Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát

Trang Ly |

Để có được 12 phút cuộc đời quý giá đi bộ ngoài vũ trụ, người Anh hùng Liên Xô ấy đã phải trải qua những giây cận kề cái chết.

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 1.

Có thể nói, thập niên 50, 60 của thế kỷ 20 ghi dấu những thành tựu khám phá vũ trụ rực rỡ của Liên Xô trong cuộc đua giành vương vị không gian với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh nói riêng và trong hành trình chinh phục vũ trụ của nhân loại nói chung.

Sau thành công của sự kiện phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 vào ngày 4/10/1957, Liên Xô liên tiếp tạo các "cú hích" khiến người Mỹ nóng ruột.

Ngày 12/4/1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên của nhân loại ra ngoài không gian trên con tàu Vostok 1 (Phương Đông 1), chính thức mở ra kỷ nguyên khai phá vũ trụ đầy hứa hẹn của con người trong tương lai.

Sứ mệnh tiên phong của người Liên Xô không dừng ở chuyến bay kéo dài 108 phút của "huyền thoại vũ trụ" Gagarin, bởi 4 năm sau, vào năm 1965, người Liên Xô tiếp tục tạo dấu ấn không thể quên trong lịch sử bằng Chương trình Voskhod với thành quả đưa con người thực hiện những bước đi đầu tiên ngoài không gian.

Khoan nói đến phi hành gia Liên Xô quả cảm thực hiện sứ mệnh có 1-0-2 này, hay những sự cố xảy ra bất ngờ tại vùng không gian cách mặt đất 500km khiến sứ mệnh của anh suýt biến thành một trong những thảm kịch đen tối nhất lịch sử khai phá vũ trụ...

Hãy bàn đến hành trình đưa người du hành vào không gian thứ hai của Liên Xô trong những năm Chiến tranh Lạnh diễn ra căng thẳng nhất.

Đầu những năm 1960...

Ba năm sau ngày khi Liên Xô nổ phát súng đầu tiên trong công cuộc khám phá và chinh phục vũ trụ (qua sự kiện phóng vệ tinh Sputnik 1), người Mỹ lúc này nhận ra một "mặt trận" khác cần phải đối đầu với Liên Xô thay vì quá chú tâm cho những dự án phát triển siêu vũ khí (vũ khí hạt nhân) của mình.

Nói là làm. Chính phủ Mỹ không tiếc tay rót 1,5 tỷ USD cho một chương trình hoàn toàn mới do NASA trực tiếp thực hiện - Chương trình Mercury (1959 - 1963) với sứ mệnh đưa người vào vũ trụ đầu tiên trong lịch sử.

Vốn đã quen với danh xưng người tiên phong trong công cuộc khai phá không gian, Liên Xô ý thức được trọng trách không thể bị Mỹ đẩy về phía sau. Do đo, giới lãnh đạo Liên Xô nhanh chóng hạ lệnh cho triển khai dự án tương tự mang tên Chương trình Vostok.

Và họ lại tiếp tục thành công. Hơn thế, còn vượt Mỹ. Lịch sử nhân loại mãi không quên thời khắc huy hoàng mà người Liên Xô tạo dựng trong ngày 12/4/1961 khi đó. Yuri Gagarin trở về Trái Đất an toàn sau sứ mệnh bay chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Cả thế giới ngỡ ngàng. Còn người Mỹ bàng hoàng khi họ nhận ra vương vị không gian vuột khỏi tầm tay một cách quá chóng vánh.

Không dễ nản chí, NASA tiếp tục triển khai Dự án Gemini, nhằm đưa người ra không gian thứ hai của mình. Gemini program thể hiện khát khao vượt mặt Liên Xô, bởi nó là dự án phối hợp của Chương trình Mercury và Chương trình Apollo.

Với quyết tâm đánh bại người Mỹ một lần nữa, Liên Xô tiếp trục triển khai Chương trình Voskhod.

Lịch sử một lần nữa chứng kiến người Mỹ thất bại trước một "siêu cường vũ trụ" bởi không chỉ là đưa người bay ra ngoài không gian, với Voskhod, Liên Xô còn đưa người thực hiện những bước đi đầu tiên ngoài vũ trụ.

Ngày 18/3/1965. Con tàu Voskhod 2. Phi hành đoàn gồm chỉ huy Pavel Belyayev và phi công Alexey Leonov... mãi trở thành niềm kiêu hãnh tột đỉnh của Liên Xô trước một nước Mỹ thất bại trong cuộc đua giành "ngôi vương vũ trụ" thập niên 1960.

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 2.

Phi hành đoàn của tàu Voskhod 2. Trong đó, Pavel Belyayev là phi công lái máy bay chiến đấu có kinh nghiệm hơn 1.000 giờ bay thuộc Không quân Liên Xô, còn Alexey Leonov là Thiếu tướng phục vụ trong Không quân Liên Xô.

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 3.

Ngay từ thập niên 1950, Liên Xô đã tuyển chọn được biệt đội phi hành gia sẵn sàng cho các sứ mệnh bay vào không gian. Từ 3.000 ứng viên trên toàn Liên Xô, giới lãnh đạo đã lựa chọn được 20 tài năng vũ trụ xuất sắc nhất đất nước.

Hai trong số những tài năng thuộc biệt đội phi hành gia đầu tiên của Liên Xô có Pavel Belyayev và Alexey Leonov - hai người hùng vũ trụ thực hiện thành công sứ mệnh trên tàu Voskhod 2 lịch sử.

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 4.

Biệt đội 20 phi hành gia đầu tiên trong lịch sử Liên Xô. Nguồn: RIA Novosti

Ngày 18/3/1965...

Tên lửa đẩy Voskhod 11A57 đưa tàu Voskhod 2 nặng 5,6 tấn từ bãi phóng của sân bay vũ trụ Baikonur bay thẳng lên quỹ đạo Trái Đất.

Voskhod 2 mang theo hai phi hành gia quả cảm của Liên Xô là chỉ huy Pavel Belyayev và phi công Alexey Leonov để họ thực hiện sứ mệnh chưa từng có trong lịch sử: Đi bộ ngoài không gian!

Vào lúc 11:32:54 ngày 18/3, sau khi tàu Voskhod 2 tiến vào vùng quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, ở độ cao 500km so với mặt đất, chỉ huy tàu Pavel Belyayev mở chốt gió (airlock) của tàu để đồng đội của anh là Alexey Leonov tiến hành sứ mệnh đi bộ ngoài không gian.

Hai phút sau, phi hành gia Alexey Leonov trôi nổi hoàn toàn trong môi trường phi trọng lực ngoài không gian, với sợi dây bảo hộ dài 5,35m nối với con tàu.

Để toàn thế giới có thể chiêm ngưỡng Trái Đất ở độ cao 500km, các kỹ sư đã gắn một chiếc camera trên ngực áo của Alexey Leonov. Nhờ thế, người ta có thể xem trực tiếp những gì mà Alexey Leonov được may mắn chứng kiến.

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 5.

Hình ảnh Alexey Leonov bên ngoài không gian. Ảnh: Central Press/Getty Images

12 phút 9 giây là tổng thời gian đi bộ ngoài không gian mà Alexey Leonov thực hiện khi con tàu Voskhod 2 trôi quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip ở khoảng cách 500km.

"Sự tĩnh lặng xâm chiếm lấy tôi. Tôi có thể nghe rõ từng nhịp đập trái tim mình. Cả tiếng thở khi ấy cũng trở nên ồn ào hơn bao giờ hết tại vùng không gian rộng lớn vô cùng ấy ...", Alexey Leonov nhớ lại những giây phút một mình trôi nổi ngoài vũ trụ.

Đúng nghĩa ra, chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên trong lịch sử nhân loại do phi hành gia quả cảm Alexey Leonov thực hiện là sứ mệnh "thả" người trôi nổi ra bên ngoài không gian trong môi trường phi trọng lực mà chỉ có bộ đồ phi hành gia bảo vệ.

Trong lịch sử, chưa một ai từng thực hiện nhiệm vụ này, do đó, đây là một sứ mệnh đáng sợ bởi không ai biết chuyện gì sẽ diễn ra khi một phi hành gia thay vì được bảo vệ trong tàu vũ trụ đầy đủ thiết bị lại bước trực tiếp ra ngoài môi trường tiềm ẩn quá nhiều rủi ro nguy hiểm đến tính mạng đến thế.

Quả thực... sứ mệnh này suýt trở thành thảm kịch vũ trụ khi một sự cố xảy ra khiến thiếu chút nữa thì Alexey Leonov vĩnh viễn không thể trở lại khoang tàu và phải chết cô độc ngoài không gian!

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 7.

Trong khi đang thực hiện nhiệm vụ đi bộ ngoài không gian, Alexey Leonov đột nhiên nhận thấy bộ đồ phi hành gia của mình phồng lên bất thường. Nếu không khắc phục được sự cố này, Alexey Leonov sẽ không thể nào trở lại khoang điều áp chật hẹp của tàu Voskhod 2.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi chỉ huy Pavel Belyayev thông báo rằng chỉ còn 5 phút nữa là con tàu đi vào vùng tối (một nửa Trái Đất không được Mặt trời chiếu sáng). Không gian tĩnh lặng cộng thêm bóng tối đặc quánh có thể khiến việc trở lại tàu của anh khó khăn hơn rất nhiều.

Lúc này, thay vì báo cáo với trung tâm chỉ huy ở mặt đất, Alexey Leonov tự đưa ra một quyết định sống còn: Anh từ từ xả bớt không khí bên trong bộ đồ phi hành gia để áp suất bên trong giảm đi.

Việc làm này có thể giúp cho bộ đồ bớt phồng lên, tuy nhiên, Alexey Leonov phải đối mặt với hậu quả của việc giảm áp đột ngột.

Bằng nỗ lực phi thường, Alexey Leonov đã chiến thắng nỗi sợ khi tâm trí anh lúc đó thoáng nhớ về thời thơ ấu, lúc mẹ anh gọi về nhà. Anh tóm lấy dây bảo hộ và tiến vào khoang điều áp. Mặc dù bộ đồ phi hành gia đã xẹp xuống nhưng do cửa khoang hẹp nên anh phải xoay sở khá lâu.

"Thao tác đơn thuần trong môi trường phi trọng lực là chuyện không hề dễ dàng. Chỉ một cái nắm tay trong không gian cũng tương đương với việc kéo một vật nặng 25kg ở Trái Đất." - Alexey Leonov nói với báo chí về sau.

Dữ liệu y khoa từ Trái Đất nhận thấy rằng nhiệt độ cơ thể của Alexey Leonov tăng lên gần 2 độ C chỉ trong hơn 20 phút, khiến người phi hành gia có thể lâm vào tình huống sốc nhiệt nguy hiểm trước khi vào được tàu.

Cuối cùng, người hùng ấy cũng chiến thắng được thử thách to lớn ngoài vũ trụ để trở vào khoang an toàn trước khi gặp rủi ro từ việc sốc nhiệt.

Ít ai ngờ rằng, bên trong bộ đồ của Alexey Leonov có sẵn một viên thuốc độc Xyanua để anh tự sát* nếu như việc trở lại tàu Voskhod 2 thất bại. Điều này nhằm tránh đau đớn cho chính Alexey Leonov khi nguồn oxy cạn kiệt dần.

Mặc dù quá trình trở về Trái Đất và tiếp đất gặp chút khó khăn so với dự kiến, nhưng phi hành đoàn của con tàu Voskhod 2 cuối cùng cũng an toàn.

Họ trở về trong vòng vây thán phục và vui mừng của lãnh đạo và nhân dân Liên Xô. Hàng loạt báo chí trên thế giới dành trang nhất cho sự kiện có 1-0-2 này.

Người chỉ huy Pavel Belyayev và phi công Alexey Leonov đi vào lịch sử Liên Xô với danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Họ cũng đi vào lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại với thành tích "vô tiền khoáng hậu": Sống sót sau sứ mệnh đi bộ ngoài không gian!

Phút cận kề cái chết của Anh hùng Liên Xô: Nếu sứ mệnh bất thành phải uống thuốc độc tự sát - Ảnh 9.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Anh hùng Liên Xô Alexey Leonov tại Điện Kremlin. Ảnh: Mikhail Klimentyev/AP

*Nguồn: Trang 138, Cuốn "Survival and Sacrifice in Mars Exploration: What We Know from Polar Expeditions" của Giáo sư Erik Seedhouse, thuộc trường ĐH ERAU (Mỹ).

Bài viết sử dụng các nguồn: RT, Gizmodo, The Guardian

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại