Trong đó, Lầu Năm Góc đặc biệt lưu ý tới việc Trung Quốc triển khai loại tên lửa có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam. Đó là DF-26.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, ngoài khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm trung DF-26 của Trung Quốc còn có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công thông thường nhằm vào tàu chiến Mỹ tại Tây Thái Bình Dương.
Động thái triển khai DF-26 của Trung Quốc đã được dự đoán ngay từ tháng 9/2015, khi chúng xuất hiện trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh.
Tên lửa này đại diện cho bước tiến chiến lược mới nhất của Trung Quốc sau 2 thập kỷ gia tăng ngân sách quốc phòng, đưa nước này trở thành quốc gia có mức chi tiêu quân sự cao thứ hai thế giới.
Xu thế hiện đại hóa của Trung Quốc, trong đó tập trung mở rộng quy mô không quân và hải quân, đang thách thức vị thế thống trị đã kéo dài hơn 70 năm của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương.
Năm 2016, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc cải tổ cơ cấu sâu rộng trong quân đội Trung Quốc, đưa lực lượng tên lửa trở thành một binh chủng tương tự như lục quân, hải quân và không quân. Tên lửa DF-26 được đưa vào trang bị cùng với loại tên lửa đã triển khai trước đó là DF-21 - mệnh danh "sát thủ tàu sân bay".
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng xác nhận rằng các tàu ngầm lớp Jin của Trung Quốc hiện được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, giúp tăng cường năng lực răn đe hạt nhân của nước này trên biển. Từ năm 2014, Lầu Năm Góc đã dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiến hành các đợt tuần tra bằng tàu ngầm mang theo tên lửa.
Đáng chú ý, bản báo cáo trên được trình lên chỉ vài ngày sau khi tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc đang có những hành động "đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên các quy tắc mang lại lợi ích cho tất cả các nước".
Cũng trong bản báo cáo, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng năng lực tác chiến viễn chinh ở nước ngoài bằng cách phát triển các đơn vị không quân lục quân, đặc nhiệm và tàu sân bay. Dự kiến, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2020.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể sẽ hoàn thiện căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên trong năm tới tại Djibouti và sau đó sẽ theo đuổi các thỏa thuận xây căn cứ quân sự tương tự tại một số quốc gia khác như Pakistan.