"Cay đắng" vì mất 2 tàu chiến năm xưa: Lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ "ôm chặt" S-400 của Nga, không "mềm lòng" trước Mỹ

Mạnh Kiên |

Sự kiện bị phương Tây thu giữ 2 tàu chiến vào năm 1914 vẫn ám ảnh trong tâm trí Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này sẽ càng khiến cho Ankara quyết tâm rời bỏ NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hồi đầu tuần cảnh báo, nước này sẽ tìm kiếm giải pháp thay thế nếu Washington không chấm dứt lệnh cấm vận đối với việc chuyển giao chiến đấu cơ F-35.

Sự bế tắc xoay quanh chương trình tiêm kích tàng hình F-35 – vốn được coi là chìa khóa cho sức mạnh quốc phòng tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ - đang gợi lại những ký ức về một cuộc tranh cãi tương tự trong thế kỷ trước.

Với những ký ức cay đắng năm xưa, Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng chấp nhận quay đầu về phía Nga.

Tranh cãi năm 1914

Vào năm 1914, trước thềm Thế chiến I, Anh đã thu giữ hai chiếc tàu chiến do cơ sở đóng tàu của nước này sản xuất cho Đế chế Ottoman thời đó. Vụ việc đã gây chấn động ở Thổ Nhĩ Kỳ cho đến tận mãi sau này.

"Nó tiếp tục ám ảnh tâm trí không chỉ đối với công chúng, giới chính trị và cả các thể chế sau này", Giáo sư quan hệ quốc tế Serhat Guvenc từ Đại học Kadir Has cho biết. "Hải quân chưa bao giờ quên ký ức đó và ngày nay, vụ tranh cãi nói trên có nhiều điểm tương đồng đối với lệnh cấm vận F-35|.

"Hai tàu chiến đặt hàng đã được trả tiền đầy đủ. Nhưng Winston Churchill - người đứng đầu hải quân Anh năm 1914 đã bị ám ảnh với viễn cảnh Ottoman sẽ gia nhập quân Đức. Vì vậy, hai tàu chiến này đã không được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ", Guvenc nói.

"Hơn một thế kỷ trước, đó là nỗi sợ hãi về việc Ottoman gia nhập quân Đức", Guvenc nói thêm. "Ngày nay, trong trường hợp F-35, phương Tây tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngả vào lòng Nga".

Năm 1914, sau khi Anh thu giữ hai tàu chiến của Ottoman, Đức đã đề nghị gửi hai tàu của mình đến thay thế, một động thái mời gọi người Thổ Nhĩ Kỳ về phe chống lại Anh, Pháp và Nga trong Thế chiến I.

Nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen thừa nhận vụ việc năm 1914 vẫn còn vang vọng rất lớn trong tâm trí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

"Trong số các chỉ huy của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nó vẫn là một ký ức sống động và trở thành câu chuyện định hình suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách", ông nói.

Kể từ năm 1914, Ankara đã không bao giờ mua thêm một tàu chiến nào từ Anh. Điều này khiến các nhà quan sát tin rằng nó cũng sẽ được áp dụng với vụ việc F-35 hiện tại.

"Ankara đã sử dụng các nỗ lực ngoại giao so sánh với vụ mất 2 tàu chiến năm xưa", Selcen nói. "Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 vì Washington chỉ cho chọn hoặc là tên lửa S-400 hoặc F-35, chứ không phải cả hai".

Tương đồng

Cay đắng vì mất 2 tàu chiến năm xưa: Lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ ôm chặt S-400 của Nga, không mềm lòng trước Mỹ - Ảnh 2.

Vụ việc F-35 đang gợi lại ký ức mất hai tàu chiến năm xưa của Thổ Nhĩ Kỳ. Tiêm kích Su-35 Nga.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 khiến nước này tổn thất nặng nề hơn so với việc mất hai tàu chiến vào năm 1914.

Ankara đã đầu tư hơn một tỷ USD vào dự án máy bay tàng hình của Mỹ và có thỏa thuận chuyển giao 100 máy bay mới để thay thế phi đội máy bay F-16 già cỗi.

Washington cũng đã trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất và cung ứng linh kiện cho mẫu máy bay tàng hình tiên tiến nhất.

"Khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác chính thức trong chương trình F-35, ràng buộc chính trị sẽ là Thổ Nhĩ Kỳ phải tuân thủ cam kết với liên minh NATO và là đồng minh trung thành với Mỹ", chuyên gia Guvenc nói. "Nhưng tại Washington, họ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang rời bỏ liên minh phương Tây và tìm kiếm những người bạn mới ở Á-Âu, chủ yếu là Nga và Trung Quốc".

Moscow đang có các nỗ lực vận động hành lang để mở rộng thêm các thương vụ mua sắm vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang mua thêm các tổ hợp S-400 mới, một động thái có khả năng sẽ khiến Washington tức giận hơn nữa.

Giống như vào năm 1914, Ankara đang phải đối mặt với một thời điểm mang tính chất quyết định.

"Có những điểm tương đồng rất đáng chú ý. Trong quá khứ, khi hai tàu chiến Đức đến Istanbul thay cho hai con tàu bị thu giữ trước đó, người Anh đã phải rời đi và thế chỗ bởi người Đức. Từ đó trở đi, ảnh hưởng của hải quân Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục kéo dài cho đến sau Thế chiến I", chuyên gia Guvenc giải thích.

"Vì vậy, chúng ta có thể thấy một sự đoạn tuyệt trong chiến lược quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và sự liên kết mới xoay quanh Nga -Trung Quốc - một chiến lược quân sự hỗn hợp sẽ khiến họ chắc chắn rời khỏi liên minh phương Tây", ông kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại