"Quá trình phát triển các thiết bị bay mới đang được thực hiện theo nhiều hướng: Từ hạng nhẹ, hạng trung đến hạng nặng và thiết bị bay lưỡng thể. Trong tương lai, toàn bộ các thiết bị bay không người lái của Nga sẽ được tích hợp vào hệ thống điều khiển hợp nhất mang tên Staei", ông V. Bondarev cho biết.
Nguyên mẫu máy bay không người lái lưỡng thể VRT30 tại MAKS-2017
Tư lệnh Không quân vũ trụ Nga nhấn mạnh, việc tạo ra hệ thống điều khiển hợp nhất có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng sẽ giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đào tạo kíp điều khiển và chi phí vận hành thiết bị.
"Bạn có thể so sánh chi phí đào tạo một phi công thiện nghệ hay chế tạo một hệ thống điều khiển tự động đắt hơn. Nếu như hiện tại, mỗi thiết bị điều khiển chỉ có thể quản lý cùng lúc 1-2 thiết bị bay không người lái, thì trong tương lai con số này có thể lên tới hàng chục thiết bị", ông V. Bondarev nói.
Trong khuôn khổ triển lãm hàng không quân sự MAKS-2017 vừa diễn ra, Tập đoàn Russia Helicopter đã giới thiệu nguyên mẫu công nghệ của máy bay không người lái lưỡng thể VRT30. Thiết bị bay này sẽ bắt đầu bay thử nghiệm ngay trong năm 2017 và chế tạo hàng loạt từ cuối năm 2018.
Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất áp dụng công nghệ máy bay lưỡng thể trên sản phẩm V-22 Osprey và các biến thể. Tuy nhiên, đó lại là một máy bay có người lái. Trong tương lai gần, Lầu Năm góc cũng đang theo đuổi chương trình phát triển UAV lưỡng thể với mẫu V-247 Vigilant.
Cơ cấu chuyển đổi cánh quạt linh hoạt của máy bay lưỡng thể V-22 Osprey
Về nguyên lý, máy bay lưỡng thể là dòng máy bay có thể chuyển đổi cơ cấu cánh quạt từ chế độ trực thăng (có thể cất và hạ cánh thẳng đứng) sang chế độ cánh quạt nằm ngang giống như máy bay truyền thống và ngược lại.
Sự chuyển đổi linh hoạt này cho phép máy bay lưỡng thể có thể hoạt động ở nhiều điều kiện địa hình và môi trường tác chiến khác nhau.