Bữa ăn hàng ngày vô cùng quan trọng bởi nó là nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại ngày càng bận rộn và hối hả đã khiến không ít người vô tình mắc phải những thói quen ăn uống sai lầm, gây hại tới sức khỏe của bản thân.
Trong đó, thường gặp nhất là thói quen ăn nhanh, nuốt vội, tranh thủ ăn khi đang làm việc hoặc vừa xem điện thoại, máy tính vừa ăn cơm…
Có nhiều người ăn nhanh tới mức chỉ mất 10 - 15 phút để ăn xong một bữa cơm. Điều này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Ăn nhanh nuốt vội, “làm tội” cơ thể
1. Béo phì
Thói quen ăn nhanh có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì. Việc nhai ít hơn và ăn nhanh hơn khiến cơ thể tiêu thụ nhiều thức ăn và calo trong một khoảng thời gian ngắn.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do não bộ mất khoảng 20 phút để nhận tín hiệu “no” từ dạ dày, từ đó giúp bạn hạn chế nạp năng lượng dư thừa vào cơ thể. Tuy nhiên, thói quen ăn quá nhanh khiến bạn nạp thêm lượng calo vào cơ thể trước khi não bộ có cơ hội báo hiệu rằng bạn không cần nạp thêm thức ăn nữa.
Một đánh giá dựa trên 23 nghiên cứu được công bố trên Pubmed (một cơ sở dữ liệu về các nghiên cứu y học) về béo phì cho thấy, thói quen ăn nhanh tác động đến chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) và khiến trọng lượng cơ thể tăng lên nhanh chóng.
Một nghiên cứu do Bệnh viện trực thuộc Trường Y Đại học Chiết Giang trên 644 tình nguyện viên tham gia cho thấy, những người ăn nhanh thường có chỉ số khối cơ thể, vòng eo và lượng mỡ nội tạng lớn hơn những người nhai chậm. Ngoài ra, những người ăn nhanh tăng 66% nguy cơ béo bụng và tăng 65% nguy cơ béo phì.
Ảnh minh họa: Thói quen ăn nhanh có liên quan trực tiếp đến việc tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì.
2. Hội chứng chuyển hóa
Một nghiên cứu được công bố bởi Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy thói quen ăn nhanh, ăn vội vàng có thể gây ra hội chứng chuyển hóa, kéo theo đó là những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tim mạch.
Tiến sĩ Takayuki Yamaji, bác sĩ Tim mạch tại Đại học Hiroshima, Nhật Bản - tác giả chính của nghiên cứu trên đã kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe cho 1.083 người tham gia (trung bình trên 51 tuổi), trong đó có 642 người là nam giới trong vòng 5 năm. Khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu những người tham gia không có dấu hiệu mắc hội chứng chuyển hóa.
Nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa tốc độ ăn và tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa (bao gồm các yếu tố như cao huyết áp, tăng đường huyết, Triglyceride tăng, Cholesterol HDL thấp, số đo vòng eo tăng) - yếu tố nguy cơ gây ra các loại bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2,...
Trong vòng 5 năm, tiến sĩ Yamaji và các đồng nghiệp đã theo dõi những người tham gia nghiên cứu bằng cách sử dụng bảng câu hỏi để họ cung cấp thông tin về lối sống, thói quen ăn uống, hoạt động thể chất và tiền sử bệnh.
Những người tham gia cũng được chia thành ba nhóm dựa theo tốc độ ăn của họ: nhóm những người ăn chậm, những người ăn bình thường và nhóm những người ăn nhanh.
Kết quả cho thấy nhóm ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn. Trong thời gian 5 năm theo dõi, có 84 người đã mắc hội chứng chuyển hóa. Những người ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gần gấp đôi so với những người ăn uống bình thường.
Cụ thể, những người ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn (11,6%), nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa ở những người ăn bình thường là 6,5%. Trong khi đó, những người ăn chậm chỉ có 2,3% nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa.
Ảnh minh họa: Những người ăn nhanh có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gần gấp đôi so với những người ăn uống bình thường.
3. Ảnh hưởng hệ tiêu hoá
Ăn quá nhanh khiến cho thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát, đồng thời việc hấp thụ một lượng lớn thức ăn vào người trong một thời gian ngắn sẽ khiến thức ăn tích tụ ở trong dạ dày, từ đó gây áp lực lên thành dạ dày, khiến thành dạ dày phải co bóp liên tục để tiêu hóa một lượng lớn thức ăn, làm giảm chức năng của dạ dày.
Ngoài ra, việc ăn quá nhanh cũng có hại cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, lâu dần có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trên hơn 10.000 bệnh nhân đã thực hiện kiểm tra sức khỏe và nội soi đường tiêu hóa. Các bác sĩ phát hiện ra những bệnh nhân có thói quen ăn nhanh xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm dạ dày.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, ăn quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, nóng ruột,...
Ảnh minh họa: Ăn quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hóa như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, nóng ruột,...
Xây dựng thói quen ăn chậm nhai kỹ
Ăn chậm hơn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mỗi bữa ăn nên kéo dài ít nhất 20 phút bởi đây là khoảng thời gian đủ để cơ thể gửi tín hiệu “no” đến não bộ, giúp bạn hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
Ngoài ra, mọi người nên chú ý:
- Tránh để cơ thể rơi vào trạng thái quá đói: Tình trạng đói quá mức có thể khiến bạn ăn nhanh hơn và ăn nhiều hơn.
- Uống nước: Việc uống nước trong suốt bữa ăn sẽ giúp bạn cảm thấy no và khuyến khích bạn ăn chậm lại.
- Nhai kỹ hơn: Nhai thức ăn thường xuyên hơn trước khi nuốt. Bạn có thể đếm số lần nhai.
- Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau quả thường khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để nhai nuốt. Đặc biệt, những thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp cơ thể có cảm giác no, từ đó hạn chế được lượng calo nạp vào cơ thể.
- Hãy cắn từng miếng nhỏ: Cắn miếng nhỏ hơn có thể giúp bạn giảm tốc độ ăn và kéo dài thời gian ăn uống.
Nguồn: Healthline, Livestrong, Cleaneatingmag, Medical News Today