DN xăng dầu đang lãi "khủng": Tăng giật cục, giảm rùa bò

Hồng Anh |

Doanh nghiệp xăng dầu đang không sòng phẳng với NTD khi lãi gần 1.300 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu, thay vì chỉ hưởng mức lãi định mức 300 đồng.

Phiên giao dịch gần nhất, ngày 17/12, giá xăng RON92 còn 64,79 USD/thùng; Dầu hỏa là 74,08 USD/thùng

Các mức này đều giảm rất mạnh, hàng chục đô la/thùng so với giá ngày 5/12.

Tuy nhiên giá bán lẻ xăng dầu hiện nay vẫn được giữ nguyên như mốc điều chỉnh cách đây 13 ngày.

Thông tin công bố trên website của Bộ Công thương

Giá quốc tế giảm gần 10USD/thùng so với 12 ngày trước. Thông tin công bố trên website của Bộ Công thương

 

Như vậy với cách tính của liên Bộ Tài chính - Công thương, có thể nhẩm tính, mức giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.300 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu.

Đây là khoản lời ngoài khoản lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp (300 đồng/lít) đã được tính sẵn trong giá bán xăng.

Với khối lượng khổng lồ xăng dầu được bán ra như hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp xăng dầu đang đút túi từ 40 - 45 tỷ đồng nhờ chênh lệch giá.

Lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu theo quy định là 300đ/lít xăng

Lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu theo quy định là 300 đồng/lít xăng

Trong Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn cho Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định:

Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày (trường hợp tăng giá), tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm giá.

Thông tư cũng quy định tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu thực hiện công bố giá cơ sở (để doanh nghiệp xăng dầu đầu mối theo đó điều chỉnh giá bán lẻ) bình quân 15 ngày mới phát thông tin một lần.

Như vậy các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã bám trụ vào quy định chuẩn “tối đa” này để kéo dài thời gian, "rút ruột" người tiêu dùng nhờ chênh lệch giá xăng dầu trong 13 ngày qua.

Bất chấp việc nghị định 83 cũng quy định rằng:

“Khi các yếu tố cấu thành biến động theo chiều hướng giảm, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng... không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần và số lần giảm giá.”

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, khó mà trông chờ sự điều chỉnh “không hạn chế mức giảm, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần và số lần giảm giá” như nghị định.

“Hơn nữa, cũng không thể bắt lỗi doanh nghiệp được, cho dù mình cảm thấy họ chơi không đẹp.

Bởi vì theo quy định của nhà nước, doanh nghiệp đầu mối vẫn bị bắt buộc phải dự trữ đủ xăng dầu trong vòng 15 ngày.

Vì vậy, họ có thể vin vào lý do rằng số xăng dầu đang bán là số xăng dầu đã được mua vào từ 15 ngày trước với mức giá cao, do đó bây giờ phải được bán ra với giá cao.

Nếu tách bạch được những vấn đề này ra thì có thể để thị trường điều chỉnh giá giảm một cách linh hoạt.

Tuy nhiên, khi Nhà nước đã buộc doanh nghiệp thực hiện  “nhiệm vụ chính trị” này, đồng nghĩa với việc họ sẽ vin vào cớ đó để có cớ trì hoãn giảm giá.

Giới chuyên gia kinh tế đã từng lên tiếng đề nghị đưa ra quy định sát thực tế hơn nhưng chưa thấy cơ quan quản lý có chuyển biến”, TS Phong cho hay.

Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế khác chỉ bình luận ngắn gọn: “Đây là điều tất yếu. Các doanh nghiệp bao giờ cũng nghĩ đến việc làm đầy túi tiền của mình trước đã, quyền của người tiêu dùng chỉ là thứ yếu.

Thế nên nếu giá thế giới tăng, họ sẽ nhanh chóng kêu lỗ, sau đó sẽ tăng giá tốc độ tên lửa khiến dân không kịp trở tay.

Còn nếu giá thế giới giảm, họ sẽ lẳng lặng chờ đủ số ngày theo quy định tối đa rồi mới giảm một cách từ từ”

"Một khi thị trường vẫn còn các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường được định giá, việc tăng nhanh, giảm chậm giá vẫn sẽ diễn ra" - vị chuyên gia này nhận định,

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại