Nặng 1 tấn, đây là đầu đạn nhiệt hạch Mỹ cho nổ ngoài không gian: Hậu quả rất khủng khiếp!

Trang Li |

Gần 6 thập kỷ qua đi, Starfish Prime vẫn được xem là vụ nổ vũ khí hạt nhân ngoài không gian mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, những dư âm từ Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) - cuộc chiến không đổ máu kéo dài hơn 4 thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô - có lẽ khó khiến người ta quên đi, bởi những sự kiện, câu chuyện và cả những bí mật gây chấn động thế giới trong thời kỳ vẫn còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Không trực tiếp đổ máu trên chiến trường, không khiến bao gia đình loạn lạc và ly tán, cuộc chiến giữa hai siêu cường của thế kỷ 20 diễn ra trong chính các cuộc chạy đua về công nghệ, vũ khí và không gian. Trong đó, cuộc chạy đua về vũ khí hủy diệt khiến thế giới nhiều phen phải chao đảo hơn cả.

Trước khi đến với sự kiện kích hoạt vũ khí hạt nhân gây chấn động thế giới của người Mỹ, cùng điểm qua một vài sự kiện đáng chú ý trong những năm tháng chạy đua vũ khí hủy diệt mạnh mẽ giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh:

Ngày 16/7/1945, người Mỹ mở ra "kỷ nguyên nguyên tử" đầu tiên trong lịch sử nhân loại bằng sự kiện cho nổ thử thành công quả bom hạt nhân mang mật danh "Trinity" trên vùng sa mạc Jornada del Muerto rộng lớn, cách thành phố Socorro (tiểu bang New Mexico) 56km về phía đông nam.

Liên Xô sốt sắng! Lẽ dĩ nhiên...

Và họ đáp trả bằng sự kiện khiến người Mỹ "đứng ngồi không yên": Sau khi sản xuất và thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên làm "bàn đạp" vào tháng 8/1949, chỉ 12 năm sau, ngày 30/10/1961, Liên Xô vượt mặt Mỹ trở thành "siêu cường hạt nhân" với sự kiện chế tạo và thử thành công loại vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong lịch sử nhân loại tính cho đến thời điểm hiện nay: Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) - loại vũ khí được mệnh danh là "Bom vua" - với sức công phá khủng khiếp lên đến 100 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Nặng 1 tấn, đây là đầu đạn nhiệt hạch Mỹ cho nổ ngoài không gian: Hậu quả rất khủng khiếp! - Ảnh 1.

Cuộc chạy đua tranh ngôi vị "bá vương hạt nhân" cứ thế không ngừng diễn ra giữa Mỹ và Liên Xô. Không chỉ cho nổ hàng trăm vụ thử vũ khí nguyên tử trên mặt đất, trên biển và trên không, cả hai quốc gia này còn tiến hành các vụ thử ở ngoài rìa không gian.

Từ tháng 6/1961, Liên Xô liên tiếp cho nổ thử bom hạt nhân ngoài không gian ở các độ cao khác nhau. Lo sợ các vụ thử bom hạt nhân ngoài không gian của Liên Xô có thể gây hại hoặc phá hủy hệ thống tên lửa xuyên lục địa của mình, Mỹ lẽ dĩ nhiên không chịu ngồi yên đã khởi động ngay loạt chương trình thử vũ khí hủy diệt ngoài không gian có tên "Operation Fishbowl".

Mục đích của Mỹ là nhằm kiểm tra tác động của bom hạt nhân khi nổ ngoài không gian lên vệ tinh, vũ khí khác cụ thể như thế nào, từ đó đánh giá những nguy hại mà các vụ thử bom của Liên Xô gây ra cho vũ khí của Mỹ.

Mặc dù, các vụ thử bom ngoài không gian đã được Mỹ thực hiện trước đó (vào năm 1958, trước cả Liên Xô), tuy nhiên, do tiến hành ở độ cao thấp hơn so với Liên Xô nên hiệu quả trong các báo cáo không được đề cao, chú trọng.

Chỉ đến khi Liên Xô cho thử bom ở khoảng cách cách mặt đất 300km thì Mỹ mới thực sự "vào cuộc"! Và sự kiện cho nổ bom hạt nhân ngày 9/7/1962 thực sự khiến cả thế giới chao đảo.

"Đó là khoảng thời gian sống đáng sợ!" - một cây viết của Discover Magazine nhận định, bởi, thời điểm đó, nhân loại luôn bị "bóng ma" của vũ khí hạt nhân đe dọa hủy diệt.

Starfish Prime là mật danh của vụ nổ vũ khí nguyên tử tầm cao thuộc chương trình "Operation Fishbowl" của Mỹ. Tính cho đến thời điểm hiện nay, Starfish Prime là vụ nổ vũ khí nguyên tử ngoài không gian có sức công phá mạnh nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngày 9/7/1962...

Từ hòn đảo san hô Johnston (cách quần đảo Hawaii khoảng 1.500km về phía Tây Nam), Mỹ phóng quả rocket mang mật danh "Thor" dài gần 20m, nặng 49,5 tấn ra ngoài không gian.

Quả tên lửa do Không quân Mỹ phát triển khi đó nằm trong kế hoạch của Starfish Prime, thực hiện sứ mệnh chở đầu đạn nhiệt hạch W49 nặng 1 tấn ra ngoài không gian, chuẩn bị cho vụ nổ thử vũ khí nguyên tử gây chấn động thế giới.

Khi tên lửa "Thor" đạt độ cao hơn 1.100km, nó liền quay trở lại hướng về Trái Đất. Khi cách mặt đất hơn 400km (độ cao mà Mỹ lập trình), "Thor" nhả đầu đạn nhiệt hạch W49 ra.

Vài giây sau, "địa ngục" tan vỡ! W49 nổ tung trên một vùng không gian cách mặt đất 402km (ở vị trí cao hơn Trạm không gian quốc tế (ISS) ngày nay hơn 40km).

Vụ nổ Starfish Prime có sức mạnh bằng 1,44 megaton tương đương 1,44 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp gần 100 lần sức mạnh của quả bom "Little Boy" mà Mỹ trút xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II, ngày 6/8/945.

Năng lượng hủy diệt mà nó giải phóng dưới dạng nhiệt, ánh sáng cùng một lượng lớn tia X, tia Gamma và các hạt hạ nguyên tử như electron và các ion nặng.

Sức mạnh tổng hợp mà W49 gây ra khiến chính các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ tham gia dự án kinh ngạc thực sự, bởi thứ họ tiên liệu "nhỏ" hơn rất nhiều so với thực tế....

Nặng 1 tấn, đây là đầu đạn nhiệt hạch Mỹ cho nổ ngoài không gian: Hậu quả rất khủng khiếp! - Ảnh 2.

Tác động tức thì

7 phút sau vụ nổ Starfish Prime, một vùng ánh sáng đỏ rực giống "cực quang nhân tạo" tỏa rộng ra một vùng không gian rộng hàng nghìn km, từ Hawaii (bắc Thái Bình Dương) xuống Tonga (quần đảo nam Thái Bình Dương) đến Samoa. Ánh sáng mạnh tới mức, mặc dù cách mặt đất hơn 400km và khi đó là 23 giờ tại thành phố Honolulu (Hawaii) thì người dân ở đây vẫn có thể nhìn rõ vạn vật trong đêm.

Nặng 1 tấn, đây là đầu đạn nhiệt hạch Mỹ cho nổ ngoài không gian: Hậu quả rất khủng khiếp! - Ảnh 3.

Vụ nổ tạo ra một vùng ánh sáng đỏ rực rộng hàng nghìn km. Ảnh minh họa.

Nguy hiểm hơn, Starfish Prime tạo ra xung điện tử (EMP) mạnh đến nỗi có khả năng phá hủy các cơ sở vật chất đang sử dụng điện và điện tử ở cách nó hàng trăm km. Mặc dù cách hơn 1.287km với tâm nổ trên không, nhưng nhiều hệ thống sử dụng điện ở Oahu (thuộc Hawaii) bị phá hủy nặng nề.

Cụ thể, hơn 300 đèn cao áp bị thổi bay, một tổng đài điện thoại bị ngắt gây nên sự cố đường điện thoại trên diện rộng. EMP cũng tự động kích hoạt chuông chống trộm và khiến cửa garage của nhà dân nơi đây tự mở. Ngoài ra, máy bay cũng bị ảnh hưởng, sóng radio cũng bị ngắt khi vụ nổ diễn ra.

Tồi tệ hơn và nằm ngoài dự đoán của giới khoa học, vụ nổ vũ khí nguyên tử ngoài không gian này khiến 5 vệ tinh của Mỹ và 1 vệ tinh của Liên xô bị bức xạ phá hủy.

Ngoài ra, Starfish Prime còn làm tăng mức độ bức xạ tại Vành đai bức xạ Van Allen. Giới khoa học nhận định, quả bom có chứa Uranium-238 có thể làm tăng bức xạ trong vành đai này "gấp 100 lần"!

Vành đai bức xạ Van Allen là vùng không gian có độ cao từ 500km đến 58.000km, ở phía trên vùng biển Nam Đại Tây Dương, nơi chứa các hạt mang điện tích năng lượng cao). Đây là vùng không gian mà Mỹ lo ngại rằng nó có thể phá hủy hệ thống vệ tinh phục vụ cho mục đích quốc phòng của nước này.

Tác động lâu dài

Các hiệu ứng vật lý xảy ra sau vụ nổ mặc dù giảm dần vài tháng sau đó, tuy nhiên, theo nghiên cứu của NASA, các vụ nổ ngoài không gian (ở độ cao từ 25 đến 400km) có nhiều tác động hơn việc sản sinh ra ánh sáng và tiếng nổ lớn.

Theo đó, plasma được tạo ra bởi những quả cầu lửa có nhiệt độ khủng khiếp lên đến 10 triệu độ có thể "bóp méo" từ trường Trái Đất, thậm chí tạo ra các vành bức xạ mini gây hại cho vệ tinh nhân tạo.

Vì mức độ gây thiệt hại tức thì và lâu dài là quá sức tưởng tượng, nên 1 năm sau sự kiện Starfish Prime gây chấn động thế giới xảy ra, Hiệp ước Cấm thử vũ khí hạt nhân một phần (PTBT) ra đời nhằm hạn chế các vụ thử vũ khí hạt nhân ở dưới nước, trên không và không gian.

Ba nước là Liên Xô, Anh và Mỹ đi đầu ký vào bản hiệp ước này vào ngày 5/8/1963. Về sau, có khoảng 123 quốc gia khác cũng tham gia ký kết.

Nặng 1 tấn, đây là đầu đạn nhiệt hạch Mỹ cho nổ ngoài không gian: Hậu quả rất khủng khiếp! - Ảnh 5.

Quầng sáng đỏ nhìn thấy khi vụ nổ xảy ra. Ảnh chụp từ máy bay. Nguồn: Los Alamos National Lab.

Bài viết sử dụng nguồn: Discovermagazine, Wired, Newatlas

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại