Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội

Lê Tiên Long |

BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội vì có tới 2 tàu chiến lớn của Mỹ bị Không quân Việt Nam tấn công, gây thiệt hại nặng. Sau thế chiến 2 chưa có quân đội nào đụng đến Hạm đội 7.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường

Cách đây đúng 45 năm, ngày 19/4/1972, trên vùng biển Quảng Bình, Không quân Việt Nam đã lập chiến công vang dội, dùng bom đánh bị thương một tàu khu trục và một tuần dương hạm của Hải quân Mỹ.

Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất không quân Việt Nam ra quân đánh tàu chiến Mỹ thắng lợi trên biển. Đây cũng là lần đầu tiên chiến thuật ném bom "lia thia" (cho bom lướt trên mặt nước đến đích) được áp dụng, và ngay lập tức thu được thành công mỹ mãn.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Lục, nguyên phi công Trung đoàn không quân 923, trước đó, để đối phó với tàu chiến Mỹ đang bao vây vịnh Bắc Bộ, nhiều phi công đã đề xuất cách đánh cảm tử kiểu "Thần phong" của phi công Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng bị lãnh đạo bác bỏ, do yêu cầu của Không quân Việt Nam là phải bảo đảm an toàn nhân sự.

Đến năm 1971, không quân Việt Nam bắt đầu được học phương pháp ném bom "lia thia", khi đoàn cố vấn quân sự Cuba sang nước ta, và giáo viên bay, Đại úy không quân Ernesto đã tổ chức huấn luyện.

Theo lịch sử trung đoàn 923, 10 phi công MiG-17 của trung đoàn đã được huấn luyện bay công kích mục tiêu trên biển. Đến tháng 3/1972, đã có 6 phi công thành thục động tác bay thấp trên biển và nắm được kỹ thuật ném bom tàu chiến.

Ngoài Đại úy Ernesto là giáo viên bay, đoàn chuyên gia Cuba còn có một thợ máy sang giúp không quân Việt Nam huấn luyện theo chiến thuật ném bom lia thia. Địa điểm huấn luyện là sân bay Kiến An, Hải Phòng và đảo Long Châu trong 2 tháng, vị trí bay tập do chính các phi công Việt Nam lựa chọn.

Theo kỹ thuật này thì khi cắt bom, máy bay phải bay bằng ở độ cao 50m, tốc độ đạt 800 km/h, ném sao cho điểm rơi cách thân tàu khoảng 5m, chìm xuống rồi ngóc lên chui vào thân tàu sau 14 giây thì bom nổ, đủ thời gian cho máy bay MiG lấy độ cao an toàn là 500m.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội - Ảnh 1.

Ảnh vẽ tiêm kích MiG-17 Việt Nam ném bom tàu chiến Mỹ.

Theo phi công Nguyễn Văn Lục, điểm khó nhất của phương pháp tác chiến này là phải giữ máy bay độ cao 50m trên mặt nước biển. Nếu bay cao hơn, sẽ bị rada trên tàu phát hiện sớm và hệ thống phòng không trên tàu nổ súng tấn công.

Một yêu cầu nữa của phương pháp tác chiến này là phi công phải chọn hướng bay vuông góc với mục tiêu (tàu chiến địch), để sau khi cắt bom, quả bom sẽ theo quán tính bay thẳng tới đâm xuyên vào thành tàu rồi mới phát nổ.

Nếu góc tiếp cận lệch từ 10 độ trở lên, quả bom có nguy cơ bị bật ra khỏi vỏ tàu bằng thép và phát nổ ngoài mặt nước.

Sau quá trình luyện tập thành thạo, Bộ tư lệnh quân chủng Phòng không không quân đã phê duyệt phương án đánh tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi Quảng Bình.

Trước đó, các lực lượng công binh cũng đã được lệnh chuẩn bị sân bay dã chiến tại Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), sử dụng ngay mặt đường mòn Hồ Chí Minh để tránh con mắt nhòm ngó của Không quân Mỹ.

Tiểu đoàn 28 Công binh (nay là Lữ đoàn 28 công binh không quân) là đơn vị tiến hành thi công sân bay, sử dụng các loại xe, máy được bí mật vận chuyển từ Hà Nội vào. Với bề ngang 18m, chiều dài 1.800m, sau khi hoàn thành, sân bay được ngụy trang rất kỹ bằng cây lá, được thay hằng ngày.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội - Ảnh 2.

Phi công Lê Xuân Dị (trái) và phi công Nguyễn Văn Bảy B bàn phương án đánh tàu chiến Mỹ. Ảnh tư liệu.

Trận đầu tiên và duy nhất KQVN dùng MiG-17 tấn công chiến hạm Mỹ

Ngày 12/4/1972, một nhóm 3 phi công được lựa chọn cho nhiệm vụ là Lê Xuân Dị, Nguyễn Văn Bảy B và Nguyễn Văn Lục đã có mặt ở sân bay Khe Gát để chuẩn bị.

15h45 phút chiều 18/4, hai phi công Lê Hồng Điệp và Từ Đễ đã chuyển 2 chiếc MiG-17 từ sân bay Kép về Gia Lâm rồi vào sân bay Vinh và bí mật hạ xuống sân bay Khe Gát. Hai chiếc MiG-17 này đã được cải tiến lắp dù giảm tốc để hạ ở sân bay ngắn hẹp.

Chiều hôm sau, vào lúc 16h05 ngày 19/4/1972, biên đội Dị - Bảy cất cánh, bay hướng ra biển. 16h23phút, phi công Dị phát hiện 2 vệt nước trắng từ 2 chiếc tàu đang chạy trên phía Đông cửa Nhật Lệ 16 km.

Theo phương án chiến đấu, phi công Bảy B kéo dài biên đội để số 1 Dị vào công kích. Chiếc tàu anh Dị công kích là tàu khu trục hộ tống USS Higbee (DD806). Khi ấy, anh Bảy vòng trái tìm mục tiêu đến tận Đông Bắc cửa Dinh vẫn không thấy liền bay ra biển xa thêm một chút thì phát hiện 2 tàu khác.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội - Ảnh 3.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội - Ảnh 4.

Tàu khu trục hộ tống USS Higbee (DD806) hư hỏng nặng sau khi bị MiG-17 tấn công

Anh chọn đánh chiếc thứ hai, bay theo góc từ biển vào để công kích và cũng cắt bom trúng mục tiêu. Tàu anh Bảy đánh là tàu tuần dương hạm hạng nhẹ USS Oklahoma City (CIG-5).

2 chiếc MiG-17 về hạ cánh ở sân bay Khe Gát lúc 16h21. 3 ngày sau không quân Mỹ mới phát hiện ra sân bay Gát và ném bom đánh phá. Tuy được cất giấu trong hẻm núi nhưng một chiếc MiG-17 vẫn bị đánh hỏng. Chiếc còn lại bị thương nhẹ, sau khi sửa xong thì phi công Lê Hồng Điệp đã cất cánh bay về căn cứ an toàn.

Trận không đối hải này chỉ trong vòng 17 phút và với 4 quả bom 250kg, biên đội đã đánh hỏng nặng 1 tàu khu trục và bị thương 1 tàu tuần dương của Mỹ. Biên đội bay về an toàn.

Theo lời kể của phi công Lê Xuân Dị sau trận đánh:

"Tôi bay trên độ cao 200m, khi phát hiện 2 vệt nước trắng, tôi nhìn thấy mục tiêu và tiếp cận vào từ hướng Tây nên tận dụng được hướng mặt trời lặn, tôi hạ xuống 50m, bật tăng lực đạt tốc độ 800 km/h.

Đến cự li và góc vào đúng như phương án, tôi đã ném 2 quả bom theo kỹ thuật thia lia. 2 quả bom chìm xuống nước rồi lao vào thân tàu Mỹ. Tôi kéo thoát li và quay về hạ cánh..."

Theo thông tin từ phía Mỹ, chiếc Higbee bị hư hại đáng kể do trúng trực tiếp một quả bom từ chiếc MiG do anh Dị điều khiển, phá hủy tháp pháo 5 inch phía đuôi tàu. Trong khi đó, tàu USS Oklahoma City bị hỏng radar dò tìm không trung.

Sau trận đánh của Không quân Việt Nam vào các tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ thì Bộ quốc phòng Mỹ đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vì từ sau Thế chiế 2, chưa có quân đội nào đụng đến Hạm đội 7.

Đây là trận đầu tiên và duy nhất Không quân Việt Nam dùng MiG-17 tấn công chiến hạm của Hải quân Mỹ.

Không quân Việt Nam đã làm được điều phi thường: BQP Mỹ phải điều trần trước Quốc hội - Ảnh 5.

Tàu khu trục hộ tống USS Higbee (DD806) phải sửa chữa ở Philippines sau khi bị MiG-17 tấn công.

Tuy mới chỉ đánh bị thương 2 chiến hạm Mỹ, nhưng chiến thắng này có ý nghĩa rất quan trọng, buộc Hải quân Mỹ không dám đưa tàu tới gần bờ biển Khu 4 để đánh phá trục giao thông chiến lược và phóng tên lửa Phòng không Talos khi MiG của Việt Nam xuất hiện.

Đó là các điều kiện rất tốt cho hoạt động của tuyến giao thông cũng như cho hoạt động của máy bay MiG tại khu vực.

Chiến công ngày 19/4/1972 của MiG-17 cũng chứng minh các phi công Việt Nam có thể làm chủ kỹ thuật, phát huy cao nhất tính năng của máy bay MiG, dũng cảm, sáng tạo trong cách đánh, không chỉ dùng máy bay MiG lập công trong không chiến mà còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất, mặt nước theo nhiệm vụ được giao...

Về hai phi công tham gia trận chiến, Đại tá Lê Xuân Dị sinh năm1938 ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhập ngũ năm 1959, đi học bay tại trường Không quân Liên Xô (1961-1964) trên loại MiG-17. Trong chiến tranh, ông đã bắn rơi 1 chiếc A-4 và tham gia trận không đối hải nói trên.

Ông đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Trung đoàn, Sư đoàn và sau này là Chánh thanh tra Không quân thuộc Thanh tra Bộ Quốc phòng. Ông Dị về hưu năm 1998 và được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2015.

Thiếu úy Nguyễn Văn Bảy B sinh năm 1943 tại Bạc Liêu. Ông nhập ngũ năm 1965 và đi học bay tại Liên Xô (1965-1968) trên loại máy bay MiG-17.

Ngày 6/5/1972 ông đã anh dũng hy sinh trong trận không chiến không cân sức giữa 2 chiếc MiG-17 và các máy bay của Hải quân Mỹ trên vùng trời Thanh Hóa. Ngày 20/12/1994, ông được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại