"Giá như Liên Xô không che giấu sự thật về cái chết của phi hành gia Valentin Bondarenko thì có lẽ người Mỹ đã tránh được tấn bi kịch đầu tiên trong lịch sử NASA mang tên Apollo 1, khiến 3 phi hành gia Mỹ tử nạn...."
----
Tròn 20 ngày... trước khi "huyền thoại vũ trụ" Yuri Gagarin ghi tên mình vào lịch sử là phi hành gia đầu tiên trên thế giới bay vào không gian ngày 12/4/1961, giúp Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên mở ra "kỷ nguyên khai phá vũ trụ" thì Liên Xô đã phải âm thầm chịu đựng nỗi đau mất đi một tài năng vũ trụ: Anh chính là Valentin Bondarenko.
Đầu thập niên 1960, giữa những căng thẳng chính trị trong cuộc đối đầu của Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989), người Liên Xô khiến người Mỹ đi từ sửng sốt này đến lo lắng khác khi phi hành gia Yuri Gagarin hoàn thành chuyến bay dài 108 phút đầu tiên ra ngoài vũ trụ trên con tàu Phương Đông 1.
"Phát súng khai hỏa" mà Liên Xô mang đến trong lĩnh vực chinh phục không gian khiến người Mỹ tạm gác những kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân hủy diệt và bắt đầu chú tâm cho các dự án đưa người ra không gian tiêu tốn nhiều tỷ USD.
Quả thực... cuộc chạy đua giữa hai siêu cường này đều "hái những thứ quả ngọt cho riêng mình": Nếu người Liên Xô mở đầu thập niên 1960 bằng sự kiện đưa người bay ra ngoài vũ trụ đầu tiên trên thế giới (ngày 12/4/1961) thì người Mỹ khép lại thập niên 1960 bằng sự kiện đưa người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng (ngày 20/7/1969).
Lịch sử đã qua đi và khi nhìn lại người ta đều thấy rằng, trong thập niên 60 của thế kỷ 20, cả Mỹ và Liên Xô đều phải chứng kiến những phút giây huy hoàng và những khoảnh khắc đau thương không thể quên trong hành trình chinh phục không gian.
Đầu tiên là người Liên Xô, với cái chết của phi hành gia trẻ tuổi Valentin Bondarenko.
Phi hành gia trẻ tuổi, Trung úy Valentin Bondarenko (1937 - 1961).
Valentin Bondarenko sinh ngày 16/2/1937 tại thành phố Kharkiv, phía đông bắc Liên Xô. Cậu bé Valentin Bondarenko trải qua tuổi thơ không mấy dễ dàng bên mẹ và em gái khi cha cậu đang chiến đấu anh dũng ở Mặt trận phía Đông trong những ngày đầu của Thế chiến II.
Vốn tự hào về cha, cộng thêm ước muốn trở thành anh hùng vũ trụ với vai trò là phi công bay ra ngoài không gian rộng lớn, Valentin Bondarenko rất chịu khó học tập. Khi ước mơ được vun đắp bằng ý chí, con đường trở thành phi công quân sự của Valentin Bondarenko trải rộng hơn bao giờ hết.
Năm 1957, khi Valentin Bondarenko tốt nghiệp Trường Phi công Không quân Armavir cũng là thời điểm Liên Xô chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 (ngày 4/10/1957). Tháng 12/1959, Valentin Bondarenko nhận tin vui khi được phong hàm Trung úy.
Một năm sau, ngày 28/4/1960, bằng tài năng cùng sự ham học hỏi của mình, Trung úy Valentin Bondarenko trẻ tuổi được chọn vào nhóm 20 phi hành gia đầu tiên của Liên Xô. Vào thời điểm ấy, anh là phi hành gia trẻ tuổi nhất nhóm.
Bắt đầu từ đây, Valentin Bondarenko dần chạm tay đến ước mơ của mình. Anh cùng đồng đội ngày đêm luyện tập cho kế hoạch phóng tàu Vostok (Phương Đông) có người lái ra ngoài vũ trụ đầu tiên trong lịch sử đất nước mình.
Khi giấc mơ trở thành phi công vũ trụ sắp thành hiện thực thì định mệnh đen tối ngày 23/3/1961 đã cướp đi tất cả: Cả Valentin Bondarenko và giấc mơ còn dang dở của anh!
Khi đó, anh mới 24 tuổi...
Ngày 23/3/1961...
Là ngày luyện tập thứ 10 của Valentin Bondarenko trong chuỗi thử nghiệm độ bền kéo dài 15 ngày trong buồng áp suất thấp thực hiện tại Viện Khoa học Liên Xô ở thủ đô Moskva.
Buồng áp suất thấp, không gian cách ly để các phi hành gia luyện tập tinh thần và thể chất trước khi bay thực sự ra ngoài không gian, là một căn phòng có nội thất tối giản. Buồng gồm một chiếc giường bằng thép, một chiếc bàn gỗ, ghế ngồi của phi hành gia, nhà vệ sinh và một đĩa hâm (hot plate) và một chút nước dùng.
Thảm kịch xảy ra vào lúc Valentin Bondarenko hoàn tất ngày luyện tập của mình. Khi gỡ những miếng dán cảm biến sinh học khởi người và dùng miếng bông tẩm cồn làm sạch cơ thể, do bất cẩn, miếng bông tẩm cồn rơi vào đĩa hâm nơi anh đang sử sụng để pha một tách cà phê.
Trong buồng áp suất thấp khi đó đang chứa 68% oxy tinh khiết, miếng bông được tẩm cồn nhờ thế nhanh chóng bốc lửa do tiếp xúc với vật nóng. Ngọn lửa oan nghiệt nhanh chóng bốc lên khiến cho bộ quần áo chất liệu len nhanh chóng bị bén.
Vì cho rằng đó là sơ suất của bản thân nên Valentin Bondarenko tự mình xoay sở với ngọn lửa mà không đưa ra bất cứ tín hiệu khẩn cấp nào báo cho phòng điều khiển bên ngoài. Do là phòng kín cộng với lượng oxy tinh khiết dồi dào nên ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt khiến Valentin Bondarenko rất khó mở cánh cửa dày hàng mét ra bên ngoài.
Khi các bác sĩ bên ngoài nhận thấy điểm lạ thường, họ mới hợp lực mở cửa và cứu Valentin Bondarenko ra khỏi buồng áp suất.
"Khi đó, cậu ấy vẫn còn sống. Lời đầu tiên mà chúng tôi nghe được từ chàng trai ấy là "Tôi xin lỗi... Là lỗi của tôi... Lỗi của tôi... Đừng đổ cho ai khác...". Cậu ấy cứ lặp đi lặp lại những lời ấy mà chẳng màng đến việc cơ thể mình bị ngọn lửa hủy hoại ra sao.", một bác sĩ tham gia cứu chữa Valentin Bondarenko kể lại.
Giây phút đưa Valentin Bondarenko ra khỏi buồng áp suất, anh đã bị bỏng cấp độ ba. Toàn thân đều bị bỏng, chỉ trừ phần da ở bàn chân là con nguyên vẹn để các bác sĩ tìm thấy ven. Da, tóc và mắt của Valentin Bondarenko đều bị ngọn lửa oan nghiệt hủy hoại.
Trong cơn mê man, Valentin Bondarenko rên rỉ: "Đau quá... Làm ơn giúp tôi kết thúc nỗi đau này..."
Đó là những lời cuối cùng của người phi hành gia trẻ. Bởi, sau 8 giờ đồng hồ tận tình cứu chữa, các bác sĩ buộc phải để anh ra đi mãi mãi.
Có lẽ, cái chết mới có thể khiến những cơn đau của anh tạm lắng!
24 tuổi! Khi hoài bão và những ước mơ của một người vẫn còn dang dở... Khi người vợ và cậu con trai 5 tuổi bé bỏng vẫn còn mong ngóng chồng và cha trở về nhà như thường ngày bỗng chốc không còn cơ hội để thực hiện, người ta mới thấy cuộc sống đáng quý và đáng trân trọng biết bao.
Cái chết của chàng Trung úy trẻ tuổi buộc phải giấu trong câm lặng. Tiếng khóc nức nở của người vợ cũng không được nấc lên thành tiếng... tất cả là vì lợi ích của quốc gia.
Gia đình nhỏ của Valentin Bondarenko.
Giới lãnh đạo Liên Xô ghi nhận sự hy sinh của Valentin Bondarenko nhưng vì cuộc đua to lớn vào không gian vẫn cần phải thực hiện thì sự mất mát kia đành phải tạm lắng...
20 ngày sau cái chết của Valentin Bondarenko, ngày 12/4/1961, đồng đội của anh là Yuri Gagarin đã hoàn thành sứ mệnh vũ trụ như mong đợi của giới lãnh đạo. Liên Xô ghi tên mình trở thành quốc gia đầu tiên đưa người vào vũ trụ. Bởi vậy mới nói, có sự huy hoàng nào mà không đánh đổi bằng những hy sinh thầm lặng.
Vài ngày sau, Valentin Bondarenko được bí mật chôn cất tại nghĩa trang quê nhà ở thành phố Kharkiv.
Cái chết của Valentin Bondarenko chỉ được người ta biết đến vào đầu những năm 1980. Để ghi nhớ sự hy sinh dũng cảm cùng những cống hiến của chàng phi công Liên Xô trẻ, một miệng núi lửa ở trên Mặt Trăng được đặt theo tên anh.
Sau khi biết được sự thật về cái chết của phi hành gia Liên Xô Valentin Bondarenko, NASA cho rằng, nếu như Liên Xô không giấu nhẹm vụ tai nạn này thì rất có thể 3 phi hành gia trên con tàu Apollo 1 đã tránh được cái chết thương tâm tương tự sau đó 6 năm.
Cả phi hành đoàn Apollo 1 cũng đều chết cháy nặng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phóng thử tàu Apollo 1 mô phỏng tại bãi phóng thuộc Trung tâm vũ trụ Kennedy, trước khi phóng chính thức ngày 21/2/1967. (Đọc chi tiết, tại đây).
Ba phi hành gia trong mô-đun chỉ huy của Apollo 1, gồm Trung tá Gus Grissom, phi công chính Ed White và phi công Roger B. . Nguồn: NASA
Sau hàng loạt tai nạn cháy xảy ra trong buồng áp suất thấp, giới khoa học hàng không quyết định không cho phép thiết kế các thiết bị vũ trụ dễ cháy. Ngoài ra, bộ đồ của phi hành gia phải được thiết kế chống cháy.
Dưới góc độ khoa học, sự hy sinh của Valentin Bondarenko và phi hành đoàn Apollo 1 phần nào giúp giới khoa học đúc rút được kinh nghiệm nhằm đảm bảo an toàn bay cho thế hệ phi hành gia về sau.
Bài viết sử dụng nguồn: Mashable, United Press International, Listverse