Trên mỗi tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, ngoài 2 khẩu pháo bắn nhanh AK-630M bố trí phía sau thì tàu còn được trang bị 1 module tác chiến của hệ thống tên lửa - pháo phòng không Palma ở phía trước.
Trong mỗi module Palma, ngoài 2 khẩu pháo nòng xoay AO-18KD có tốc độ bắn lên tới 10.000 phát/phút thì đáng chú ý nhất là 8 tên lửa phòng không tầm ngắn dẫn đường bằng laser 9M311 Sosna-R. Đây là vũ khí chủ lực của tàu Gepard 3.9 trong việc chống lại tên lửa hành trình đối hạm bay bám biển cũng như các phương tiện tấn công đường không của đối phương.
Theo một số nguồn thông tin tham khảo, đơn giá một quả tên lửa 9M311 Sosna-R vào khoảng 150.000 USD, con số không quá cao nhưng cũng chẳng hề nhỏ, đặc biệt với một quốc gia nghèo như Việt Nam. Do vậy tất yếu phải có một biện pháp nhằm tiết giảm chi phí huấn luyện.
Module tác chiến của hệ thống Palma lắp trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Việt Nam. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Trước nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Hải quân, các cán bộ khoa học trẻ của Viện Điện tử - Viện Khoa học Công nghệ Quân sự đã nghiên cứu và thiết kế thành công trung tâm xử lý giả đạn tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R cho tàu Gepard 3.9.
Vận dụng và kết hợp các kiến thức nền tảng hiện đại, trung tâm xử lý giả đạn là công cụ phục vụ đắc lực trong việc bảo đảm hệ số chiến đấu cao cho vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu.
Theo Đại úy Phạm Thành Công - Phó Trưởng phòng Thu phát và Truyền sóng - Viện Khoa học Công nghệ Quân sự - Chủ nhiệm đề tài: Sử dụng giả đạn tạo ra hiệu ứng giống như việc bắn tên lửa thật. Tất cả tín hiệu cũng như quỹ đạo của tên lửa và mục tiêu đều được tạo giả theo tình huống cũng như theo đúng yêu cầu kỹ thuật và phản ứng được với máy bắn của Nga.
Trung tâm xử lý giả đạn tên lửa phòng không 9M311 Sosna-R. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Trước đây để kíp chiến đấu trên tàu Gepard 3.9 thực hành huấn luyện bắn đạn thật cần chi phí cao, mất nhiều công sức triển khai và khó tự chủ về mặt thời gian, thì nay trung tâm xử lý giả đạn 9M311 Sosna-R đã đáp ứng nhanh yêu cầu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với chi phí nhỏ nhất, linh động, thời gian triển khai nhanh.
Với sáng kiến này, khi đưa vào huấn luyện, các trắc thủ được thực hành bài phóng mục tiêu bằng hệ thống giả đạn với đầy đủ tính năng như đạn thật. Qua đó rèn luyện tâm lý, kỹ chiến thuật cho kíp, góp phần đưa công tác huấn luyện sát với thực tế chiến đấu.
Đồng thời hệ thống này cũng giúp kiểm tra đánh giá chức năng toàn bộ tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Palma, duy trì hệ số kỹ thuật của tổ hợp ở mức cao nhất.
Giải nhất Tuổi trẻ sáng tạo lần thứ XVI là một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của Đại úy Phạm Thành Công cùng nhóm đề tài.
Xem video: Cái nôi của giải thưởng công nghệ. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Cái nôi của giải thưởng công nghệ