Mấy hôm nay, một số trang báo và cộng đồng mạng đồng loạt loan tin kèm nỗi hoang mang về những ca bệnh bị hoại tử xương hàm ở người đã từng mắc COVID-19.
Với số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam trong 2 năm qua là hơn 10,6 triệu người, khi nghe thông tin mới về biến chứng hoại tử xương hàm, một số độc giả có tâm trạng lo lắng cũng là điều dễ hiểu.
Hoại tử xương hàm là gì?
Hoại tử xương hàm là một tình trạng không phổ biến nhưng có thể trở nên nghiêm trọng vì mô xương không nhận được máu và bắt đầu chết. Trong tình huống này, xương hàm lâu lành, khó lành và có thể bị mất một phần vĩnh viễn.
Hoại tử xương hàm thường xảy ra sau một thủ thuật nha khoa xâm lấn như nhổ răng. Hoại tử xương hàm cũng có thể xảy ra ở những người bị nhiễm virus herpes zoster, ở những bệnh nhân đang xạ trị vùng đầu - cổ hoặc bị nhiễm trùng xương hay ở những người dùng liệu pháp steroid lâu ngày. Hoại tử xương hàm cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân đang dùng một số loại thuốc như thuốc bisphosphonates trong điều trị loãng xương hoặc thuốc hỗ trợ giảm đau, phòng gãy xương ở bệnh nhân ung thư có di căn xương.
Ảnh minh hoạ: Hoại tử xương hàm là một tình trạng không phổ biến nhưng có thể trở nên nghiêm trọng vì mô xương không nhận được máu và bắt đầu chết.
Hoại tử xương hàm ở những bệnh nhân bị COVID-19 là một khái niệm mới. Khi tìm kiếm với tổ hợp 2 từ khóa này trên Pubmed, database phổ biến về công bố y khoa, kết quả cho ra 7 bài báo từ năm 2021 đến nay về vấn đề này với một số ca bệnh rải rác ở Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác.
Tôi nghĩ rằng người đã từng mắc COVID-19 KHÔNG NÊN QUÁ LO LẮNG về biến chứng này vì các lý do sau:
1. Số ca mắc quá ít, tức là RẤT HIẾM
Tại Việt Nam, cho đến nay đã ghi nhận 11 ca NHƯNG nếu tính trên tổng số gần 11 triệu ca nhiễm COVID-19 thì xác suất "gặp hoại tử xương hàm" chắc còn nhỏ hơn nhiều so với khả năng gặp tai nạn xe cộ hàng ngày.
Dù tính trên những bệnh nhân COVID-19 đã được chẩn đoán - điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì xác suất này vẫn còn rất nhỏ. Chúng ta vẫn phải ra đường đi làm dù có nguy cơ gặp tai nạn xe cộ, nên tôi nghĩ rằng không việc gì phải ngồi lo cho một hiện tượng hiếm như vậy.
2. Quan hệ nhân quả với COVID-19 không rõ ràng
Dù các báo cáo mô tả tình trạng hoại tử xương hàm xảy ra sau khi mắc COVID-19, nhưng hiện vẫn chưa đủ bằng chứng để khẳng định giữa COVID-19 và hoại tử xương hàm có sự liên quan hay quan hệ nhân quả.
Trong khi giả thuyết hoại tử vô mạch xảy ra do sự hình thành huyết khối vi mạch, một biến chứng có thể xảy ra khi mắc COVID-19, đang được nhiều người sử dụng để giải thích, nhiều nhà khoa học nói rằng vẫn chưa thể loại trừ sự đóng góp hay ảnh hưởng của các yếu tố khác như:
a. Quá trình điều trị: Bệnh nhân có thể đã dùng thuốc Corticoid/Steroids dài ngày hoặc liều cao.
b. Nhiễm trùng đi kèm: Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm đồng thời do rối loạn miễn dịch hoặc vệ sinh răng miệng kém.
c. Bệnh đi kèm: Bệnh nhân có thể bị các bệnh như tiểu đường, nha chu, sâu răng... từ trước, hoặc ở tình trạng tiềm ẩn, chưa được chẩn đoán.
Như vậy, có thể nói rằng người đã mắc COVID-19 không cần phải quá lo lắng về hoại tử xương hàm.
Các hiệp hội Y khoa trên thế giới KHÔNG KHUYẾN KHÍCH việc "tầm soát" hoại tử xương hàm khi không hề có triệu chứng nghi ngờ như đau dai dẳng, sưng miệng, khó nhai, nhiễm trùng nướu răng, răng lung lay hoặc mất răng. Việc tầm soát bằng chụp MRI hoặc CT để xem "xương sọ, xương hàm có sao không" thường là vô ích, tốn kém.
Nếu quý độc giả có các lo lắng về sức khoẻ, việc đầu tiên là đi gặp bác sĩ để được hỏi bệnh và thăm khám kỹ lưỡng; bác sĩ sẽ đề nghị chụp chiếu khi cần.
Ảnh minh hoạ: Chỉ đi khám khi có triệu chứng nghi ngờ như đau dai dẳng, sưng miệng, khó nhai, nhiễm trùng nướu răng, răng lung lay hoặc mất răng.
Thay vào đó, mọi người nên đi khám nha khoa định kỳ để phát hiện sớm sâu răng hoặc bệnh nha chu để được chăm sóc và điều trị phù hợp.
Đối với tiểu đường, vì đây là căn bệnh ngày càng phổ biến, nguy hiểm nhưng thường bị phát hiện muộn, các hiệp hội khuyến khích tầm soát ở những người trên 45 tuổi, những người thừa cân hay béo phì (có chỉ số khối cơ thể BMI > 25 kg/m2).
Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người bớt hoang mang về hoại tử xương hàm sau COVID-19 nhưng quan tâm hơn tới sức khoẻ răng miệng và lên lịch đi tầm soát quản lý sớm bệnh tiểu đường.