Theo BGR, trong nghiên cứu mới nhất xuất bản trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu giải thích quá trình truy ngược lại nguồn gốc DNA khủng long đã dẫn họ đến một kết luận sửng sốt: chim, loài động vật có hai cánh biết bay mà chúng ta vẫn nhìn thấy mỗi ngày, chính là khủng long thời hiện đại.
Từ lâu, người ta đã nghi ngờ chim là một trong những hậu duệ còn sót lại của khủng long. Hóa thạch được tìm thấy chứng minh rằng nhiều loài khủng long đã có lông trên cơ thể, và cấu trúc bộ xương của chúng mang nhiều điểm tương đồng với chim.
Hóa ra, đây không phải là điều ngẫu nhiên, khoa học di truyền cung cấp cho chúng ta khả năng tìm ra sự liên kết giữa những quái vật đã tuyệt chủng và loài vật xuất hiện mỗi ngày trong đời sống.
Giáo sư Darren Griffin phát biểu với BBC: "Chúng tôi kỳ vọng phát hiện này sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn trong ngành. Do mang nhiều nhiễm sắc thể trong cơ thể, khủng long có thể tạo ra nguồn gen đa dạng hơn loài khác. Tức là, chúng tiến hóa nhanh, thích nghi tốt với điều kiện thay đổi trên Trái Đất".
Bằng cách sử dụng DNA từ họ hàng gần nhất của khủng long, bao gồm chim, nhóm nghiên cứu đã tìm cách truy ngược lại nguồn gốc di truyền.
Kết quả thu được cho thấy, phần lớn DNA của chim hiện đại cũng tương tự như loài bò sát khổng lồ cổ đại, chứng tỏ chúng giống nhau hơn nhiều so với những gì giới khoa học nghĩ.
Tiến sĩ Rebecca O'Connor, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay: "Bằng chứng hóa thạch và bằng chứng của chúng tôi đã củng cố cho giả thiết: chim chính là khủng long, chúng không phải họ hàng xa của nhau. Những loài chim xung quanh chúng ta chính là khủng long".
Rõ ràng, chim ở thời hiện đại không có những bộ răng sắc nhọn nghiền nát mọi thứ, nhưng quá trình tiến hóa đã đưa chúng đi theo một hướng thay đổi mới, nhiều khả năng là do những biến đổi lớn diễn ra trên Trái Đất trong khoảng thời gian ngắn.
Yếu tố môi trường đã xóa xổ nhiều loài, nhưng không phải tất cả. Các loài chim bạn nhìn thấy ngày nay thực sự là hậu duệ của những loài đã sống sót qua khoảng thời gian đó.