Ảnh: Simon Jarratt/Corbis / VCG / Getty Images
Khi nhận tin xấu về ung thư, đa số bệnh nhân đều có tâm lý hoảng loạn, lo lắng. Có nhiều người giận dữ, phủ nhận. Cũng có những người tự chất vấn bản thân, nuối tiếc về khoảng thời gian đã qua với những thói quen "không mấy lành mạnh" của mình.
Các cảm xúc này là những phản ứng hoàn toàn bình thường của con người khi đối diện với tin quá chấn động. Trong những lúc như vậy, bạn không cần phải tỏ ra mạnh mẽ, bình tĩnh hoặc cố gắng quá mức. Mất vài ngày nằm suốt trên giường, không trò chuyện với ai cũng chẳng có sao. Mắc ung thư không phải là lỗi của bạn hay của ai khác.
Tuy nhiên, ung thư là không thể lường trước và các nguyên nhân của ung thư vẫn còn là điều khó có thể khẳng định chắc chắn được.
Nếu các cảm xúc này kéo dài sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khoẻ tinh thần cũng như thể chất của bạn. Điều này có thể vô tình làm tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.
Một bệnh nhân ung thư ở TP HCM trang trí góc nhà bằng những bức tranh tự vẽ. Hãy nâng đỡ tinh thần cho bản thân bằng tất cả các cách mà bạn biết. Nguồn: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.
Chăm sóc tinh thần - không thể thiếu trong điều trị ung thư
Tinh thần và thể xác là một khối thống nhất. Khi sự đau khổ kéo dài quá lâu, cả thể xác lẫn tinh thần đều bị ảnh hưởng. Bệnh nhân ung thư cần được chăm sóc tinh thần càng sớm càng tốt.
Các bác sĩ chuyên khoa ung thư đều thú nhận một điều đáng tiếc là điều trị ung thư từ trước tới nay thường ưu tiên điều trị thể chất mà ít chú trọng nhiều vào chăm sóc tinh thần. Tuy nhiên, nhờ phản ánh của nhiều bệnh nhân, nhân viên y tế đã dần nhận ra vai trò của chăm sóc tinh thần trong bất kỳ tình huống, giai đoạn nào của bệnh.
Điều trị tinh thần bao gồm việc lắng nghe và tư vấn, sử dụng thuốc thích hợp và hướng dẫn nhiều phương pháp thư giãn tinh thần. Nhiều nghiên cứu đã nói rằng chăm sóc tinh thần góp phần giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều bệnh nhân.
Tại Việt Nam, chăm sóc hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân ung thư vẫn còn khó khăn vì thiếu mạng lưới hỗ trợ chuyên nghiệp và liên kết đa ngành. Tuy nhiên, bệnh nhân đừng nản lòng, mà hãy đi tìm tư vấn. Mọi thay đổi sẽ bắt đầu khi chúng ta tìm kiếm trợ giúp từ xung quanh.
Sau khi đã xác định mình mắc ung thư, điều quan trọng nhất là đưa ra các quyết định điều trị. Bạn không cần phải vội vàng, hãy tự nhủ rằng đây là một thời kỳ đặc biệt, tâm trí của bản thân mình không được ổn định. Vì thế, hãy hỏi thêm người thân (bạn bè, bác sĩ, các nhóm hỗ trợ bệnh nhân uy tín…) trước khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Khi có kế hoạch điều trị rõ ràng hơn, có nhiều thông tin hơn, bạn sẽ có thể thích ứng với thực trạng và bình tĩnh phối hợp điều trị.
Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, bác sĩ và cả những người đồng bệnh. Ảnh minh hoạ.
Thu thập thông tin cần thiết
Thông thường, từ khi nhận chẩn đoán ung thư tới khi bắt đầu điều trị, người bệnh phải trải qua thêm vài lần xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh, thậm chí phải nhập viện để khảo sát kỹ lưỡng hơn tình trạng bệnh.
Nhiều bệnh nhân nôn nóng hỏi tại sao không được chữa trị ngay. Điều trị ung thư là một quá trình phức tạp và bác sĩ cần thận trọng "cá nhân hóa" chương trình điều trị cho mỗi người bệnh của mình. Ung thư thường xuất hiện thầm lặng trong cơ thể 3-4 năm, có khi là từ 10 năm trước. Do đó, việc chờ thêm 2-4 tuần cũng không ảnh hưởng nhiều tới kết quả điều trị. Ngược lại, việc vội vã khởi động điều trị khi chưa rõ về căn bệnh và người bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.
Một mạng lưới đồng hành mọi mặt cùng với bạn khi gặp tình trạng khó khăn sẽ giúp nâng cao tinh thần cho bạn. Nguồn: Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.
Vì thế, trong thời gian lên kế hoạch điều trị, bạn hãy thu thập thông tin về bệnh trạng của mình và tìm hiểu cách chăm sóc và điều trị "tiêu chuẩn" trong tình huống đó. Việc chuẩn bị tốt về mặt thông tin thường giúp người bệnh sẵn sàng và tự tin hơn khi bắt đầu điều trị.
Tuy nhiên, cũng có người cần nhiều thời gian hơn để chấp nhận sự thật về căn bệnh. Khi đó, hãy nhờ người thân và bạn bè thu thập và quản lý thông tin. Việc lên nhóm Facebook Hỗ trợ bệnh nhân ung thư của Y học cộng đồng để hỏi thăm kinh nghiệm cũng là một lựa chọn tốt.
Bệnh nhân nên có 1 bảng quản lý thông tin về bệnh của mình. Các thông tin này có thể bao gồm loại ung thư, giai đoạn bệnh, vị trí di căn (nếu có), ngày nhận chẩn đoán xác định bệnh, kết quả sinh thiết/giải phẫu (nếu có), nơi chẩn đoán bệnh, các bệnh đi kèm (nếu có), thuốc đang sử dụng, bệnh sử gia đình, điều trị bác sĩ đề nghị, nguyên nhân vì sao bệnh nhân chọn điều trị đó...
Thiết lập nhóm hỗ trợ
Khi điều trị bệnh ung thư, bạn như đang tham gia vào một cuộc chạy việt dã mà chính bạn là vận động viên, y bác sĩ là huấn luyện viên, còn người thân, bạn bè xung quanh là những người cổ vũ. Điều trị ung thư cũng có mục tiêu như trong việt dã, nhưng mục tiêu này sẽ có thể thay đổi theo thời gian và tình huống thực tế. Điều quan trọng ở đây là ai cũng sẽ cố gắng chạy càng xa càng tốt.
Điều trị ung thư thường tốn thời gian, có thể ảnh hưởng lên công việc và gia đình. Vì thế, một số bệnh nhân có thể phải tìm người thay thế tạm thời vai trò của mình tại nơi làm việc hoặc tại nhà. Việc này thường cần đối thoại và thời gian, nhưng nếu thu xếp xong xuôi thì người bệnh sẽ yên tâm hơn nhiều trước khi bắt đầu điều trị.
Chúng ta ai ai cũng phải sống dựa vào người khác. Con người có lúc này lúc kia và việc nhận hỗ trợ của người xung quanh, vào một thời điểm nhất định là điều rất tự nhiên. Vì thế, đừng ôm cục lo cho riêng mình mà hãy biết san sẻ để tìm cộng sự. Về lâu về dài, điều này có ích cho cả những người thân của bạn. Đây cũng là cách mà nhiều bệnh nhân và người thân của họ đã cùng vượt qua căn bệnh.
Đối với nhiều người, việc phải để ai đó làm thay công việc của mình có thể tạo nên cảm giác bất lực và hụt hẫng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều trị ung thư cần thể lực và tinh thần ổn định. Bạn hãy tập trung vào việc trước mắt là điều trị và nghỉ dưỡng để có kết quả tốt, sau đó, bạn có thể trở lại với những việc phù hợp với thể trạng của mình.