Không rượu, không gút, vì sao axit uric vẫn cao?

Anh Thư ghi |

Đã 2 đợt khám sức khỏe chỉ số axit uric của tôi vượt ngưỡng bình thường nhưng tôi không uống rượu, hiếm khi uống bia và không bị gút…

Bạn đọc Trần Thanh S. (nam, 40 tuổi, tranth…@gmail.com), hỏi: Chào bác sĩ, đã 2 đợt khám sức khỏe liên tiếp (6 tháng/ đợt), kết quả cho thấy mức axit uric của tôi cao khá nhiều so với giới hạn bình thường. Tôi rất bối rối vì thường tôi nghe nói những người "nhậu" nhiều mới gặp vấn đề này, trong khi tôi không bao giờ uống rượu và rất hiếm khi uống bia, khi uống cũng chỉ 1-2 chai (khoảng 1 tuần/1 lân). Tôi cũng không hề bị bệnh gút. Vậy tại sao chỉ số này của tôi vẫn cao, đó có thể là dấu hiệu một bệnh nào khác không? Axit uric này thật ra là gì và có nguy hiểm không?

PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), trả lời:

Chào bạn, đầu tiên bạn có thể hiểu axit uric là sản phẩm ly giải của phân tử purin từ gan và niêm mạc ruột, lưu hành trong máu. Sau đó gần 2/3 lượng axit uric được thải ra ngoài qua thận, 1/3 còn lại được thải qua đường tiêu hóa.

Ai cũng có axit uric trong máu, nồng độ axit uric thường phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, huyết áp, chức năng thận và tình trạng sử dụng bia rượu… Nếu kết quả xét nghiệm thể hiện axit uric cao, vượt ngưỡng bình thường, thì có thể bạn gặp một trong các tình trạng sau:

- Bệnh gút.

- Suy thận.

- Tình trạng phá hủy tế bào ồ ạt trong các bệnh lý như: Ung thư máu dòng bạch cầu, hóa trị liệu ung thư, nhiễm độc thai nghén, bệnh vẩy nến, bệnh bất thường tế bào máu, thiếu máu tán huyết..

- Do thuốc lợi tiểu, thuốc ngủ nhóm barbiturate.

- Do tình trạng toan chuyển hóa.

- Nhược giáp.

- Bệnh thận mãn tính.

- Bệnh lý tuyến cận giáp.

- Đang dùng thuốc giảm đau nhóm salicylate liều thấp.

- Do chế độ ăn nhiều đạm, uống rượu.

- Nhiễm độc chì mãn tính.

- Bệnh Down.

- Bệnh thận đa nang, hội chứng Lesch-Nyhan, bệnh Von Gierke…

Như vậy, cho dù không sử dụng bia rượu, không bị bệnh gút thì vẫn còn rất nhiều nguyên nhân có thể làm chỉ số axit uric của bạn tăng cao. Các bệnh lý còn lại đều cần được trực tiếp thăm khám và chẩn đoán, do đó bạn nên đến cơ sở y tế để khám sớm. Trường hợp bạn đang dùng một trong các thuốc kể trên, nên quay lại gặp bác sĩ đã kê toa cho bạn để được tư vấn thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại