Kích hoạt "trái cấm" ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lôi kéo toàn bộ thành viên NATO "một mất một còn" với Nga?

Quốc Vinh |

Đã có những lo ngại về việc NATO có thể bị kéo vào cuộc xung đột ở Syria với Nga, nếu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt điều khoản phòng thủ chung của liên minh.

Các nước phương Tây đã đồng loạt lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía đông bắc Syria, tuy nhiên các nhà ngoại giao lo ngại chính NATO có thể bị kéo vào cuộc xung đột nếu Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt điều khoản phòng thủ của liên minh.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Bayerischer Rundfunk (Đức) hôm đầu tuần, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn nói rằng, nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tấn công, Ankara có thể viện dẫn Điều 5 của NATO để được hỗ trợ.

"Họ sẽ phải bước vào để giúp Thổ Nhĩ Kỳ", ông Asselborn nhấn mạnh các quốc gia thành viên NATO sẽ có trách nhiệm hỗ trợ quân sự cho Ankara một khi xung đột ở Syria bùng nổ.

Vậy điều này có khả năng xảy ra hay không?

Nội dung Điều 5

Khi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được phê chuẩn vào năm 1949, mục đích chính của các quốc gia thành viên là tạo ra một hiệp ước tương trợ nhằm chống lại cái gọi là "mối đe dọa" của quân đội Liên Xô ở châu Âu.

Điều 5 - nền tảng của hiệp ước - quy định rõ: Nếu một đồng minh NATO là mục tiêu của một cuộc tấn công vũ trang, thì mọi thành viên khác của liên minh sẽ đều coi đó là một cuộc tấn công vào chính họ và hành động nếu cần thiết để hỗ trợ quốc gia đó.

Sự hỗ trợ mà họ cung cấp không chỉ là quân sự mà còn là các nỗ lực để "khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương".

Lần duy nhất điều khoản trên được kích hoạt là sau vụ tấn công khủng bố 11/9 trên đất Mỹ và dẫn đến các hoạt động đầu tiên của NATO bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể kích hoạt Điều 5?

"Kiểu đưa quân xâm nhập vào một quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ rất phổ biến ở một số quốc gia NATO và tôi không thấy tình huống nào mà Ankara có thể viện dẫn Điều 5", Asli Aytintasbas, nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu nói với Euronews.

Luigi Scazzieri, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Cải cách Châu Âu, đồng tình: "Thổ Nhĩ Kỳ có thể kích hoạt Điều 5 nhưng nó sẽ khó xảy ra trong trường hợp này, trừ khi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga hoặc Syria tấn công".

"Các quốc gia thành viên khác có thể sẽ không sẵn lòng cung cấp hỗ trợ, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công liên tục", ông nói thêm.

Ngoài ra, chuyên gia Aytintasbas cho rằng, việc kích hoạt điều ước phòng thủ của NATO sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực tiếp với Nga - quốc gia đang đứng về phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria và cung cấp hỗ trợ quân sự cho nước này.

Kích hoạt trái cấm ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ có thể lôi kéo toàn bộ thành viên NATO một mất một còn với Nga? - Ảnh 2.

Nếu kích hoạt Điều 5, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đối đầu trực tiếp với Nga.

Bất chấp việc cả hai đứng ở phía đối lập trong cuộc xung đột, Ankara và Moscow đã có các bước đi phối hợp với nhau để tránh va chạm xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến cho các nước NATO cảm thấy không hài lòng trong những tháng gần đây bằng cách mua các thiết bị quân sự do Nga sản xuất.

"Nga kiểm soát phần lớn không phận Syria và không muốn thấy Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn Điều 5. Điều đó sẽ tạo ra một loạt các vấn đề trong mối quan hệ Erdogan-Putin", bà nói thêm.

Chuyện gì đang xảy ra ở Syria?

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động quân sự ở phía đông bắc Syria vào ngày 9/10 với mục đích tạo ra một "vùng an toàn" dọc biên giới, nơi nước này có thể di dời hơn 3,6 triệu người tị nạn phải đón nhận trước đó.

Cuộc tấn công được phát động chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi khu vực – bỏ rơi người Kurd vốn là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Theo chính quyền người Kurd, hơn 200 thường dân đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ, trong khi Liên Hợp Quốc ước tính 160.000 người đã phải di dời khỏi khu vực, cảnh báo về thảm họa nhân đạo.

Phương Tây phản ứng gì?

Các nước phương Tây bao gồm các quốc gia thành viên EU, Mỹ và Australia đã lên án cuộc tấn công mà họ lo ngại sẽ gây leo thang căng thẳng trong khu vực và yêu cầu Ankara ngừng hoạt động xâm nhập của mình ở Syria.

Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và hủy bỏ các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận thương mại giữa hai nước.

Tại hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tuần, các ngoại trưởng EU đã cam kết đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi đầu tuần tuyên bố, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có "mối quan ngại về an ninh hợp pháp", nhưng ông kêu gọi quốc gia này ​​"sẽ hành động với sự kiềm chế và phối hợp với các đồng minh để có thể bảo vệ những lợi ích đã đạt được trước kẻ thù chung - IS".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại