Bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đang điều trị tại bệnh viện.
Chịu đau đớn vì bệnh ung thư dạ dày hơn một năm qua, bệnh nhân L.T.N. (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật và 7 lần hóa trị. Vì phát hiện muộn nên quá trình điều trị bệnh của chị gặp nhiều khó khăn, tốn kém.
Bệnh nhân N. chia sẻ: "Trước đây, tôi thường có biểu hiện đau dạ dày. Tôi đã đi khám ở nhiều phòng khám nhưng kết quả chỉ là viêm loét dạ dày nên tôi cứ lấy thuốc về uống. Bên cạnh đó, tôi còn đặt mua rất nhiều tinh bột nghệ, mật ong rừng, nghe ai chỉ có bài thuốc gì trị đau dạ dày là tôi liền mua về uống. Tuy nhiên, uống mãi bệnh vẫn không giảm mà ngày càng đau hơn".
Trong một lần đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở giai đoạn di căn. Sau đó, bệnh nhân vào TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật cắt nửa dạ dày, 8 hạch và tiến hành hóa trị. Sau khi về lại Đắk Lắk, do bệnh tình trở nặng, bệnh nhân nhập Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị tiếp.
Chăm sóc chồng đang điều trì vì ung thư phổi giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị N.T.L. (trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Do thường xuyên hút thuốc lá nhiều nên chồng tôi hay có biểu hiện ho. Chúng tôi cứ nghĩ vì hút thuốc lá nên ho, do đó chủ quan. Sau mấy lần đi chụp phim ở các phòng khám thấy phổi không có biểu hiện gì nên về nhà tự điều trị. Tuy nhiên, một thời gian sau sức khỏe chồng tôi sụt giảm nhanh, xuống sức, không ăn uống được, tức ngực, khó thở nên đưa vào bệnh viện thì phát hiện bị ung thư phổi".
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân mắc ung thư.
Theo BSCKI. Nguyễn Viết Luân, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tại Đắk Lắk nói riêng và ở Việt Nam nói chung, bệnh nhân ung thư đang có chiều hướng ngày một gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, năm 2020 điều trị cho hơn 5.700 bệnh nhân ung thư nội trú. Năm 2021, số lượng bệnh nhân mắc ung thư tăng lên, cụ thể đã điều trị cho 6.795 bệnh nhân.
Trong đó những bệnh lý ung thư thường gặp tại Khoa Ung bướu là bệnh lý về gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư tiền liệt tuyến. Điều đáng báo động là số lượng bệnh nhân mắc ung thư không những gia tăng mà đang ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là ung thư gan, ung thư vú và ung thư đường tiêu hóa.
Để phòng chống bệnh ung thư, người dân nên có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, nhiều chất xơ, ít chất béo, duy trì thói quen vận động hàng ngày, tránh béo phì, không nên hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
Ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Do đó, các bệnh nhân nằm trong độ tuổi nguy cơ hoặc trên 40 tuổi nên thăm khám, tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
"Đặc biệt, khi đã mắc bệnh ung thư, bệnh nhân không nên nghe các bài thuốc truyền miệng, không mua và sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tự điều trị, vừa gây tốn kém vừa bỏ lỡ mất cơ hội sớm để điều trị bệnh", bác sĩ Luân nhấn mạnh.