Không quân Mỹ với “cơn đau đầu” mang tên AMRAAM

Tuấn Sơn |

Dù là trang bị tiêu chuẩn trong không chiến không đối không ngoài tầm nhìn của Không quân Mỹ, nhưng đạn tên lửa AMRAAM AIM-120 hiện có lại không đáp ứng được yêu cầu tác chiến. Điều này cũng giống như kỵ sĩ không thể sử dụng trường thương trong trận chiến và là “cơn đau đầu” không mấy dễ chịu của Không quân Mỹ.

Khi chiến công nghiêng về tên lửa tầm nhiệt

Với sự phát triển của công nghệ radar hàng không, các cuộc không chiến đã được nới dài khoảng cách với tên lửa không đối không tầm trung. Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của giới chức quân sự Mỹ, các dòng tên lửa không đối không tầm trung dù được quảng cáo giúp Không quân Mỹ giành được ưu thế trước các đối thủ lại không đáp ứng được yêu cầu trong thực chiến.

Điều này có thể dễ dàng được nhận thấy qua kết quả chiến đấu của tên lửa AIM-7 Sparow hay AIM-64 Phoenix. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, tới đầu thập kỷ 1990, chiến công của Không quân Mỹ chủ yếu được thiết lập bởi các phiên bản của dòng tên lửa tầm ngắn sử dụng đầu dò tầm nhiệt AIM-9 Sidewinder.

Cự ly tác chiến hiệu quả của các máy bay chiến đấu Mỹ vẫn dừng lại ở 10-15km. AIM-9 đạt hiệu quả tác chiến cao trong chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991) với việc bắn hạ tới 20 máy bay Mirage, Mig và Sukhoi của Không quân Iraq.

Trong khi đó, các loại tên lửa không đối không tầm trung sử dụng cơ chế dẫn đường bán chủ động bằng radar như AIM-7 và AIM-120C với những lời quảng cáo nâng cao hiệu quả tác chiến của các nhà thầu quân sự đã không phát huy hiệu quả.

Trong các cuộc xung đột, tên lửa không đối không tầm trung của Không quân Mỹ chủ yếu đóng vai trò tạo áp lực sớm lên máy bay chiến đấu của đối phương để tạo ưu thế trước khi tiến vào cuộc đối kháng trong tầm nhìn hay không chiến quần vòng.

Những chiến công ít ỏi của tên lửa AIM-120 không đủ để giúp nó khẳng định vị trí là vũ khí tiêu chuẩn của Không quân Mỹ, cũng như các quốc gia đồng minh ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần.

Chiến công gần nhất của tên lửa AIM-120 chính là việc máy bay F-16 của Không quân Pakistan bắn rơi máy bay Mig-21 của Không quân Ấn Độ trong cuộc không chiến ngày 27-2-2019. Tuy nhiên, nếu so sánh tương quan, Mig-21 quá lạc hậu so với đối thủ F-16 Fighting Falcon.

Trước đó, Không quân Mỹ và đồng minh cũng từng sử dụng tên lửa AIM-120 để bắn hạ một số máy bay Su-22 (Không quân Syria) và Mig của Không quân Liên bang Nam tư cũ.

Tìm kiếm vũ khí thay thế mới

Mong muốn chính của Không quân Mỹ và đồng minh chính là nới rộng khoảng cách không chiến để tận dụng ưu thế về trang bị kỹ thuật hiện đại trên máy bay.

Ngay từ tên lửa AIM-7, Không quân Mỹ đã muốn kéo dài khoảng cách không chiến ra tầm 50km, con số này trên AIM-120 là 200km. Trong khi đó, châu Âu cũng có định hướng tương tự với dòng tên lửa MBDA Meteor với tầm bắn hiệu dụng đạt 100-150km.

Tuy nhiên, yếu điểm chung của các tên lửa không đối không tầm trung chính là đạn tên lửa nhanh chóng mất động năng khi phải cơ động theo máy bay chiến đấu của đối phương; hệ thống đầu dò chủ động nhỏ, tầm giám sát hẹp và dễ bị gây nhiễu… đã khiến hiệu quả tác chiến của chúng giảm dần theo cự ly tác chiến.

Cùng với đó, sự canh tranh xuất hiện loại vũ khí có chức năng tương tự như R-27 (Nga) hay PL-10 (Trung Quốc) cũng gián tiếp tạo áp lực lên Không quân Mỹ và buộc Lầu Năm góc phải có loại vũ khí tương ứng để làm đối trọng dù tính năng chiến đấu còn có nhiều vấn đề.

Không quân Mỹ với “cơn đau đầu” mang tên AMRAAM - Ảnh 1.

Nguyên mẫu tên lửa Peregrine.

Không quân Mỹ với “cơn đau đầu” mang tên AMRAAM - Ảnh 2.

Nguyên mẫu tên lửa Cuda.

Hiện tại, Không quân Mỹ đang theo đuổi một vài chương trình phát triển tên lửa không đối không tầm trung mới với kỳ vọng khắc phục được các vấn đề cố hữu tồn tại trên tên lửa AIM-120 là Peregrine.

Theo các thông tin công khai, tên lửa Peregrine có kích thước khá nhỏ gọn: Dài 1,8m và nặng khoảng 22,7kg, với mục tiêu là rút ngắn tầm ngắn, nhưng tăng hiệu quả tác chiến bằng số lượng tên lửa mang theo và hệ thống đầu dò radar bán chủ động hiện đại.

Để so sánh, tên lửa Peregrine có kích thước và trọng lượng chỉ bằng phân nửa so với các dòng tên lửa AIM-9 và AIM-120. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh có thể mang gấp đôi số lượng tên lửa chiến đấu.

Phát ngôn viên hãng chế tạo Raytheon, nhà thầu đang phát triển tên lửa Peregrine, Mark Noyes cho biết, dòng tên lửa không đối không mới sẽ là sự kết hợp giữa hiệu quả chiến đấu của tên lửa AIM-9 và tầm bắn của AIM-120.

Với số lượng tên lửa mang theo vượt trội so với đối thủ, máy bay chiến đấu Mỹ sẽ có lợi thế về cách tiếp cận, cũng như chiến thuật trong không chiến với đối phương.

Những thông tin về tên lửa Peregrine nhận được sự ủng hộ của giới chức Không quân Mỹ. Nó chính là “làn gió mới” thay thế cho tên lửa AIM-120 đã hơn 30 năm tuổi với nhiều hạn chế về công nghệ không thể khắc phục.

Không chỉ có Raytheon, hãng chế tạo Mỹ Lockheed Martin cũng đưa ra khái niệm về dòng tên lửa không đối không tầm trung mới mang tên Cuda. Chúng được phát triển để phù hợp với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 và F-35.

Các khoang chiến đấu của F-35 hay F-22 có thể mang theo tới 12 đạn tên lửa Cuda với điểm đặc biệt là khả năng tác chiến xuyên phá động năng (đầu đạn tên lửa tạo sát thương bằng việc va chạm trực tiếp với máy bay đối phương).

Kiểu thiết kế này giúp giảm trọng lượng tác chiến của tên lửa nhờ việc không phải mang theo khối đầu đạn nổ phá mảnh định hướng như tên lửa không đối không truyền thống. Tuy nhiên, độ tin cậy của phương thức tác chiến như vậy còn nhiều nghi vấn do tên lửa không đối không quá nhỏ, không đủ kích thước để tạo động năng cần thiết cho các đầu đạn xuyên phá động năng.

Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, vấn đề phát triển các dòng tên lửa không đối không tầm trung tương lai hiện tại phụ thuộc phần lớn vào việc phân bổ ngân sách của Lầu Năm góc. Một chương trình thay máu quy mô lớn sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và thời gian thực hiện có thể tính bằng nhiều năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại