Mùng 3 Tết, tôi đã phải vào viện giữa đêm vì cơn đau chịu không nổi do gút. Đây không phải lần đầu, mấy năm nay cứ hễ Tết là tôi bị, có khi đi du lịch, chơi lễ cũng bị. Trong những dịp đó, quả thật tôi có tham gia các buổi tiệc nhưng về bia rượu thì chỉ uống chút ít cho vui. Có vài hôm tôi còn ăn chay. Tôi nghe nói đàn ông nhậu nhiều dễ gút, tôi uống ít sao vẫn bị?
(Trần Văn Vinh, 50 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM)
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP HCM:
Ngay cả khi bạn không uống bia rượu, bạn vẫn có thể bị gút. Gút (gout) là một dạng rối loạn chuyển hóa thức ăn. Purin trong đạm động vật, thực vật không được chuyển hóa thích hợp, tạo thành acid uric.
Acid uric tăng cao trong máu, đọng lại các khớp, gây các cơn đau do gút. Đông y còn gọi là thống phong.
Có thể trong các ngày Tết, bạn đã tiêu thụ quá nhiều đạm trong các buổi tiệc. Các thực phẩm chứa purin hàng đầu là hải sản, nội tạng, thịt đỏ… đều là các món hay được ưa chuộng trong các buổi nhậu.
Cho dù bạn uống ít nhưng "phá mồi" nhiều thì cũng dễ bị gút.
Ăn chay chưa hẳn đã né được gút vì dư thừa đạm thực vật cũng gây nên điều này, ví dụ như quá nhiều thực vật họ đậu. Một số loại rau mầm cũng dễ gây gút: măng, dưa giá, cải mầm…
Uống bia nhiều cũng góp phần gây gút vì thành phần của nó có mầm lúa mạch.
Để cải thiện việc mỗi mùa lễ Tết là phải gặp bác sĩ vì gút, chắc chắn việc đầu tiên là bạn nên xem lại mình có ăn đạm quá nhiều? Kế đến, hãy tìm cách loại bỏ purin-acid uric dư thừa và ăn cân bằng lại.
Bạn vừa trải qua cơn gút cấp nên bây giờ hãy tích cực ăn, uống các món lợi tiểu, ví dụ như các loại rau xanh: cải, bồ ngót, mã đề, rau má…
Uống ít nhất 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Như vậy lượng acid uric dư thừa sẽ được loại thải bớt, tránh việc tái phát cơn gút.
Khi đang bị đau, bạn cũng nên hạn chế rượu bia . Ethylic trong rượu, bia vốn cũng gây đau mỏi các khớp.
Cơn đau do gút và do uống rượu bia cộng lại sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu. Nếu phải tiếp khách thì dùng ít thôi và nên chọn các loại rượu nhẹ như rượu vang.