Ngày 4/10/1957, Liên Xô mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người bằng sự kiện khiến cả thế giới bất ngờ: Chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất.
Trong khi người Mỹ đang loay hoay với chương trình đưa người vào vũ trụ có tên Mercury (1959 - 1963) với mức kinh phí khổng lồ 1,5 tỷ USD thì Liên Xô tiếp tục lập nên kỳ tích chưa từng có tiền lệ trong lịch sử: Phi hành gia Yuri Gagarin lái con tàu Vostok 1 (Phương Đông 1) thoát khỏi lực hút của địa cầu, bay vào vũ trụ và hoàn thành sứ mệnh vòng quanh Trái Đất trong 108 phút ngày 12/4/1961.
Chỉ trong vòng 4 năm ngắn ngủi, với những thành tích vô tiền khoáng hậu đó, Liên Xô nghiễm nhiên trở thành người tiên phong trong công cuộc khai phá và chinh phục vũ trụ, thỏa mãn ước mơ ngàn đời của nhân loại.
Thế giới ngưỡng mộ Liên Xô. Còn Mỹ thì sốt sắng và thêm phần lo lắng. Bởi sao? Bởi không chỉ bắt kịp Mỹ trong cuộc đua sản xuất vũ khí hạt nhân hủy diệt, Moskva còn khiến Washington tụt lại phía sau trong cuộc đua vào vũ trụ đúng vào lúc Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc diễn ra căng thẳng nhất.
Để có được những thành tựu rực rỡ này, Liên Xô cần người tài và những cá nhân xứng danh Anh hùng Liên Xô!
Người đầu tiên cần nhắc đến trong công cuộc chinh phục không gian của Liên Xô chính là "cha đẻ" của các chương trình vũ trụ Liên Xô: Tổng công trình sư Sergey Pavlovich Korolyov.
Là một nhà khoa học, kỹ sư kiêm nhà thiết kế tên lửa hàng đầu, Sergey Pavlovich Korolyov có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đua vào không gian với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Sau khi đảm nhận vai trò lãnh đạo chương trình vũ trụ, chính Sergey Pavlovich Korolyov là người triển khai thành công các chương trình Sputnik và Vostok, giúp Liên Xô vượt Mỹ trong hành trình chinh phục vũ trụ và công nghệ tên lửa.
Sau khi những tên lửa đẩy cùng các con tàu vũ trụ ra đời (dưới sự lãnh đạo của tổng công trình sư Sergey Pavlovich Korolyov), để hoàn thành sứ mệnh đưa người ra không gian, Liên Xô tất yếu cần những nhà du hành vũ trụ hội tụ đủ bản lĩnh, tài năng cùng sự quả cảm hơn người. Đó là lý do biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô ra đời.
Từ hồ sơ của hơn 3.000 ứng viên tài năng khắp đất nước, những chuyên gia thuộc lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ Liên Xô đã chọn được 20 cá nhân phù hợp, có thành tích cá nhân xuất sắc nhất đất nước bước vào những tháng ngày tập luyện khắt khe, sẵn sàng mọi nhiệm vụ bay vào vũ trụ bất cứ khi nào đất nước cần.
Biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô. Nguồn: RIA Novosti
Họ gồm: Ivan Anikeyev, Pavel Belyayev, Valentin Bondarenko, Valery Bykovsky, Valentin Filatyev, Yuri Gagarin, Viktor Gorbatko, Anatoli Kartashov, Yevgeny Khrunov, Valdimir Komarov, Alexei Leonov, Grigori Nelyubov, Andrian Nikolayev, Pavel Popovich, Mars Rafikov, Georgi Shonin, Gherman S. Titov, Valentin Varlamov, Boris Volynov và Dmitri Zaikin.
Trong số những phi hành gia đầu tiên của đất nước, có những người đã lập nên kỳ tích đi vào lịch sử (đơn cử như phi hành gia Yuri Gagarin), có những người hy sinh thầm lặng khi sứ mệnh còn dang dở, lại có những người trút hơi thở cuối cùng ngoài không gian và chỉ trở về đất mẹ khi thân thể chỉ còn tính bằng cm...
Đó là cái chết đầy nước mắt của Anh hùng Liên Xô Valdimir Komarov trong ngày 23/4/1967 khi anh thực hiện sứ mệnh bay trên con tàu Soyuz 1. Vì những trục trặc kỹ thuật, con tàu vũ trụ lao vô định xuống mặt đất với vận tốc 140km/giờ, khiến Valdimir Komarov chết cháy trước khi trở về Trái Đất. Phần còn lại của thi thể cháy đen của anh chỉ còn tính bằng cm, kích thước 30cm x 80cm!
Hay như cái chết đầy oan nghiệt của người phi hành trẻ tuổi thuộc biệt đội 20 Valentin Bondarenko. Anh trút hơi thở cuối cùng ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời (tuổi 24) trong ngày luyện tập thứ 10 trong buồng áp suất thấp trước khi nhận sứ mệnh bay vào không gian chính thức.
Ngọn lửa vô tình đã khiến da, mắt và tóc của Valentin Bondarenko bị hủy hoại nặng nề. Anh hy sinh trước khi giấc mơ bay vào vũ trụ sắp trong tầm tay. Ngày anh mất là ngày 23/3/1961.
May mắn hơn hai người đồng đội kể trên, phi hành đoàn Voskhod 2 gồm chỉ huy Pavel Belyayev và phi công Alexey Leonov đã hoàn thành sứ mệnh vũ trụ một cách xuất sắc. Ngày 18/3/1965 đi vào lịch sử thế giới bằng sự kiện Liên Xô đưa người đầu tiên trong lịch sử đi bộ ngoài không gian và trở về an toàn.
12 phút 9 giây là tổng thời gian đi bộ ngoài không gian mà phi hành gia Alexey Leonov thực hiện khi chỉ huy Pavel Belyayev đưa tàu Voskhod 2 trôi quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip ở khoảng cách cách mặt đất 500km.
Trước khi Alexey Leonov hoàn thành sứ mệnh tuyệt vời này, cũng có một người hùng vũ trụ Liên Xô khác, thuộc biệt đội phi hành gia 20 người đầu tiên của Liên Xô, thực hiện sứ mệnh bay lập nên hàng loạt kỳ tích vũ trụ cho tổ quốc mình.
Anh chính là Gherman Stepanovich Titov (phiên âm tiếng Việt từ Titov là Ti Tốp - tên hòn đảo nổi tiếng trên Vịnh Hạ Long ngày nay - xem chi tiết).
Bốn tháng sau chuyến bay đi vào lịch sử của Yuri Gagarin, ngày 6/8/1961, phi hành gia Gherman S. Titov lên đường thực hiện sứ mệnh bay thứ hai trên con tàu vũ trụ Vostok 2 (Phương Đông 2).
Là người thứ hai bay vào quỹ đạo Trái Đất nhưng Gherman S. Titov, phi hành gia trẻ tuổi nhất trong lịch sử bay vào vũ trụ tính cho đến nay - khi bay anh mới chỉ 26 tuổi, đã thiết lập nên hàng loạt kỷ lục đáng ghi nhớ trong lịch sử hàng không Liên Xô và lịch sử chinh phục vũ trụ của thế giới.
Nếu như con tàu Vostok 1 đưa Yuri Gagarin chỉ bay một vòng quanh Trái Đất với tổng thời gian là 108 phút thì Vostok 2 lại đưa Gherman S. Titov bay 17,5 vòng quanh Trái Đất với tổng quãng đường là 700.000 km (gần bằng khoảng cách của chuyến hành trình "khứ hồi" từ Trái Đất đến Mặt Trăng).
Tổng thời gian mà phi hành gia Titov ở ngoài không gian là 1 ngày 1 giờ 18 phút! Trải qua hơn 25 giờ ngoài Trái Đất, Gherman S. Titov nghiễm nhiên trở thành phi hành đầu tiên trên thế giới ăn trưa, ăn tối và ngủ ngoài vũ trụ.
Quãng thời gian "ăn-ngủ-làm việc" cùng vũ trụ mà Gherman S. Titov hoàn thành xuất sắc đã chứng minh được rằng: Con người có thể sống và làm việc một khoảng thời gian nhất định ngoài môi trường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm của vũ trụ.
Đồng thời, anh cũng là người đầu tiên trên thế giới chụp ảnh Trái Đất từ không gian bằng máy ảnh Konvas-Avtomat. Ở một khía cạnh khác, anh cũng là người đầu tiên trải qua hội chứng "say vũ trụ" (space sickness).
Cũng nhờ vào sứ mệnh của anh, mà về sau Liên Xô mới có bước đi mạnh dạn hơn qua sứ mệnh đi bộ ngoài không gian của phi hành gia Alexey Leonov 4 năm sau.
Khoảnh khắc "sải cánh" ngoài vũ trụ đã khiến chàng phi hành trẻ hét lên trong niềm vui sướng tột độ: "Tôi là Đại bàng! Đại bàng dũng mãnh!". Thực chất, tên mật hiệu của anh trong sứ mệnh Vostok 2 chính là "Eagle - Đại bàng".
Trở về Trái Đất sau khi hoàn thành sứ mệnh to lớn, Gherman S. Titov được đất nước vinh danh là Anh hùng Liên Xô. Đồng bào anh - hàng triệu người hội tụ ở Quảng trường Đỏ để chào đón người hùng của họ trở về trong chiến thắng.
Thành tích vô tiền khoáng hậu mà Gherman S. Titov có được năm 1961 tiếp tục giúp Liên Xô có được vị trí là người tiên phong trong cuộc chạy đua vào không gian với người Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Liên Xô một lần nữa khiến địch thủ của mình phải nể phục, dè chừng!
"Anh ấy là biểu tượng sống cho những thành tựu chinh phục vũ trụ của Liên Xô!" - Alexey Leonov, bạn thân thuộc biệt đội 20 của Gherman S. Titov, bày tỏ.
Có nhiều người thắc mắc rằng, tại sao Gherman S. Titov không phải là người thực hiện sứ mệnh bay đầu tiên vào vũ trụ mà là phi hành gia Yuri Gagarin.
Có nhiều giải thích xoay quanh sự việc này. Người cho rằng, tính cách bộc trực, thẳng thắn của Gherman S. Titov khá giống với tính cách của tổng công trình sư Sergey Pavlovich Korolyov vì thế khi lựa chọn phi hành gia cho sứ mệnh bay đầu tiên, Sergey Pavlovich Korolyov đã chọn người có tính ôn hòa hơn là Yuri Gagarin.
Lại có người cho rằng, Gherman S. Titov là tài năng vũ trụ thích hợp cho chuyến du hành "dài hơi" hơn chuyến đầu tiên của Yuri Gagarin.
Tuy nhiên, thẳm sâu trong trái tim của phi hành gia trẻ tuổi ấy là nỗi đau cùng những giọt nước mắt thầm lặng khi đứa con trai đầu lòng 7 tháng tuổi của anh và vợ Tamara, tên là Igor, sớm từ giã cõi đời do bị dị tật tim bẩm sinh.
Lo lắng cú sốc gia đình này có thể khiến Gherman S. Titov không thể toàn vẹn thực hiện sứ mệnh bay đầy thử thách, nên lãnh đạo Liên Xô quyết định dành cho anh một khoảng thời gian để lắng dịu nỗi đau.
Quả thực! Nỗi đau mất con chẳng thể nào nguôi ngoai dù cho thời gian có dày thêm chăng nữa. Nhưng, Gherman S. Titov còn cả sứ mệnh to lớn trước mắt mà đất nước đang vẫy gọi. Nén nỗi đau vào sâu tận trái tim quả cảm, Gherman S. Titov lên đường và hoàn thành nhiệm vụ không thể xuất sắc hơn.
Chuyến hành trình ngoài vũ trụ kéo dài hơn 25 giờ đồng hồ chính là món quà mà anh muốn gửi tặng đến Igor. Ở một vì tinh tú nào đó, có lẽ cậu bé ấy đang mỉm cười và tự hào về người cha dũng cảm của mình.
Niềm vui làm cha lại một lần nữa được khơi dậy trong trái tím của người hùng vũ trụ khi 2 năm sau sứ mệnh đi vào lịch sử ấy, gia đình anh chào đón thiên thần nhỏ là bé gái Tatyana khỏe mạnh.
Cho đến nay, Gherman S. Titov là phi hành gia trẻ tuổi nhất từng bay vào vũ trụ. Ảnh: Getty
Sứ mệnh bay vào không gian kéo dài hơn 25 giờ ngày 6/8/1961 trở thành sứ mệnh bay đầu tiên và cuối cùng của Gherman S. Titov, bởi sau tai nạn máy bay khiến phi hành gia Yuri Ggagarin tử nạn (chi tiết), Liên Xô không muốn mất thêm bất cứ tài năng vũ trụ nào nữa nên họ quyết định dừng mọi nhiệm vụ bay vào vũ trụ của anh.
"Du hành vũ trụ khơi dậy niềm đam mê bất tận. Một khi may mắn được trải nghiệm niềm đam mê ấy, bạn sẽ không nguôi nung nấu được bay nhiều lần nữa. Thật đáng tiếc khi tôi chỉ được sải cánh vào vũ trụ một lần trong đời." - Gherman S. Titov.
Về sau, Gherman S. Titov phục vụ trong binh chủng Không quân Liên Xô, nắm giữ cương vị lãnh đạo trong ngành vũ trụ. Năm 1991, ông nghỉ hưu với hàm Thượng tướng Không quân.
57 năm sau khi ghi tên mình cùng sự kiện "người thứ hai bay vào vũ trụ", Anh hùng Liên Xô Gherman S. Titov vẫn được nhân dân Nga và thế giới nhớ đến như một người hùng vũ trụ, là "biểu tượng sống cho những thành tựu chinh phục vũ trụ của Liên Xô!" như lời phi hành gia Alexey Leonov từng nói!
Bài viết sử dụng các nguồn: Space.com, LA Times, Washington Post
Đọc các bài viết khác về Hồ sơ Liên Xô (xem chùm bài, tại đây):
- Giải mật "thành phố vô hình" của Liên Xô: Ẩn chứa sức mạnh hủy diệt khiến Mỹ lo sợ
- Tsar Bomba: Quả bom "quái vật" mạnh nhất trong lịch sử nhân loại được thử ở đâu?
- Thử đến 473 lần, đây là cái giá Liên Xô phải trả khi tranh ngôi "bá vương hạt nhân" với Mỹ