắng bởi bộ hàm của nó to lớn và bén như dao cạo. Khi câu được cá mập, ngư dân không quên lóc nguyên bộ hàm sắc lẹm của nó để bán cho mối lái với giá từ dăm bảy trăm nghìn đến hơn chục triệu đồng một bộ tùy lớn nhỏ.
Thú chơi hàm cá mập không rầm rộ như chơi nanh vuốt các loài mãnh thú chốn rừng xanh mấy năm trước, nhưng quá trình săn lùng "nanh - hàm ác ngư" không kém phần khốc liệt.
Ông Xuân, một dân chơi chuyên sưu tầm hàm cá mập, ở TP.HCM, bày tỏ lý do săn hàm cá mập: "Nếu trên rừng cọp, gấu... là mãnh thú thì dưới đại dương, cá mập trắng là trùm, là chúa tể. Người ta chơi hàm cá mập trắng đa phần chẳng mang nặng chuyện tâm linh như nanh vuốt mãnh thú, chỉ đơn giản vì nó lạ, chẳng giống ai. Mà như thế mới tạo nên dấu ấn, đẳng cấp".