Dự án "đắp chiếu", chủ đầu tư đổ tội cho ngân hàng

Phương Quế |

(Soha.vn) - Theo PTGĐ Trần Hữu Nam: Dự án N03T1 chậm bàn giao không hẳn do phía nhà đầu tư mà còn là do nhiều ngân hàng “làm khó” trong quá trình cho vay vốn.

Tòa N03T1 dự án Khu Ngoại giao Đoàn (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) do công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp – đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư, đến nay mới chỉ thi công xong tầng 1, trong khi, theo hợp đồng đã ký với khách hàng, thời gian bàn giao nhà phải thực hiện trước ngày 31/12/2013.

Trước băn khoăn của cư dân mua nhà N03T1 về thời gian hoàn thành của dự án cũng như phương án bồi thường sau khi chủ đầu tư chậm tiến độ, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Trần Đức Nam - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp về vấn đề này.

Dự án chậm tiến độ do khó vay vốn

Thưa ông, trong hợp đồng ấn định hạn bàn giao nhà trước ngày 31.12.2013, tại Khoản 3, Điều 7 cũng nêu rõ sau 90 ngày không bàn giao nhà, chủ đầu tư sẽ phải thanh toán cho khách hàng tiền lãi suất ngân hàng theo thời điểm hiện tại. Hiện nay, khi công ty đã chậm bàn giao nhà, chủ đầu tư sẽ thực hiện điều khoản này ra sao?

Ông Trần Hữu Nam: Trong hợp đồng cũng có một điều khoản ghi rõ: Với những nguyên nhân bất khả kháng, 2 bên có thể trao đổi, thỏa thuận với nhau để xem xét.

Nguyên nhân chúng tôi bàn giao nhà chậm không phải hoàn toàn do chủ đầu tư. Tôi phải khẳng định như thế bởi có những nguyên nhân khách quan quyết định, do điều hành vĩ mô của Nhà nước, nền kinh tế suy thoái, vốn từ phía Ngân hàng...

Còn nếu hoàn toàn do nguyên nhân từ phía công ty thì tôi phải chịu trách nhiệm. Như năm 2007, khi chúng tôi ký hợp đồng trọn gói với các doanh nghiệp nhưng do sự biến động về giá tăng trên 30%, Nhà nước có ra Thông tư 03 và 09, khi ấy hợp đồng trọn gói chuyển thành hợp đồng điều chỉnh giá. Hợp đồng khách hàng của chúng tôi hiện nay cũng nằm trong diễn biến tương tự. Chứ không phải chúng tôi chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng.

Về phía công ty, chúng tôi cũng sẽ xem xét cụ thể với từng khách hàng trước khi dự án được tái khởi động lại, trên nguyên tắc xem xét nghiêm túc quyền lợi của từng khách hàng, đồng thời nằm trong quan hệ chung với quyền lợi của công ty.

Dự án chậm tiến độ, tại sao công ty Xây lắp không chủ động thông báo cho khách hàng, mãi đến khi khách hàng định “kiện” mới lên tiếng?

Ông Trần Hữu Nam: Không phải chúng tôi không có thông báo với khách hàng. Khi có vấn đề khó khăn xảy ra, chủ đầu tư luôn luôn nỗ lực để lo tháo gỡ nguyên nhân gây tiến độ bị chậm - Đó là nguồn vốn. Chúng tôi cũng đã làm rất nhiều động thái để vay vốn, tưởng là “xong đến nơi rồi” nhưng cuối cùng lại kéo dài rất lâu.

Tôi ví dụ như Ngân hàng Quân đội MB, chúng tôi đã mời MB đến công ty để thuyết trình phương án vay, đã thống nhất xong nhưng hàng tháng sau, ngân hàng mới trả lời. Hay ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thanh Xuân, cũng đã đi khảo sát và đã hứa cho vay. Tuy nhiên, do thời gian trả lời kéo dài, để ký được một hợp đồng cung cấp tín dụng không phải ngày một ngày hai mà xong được, điều đó đã làm chúng tôi ảnh hưởng.

Nếu chúng tôi trả lời văn bản ngay cho khách hàng thì đó là câu chuyện nói dối quanh, theo kiểu nay hứa nhưng mai lại không giải quyết được. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn giải pháp giải quyết trực tiếp với khách hàng có nhu cầu cụ thể, chứ không phải chúng tôi vô trách nhiệm.

“Chúng tôi không muốn bỏ cuộc vì thất thoát lớn”

 	Ông Trần Đức Nam - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây

Ông Trần Đức Nam - Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây

Ông nói rằng: Việc thiếu vốn dẫn đến chậm tiến độ là do công ty vay ngân hàng khó khăn, điều này khiến nhiều khách hàng đặt dấu chấm hỏi về năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu kém. Ông giải thích thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Hữu Nam: Vay được hay không vay được đó không phải vấn đề về năng lực. Bởi gói tín dụng 29 nghìn tỷ mà Nhà nước công bố nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản nhưng sau đó lại đưa ra điều kiện phải thanh toán quốc tế, rồi những dự án thương mại chuyển sang thành nhà ở xã hội…Cho nên, câu chuyện giải quyết tín dụng ở đây không phải phụ thuộc vào năng lực.

Thời gian đầu, chúng tôi làm rất nhanh, bỏ ra mấy chục tỷ đồng để thi công. Chúng tôi phải mua máy cẩu, khoảng 3.000 giáo và cốp-pha,… Không thi công suốt một năm rưỡi nay, tính ra tốn kém rất nhiều tiền.

Chúng tôi vay cũng phải trả lãi, cho nên, trên thực tế, việc triển khai được dự án không phải dễ.

Chẳng ai muốn đầu tư vào dự án rồi bỏ cuộc. Nếu công ty tôi bỏ cuộc thì thất thoát rất nhiều. Thứ nhất là mất uy tín, thương hiệu của công ty trong thời gian vừa qua, thứ hai cả về mặt kinh tế mà công ty đã bỏ ra.

Tiếp tục thực hiện dự án, công ty cam kết đến 2016 mới bàn giao nhà, vậy người mua nhà có thể tin tưởng vào lời hứa đó không, thưa ông?

Ông Trần Hữu Nam: Tin hay không tin tùy thuộc khách hàng, chúng tôi không thể nói với khách hàng chi tiết từng điểm một. Với việc mà chúng tôi đang chuẩn bị chúng tôi sẽ làm được việc đó. Chúng tôi cũng sẽ lường trước những câu chuyện khó khăn nhất có thể xảy ra.

Ví dụ, có những khách hàng muốn thanh lý hợp đồng, chúng tôi cũng phải tính đến phương án đó.

Để có thể tin tưởng chủ đầu tư hơn, nhiều khách hàng mong muốn công ty có thể minh bạch hóa thông tin như số tiền khách hàng đã đóng, tổng hạng mục đã thi công, số tiền đã thu của khách hàng chi vào mục đích nào…Công ty có thể thực hiện điều đó không?

Ông Trần Hữu Nam: Chúng tôi không có trách nhiệm cung cấp thông tin với khách hàng, tin hay không là do khách hàng. Không thể có chuyện khách hàng đòi hỏi là chúng tôi phải cung cấp. Tôi chỉ có thể khẳng định: 100% tiền vốn là chúng tôi đã bỏ vào dự án.

Trong văn bản vào ngày 26/11/2013 tới, chúng tôi sẽ trả lời rõ ràng cho từng khách hàng.

Câu hỏi cuối, thưa ông, cho tới hiện nay, công ty Xây lắp đã bán được bao nhiêu căn hộ của tòa N03T1 khu Ngoại giao Đoàn do công ty ông làm chủ đầu tư?

Ông Trần Hữu Nam: Chúng tôi đã bán được quá nửa.

Trân trọng cảm ơn ông về buổi phỏng vấn này!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại